Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh khảo sát tình hình sâu đầu đen ở Châu Thành

09/03/2022 - 20:36

BDK.VN - Ngày 9-3-2022, Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Văn Quới đã có chuyến khảo sát về tình hình sâu đầu đen gây hại trên cây dừa ở Châu Thành. Cùng tham dự còn có đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), UBND huyện Châu Thành.

Các đại biểu khảo sát vườn dừa tại xã Phước Thạnh.

Các đại biểu khảo sát vườn dừa tại xã Phước Thạnh.

Đoàn đi khảo sát thức tế một số vườn dừa ở xã Hữu Định, Phước Thạnh và có buổi làm việc với lãnh đạo UBND huyện Châu Thành.

Tại buổi làm việc, đại diện huyện Châu Thành báo cáo với đoàn về thực trạng tình hình sâu đầu đen hại dừa và các giải pháp phòng trị. Theo đó, sâu đầu đen phát sinh gây hại đầu tiên tại xã Hữu Định tháng 7-2020 và đến nay lây lan ra 7 xã gồm: Hữu Định, Phước Thạnh, An Hoá, An Khánh, Tam Phước, Tiên Thủy và thị trấn với tổng diện tích gây hại là 280ha, trong đó nhiều nhất là Hữu Định 161ha. Đến nay, toàn huyện đã phục hồi 218ha, đạt trên 80%.

Phát biểu của đại diện Sở NN&PTNT.

Phát biểu của đại diện Sở NN&PTNT.

Thời gian qua, huyện đã cấp thuốc phun xịt cho người dân 241ha, hỗ trợ người dân đốn tiêu hủy 2.851 cây dừa bị nhiễm nặng khó phun xịt và không có khả năng phục hồi. Tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách và doanh nghiệp là 723 triệu đồng. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho nông dân các giải pháp phòng trừ từ thuốc và phóng thích ong ký sinh sâu đầu đen. Phòng NN&PTNT đã vận động tiêu hủy thêm 8,6ha dừa không có khả năng phục hồi. Tổ chức tập huấn cho 236 nông dân nuôi ong ký sinh và bọ đuôi kìm.

Sau khi nghe báo cáo thực tế và các giải pháp phòng trị, Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Văn Quới cho rằng: Sâu đầu đen mặc dù đã được tổ chức phòng trừ sớm nhưng ngày càng diễn biến phức tạp hơn. Các địa phương đang áp dụng 2 biện pháp hoá học, sinh học nhưng chỉ hạn chế được một phần. Sử dụng các giải pháp sinh học chưa phù hợp nên vẫn còn lây lan. Người dân chưa quan tâm, do diện tích nhỏ lẻ, manh mún không tập trung. Do rất khó kiểm soát dịch bệnh, nhất là diện tích dừa cao tuổi, triển khai diệt chưa đồng loạt của các hộ dân. Sử dụng thiên địch chưa hiệu quả.

Sắp tới, đề nghị các địa phương tập trung công tác tuyên truyền tác hại của sâu bệnh cho người dân. Có sự phối hợp của các ngành, đoàn thể tỉnh. Tiếp tục khảo sát khoanh vùng dập dịch. Đề nghị ngành nông nghiệp cần có quy trình quản lý tổng hợp để khống chế dịch bệnh. Có chương trình cải thiện vườn dừa kết hợp phòng trị sâu đầu đen. Kiến nghị Bộ NN&PTNT về thực trạng dịch hại để huy động nguồn lực phòng trừ hiệu quả hơn.

Tin, ảnh: Thu Huyền

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN