Bảo tồn giá trị truyện thơ Lục Vân Tiên

01/07/2019 - 14:18

BDK - Nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu gắn liền với nhiều tác phẩm thơ văn nổi tiếng như: Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Dương Từ - Hà Mậu, Ngư tiều y thuật vấn đáp… Trong đó, tác phẩm truyện thơ Lục Vân Tiên được xem là một trong những tác phẩm lớn danh tiếng nhất, có sức sống qua nhiều thế hệ.

Tái hiện hình tượng cụ Đồ Chiểu.

Tái hiện hình tượng cụ Đồ Chiểu.

Truyện thơ Lục Vân Tiên

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, một trong những tác phẩm ưu tú của nền văn học Việt Nam có ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa dân gian các tỉnh phía Nam là truyện thơ Lục Vân Tiên của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Đây là tác phẩm được cụ viết trước khi Pháp xâm lược đất nước, nhằm tuyên truyền đạo lý “Trai thì trung hiếu làm đầu/ Gái thì tiết hạnh làm câu trau mình”. Tác phẩm có 2.075 câu thơ với hình thức truyện kể văn vần (hay còn gọi là truyện thơ) cùng nhiều hình tượng nghệ thuật đẹp trong văn chương đã được nhân dân tiếp nhận và tin theo đạo lý chính nghĩa ấy.

Nhân vật nam chính của tác phẩm là Lục Vân Tiên là người hiếu thảo hết mực, nêu cao lý tưởng, sẵn sàng quên lợi ích riêng tư, dũng cảm đánh cướp Phong Lai cứu dân, đánh giặc Ô Qua cứu nước, in một phần bóng dáng nhà thơ Đồ Chiểu thời trai trẻ. Nhân vật nữ chính Kiều Nguyệt Nga là cô gái thủy chung son sắt với Lục Vân Tiên theo quan điểm lấy chữ nghĩa làm gốc. Nhiều nhà nghiên cứu nhận định, tác phẩm đã được sự thử thách của thời gian, có sức sống rất lớn trong đời sống tinh thần của nhiều thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là người dân Nam Bộ.

Cụ Nguyễn Đình Chiểu đã tiếp thu được những tinh hoa của văn hóa dân gian từ cách cảm, cách nghĩ đến lời ăn tiếng nói của người dân lao động nên khi chuyển tải vào tác phẩm Lục Vân Tiên, tác phẩm đã trở nên gần gũi với dân gian và sớm được nhân dân khai thác như nguồn chất liệu cho dân ca. Nhiều chi tiết, hình tượng của tác phẩm không chỉ đi vào đời sống dân gian (được ví von nghĩa hiệp như Lục Vân Tiên; xinh đẹp, thủy chung như Kiều Nguyệt Nga; dốt như Bùi Kiệm, Trịnh Hâm...) mà tác phẩm còn là nguồn sáng tạo nghệ thuật của một số loại hình nghệ thuật khác. Phổ biến hình thức diễn xướng ở khu vực miền Bắc là ngâm Kiều, còn trong miền Nam là kể Vân Tiên hay nói thơ Vân Tiên.

Giới thiệu thơ Lục Vân Tiên

Đó là lưu giữ, bảo quản các tư liệu về tác giả, tác phẩm (do Thư viện Nguyễn Đình Chiểu và Ban Quản lý di tích Nguyễn Đình Chiểu phụ trách), tổ chức các hoạt động văn hóa như: hội thi hóa trang Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga kết hợp nói thơ Vân Tiên, diễn kịch… Nói thơ Vân Tiên là một hình thức diễn xướng dân gian có từ khi tác phẩm ra đời và được nhân dân và ngành chuyên môn bảo tồn, lưu giữ đến ngày nay. Thế nhưng, hình thức này đã dần bị mai một bởi sự chi phối của nhiều hình thức hiện đại hơn trong đời sống mới.

Vì vậy, năm nay, trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày truyền thống văn hóa tỉnh Bến Tre 1-7, ngoài các chương trình như thông lệ còn có hoạt động khảo sát điền dã nói thơ Vân Tiên tại huyện Ba Tri. Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Nguyễn Hoài Anh cho biết: Đây là hoạt động khảo sát, tìm kiếm, gặp gỡ, trao đổi với những vị cao niên có am hiểu và biết cách thức nói thơ Vân Tiên. Hiện số lượng những vị này còn khá ít, hầu hết đều cao tuổi, từ 60 đến 90 tuổi. Có thể kể đến như: bà Nguyễn Ngọc Du - ấp An Quới, xã An Bình Tây, ông Châu Văn Nhà - ấp Phước Quới, xã Phước Tuy, ông Phạm Minh Diễn - ấp Phước Thạnh, xã Phước Tuy, ông Nguyễn Hữu Thoại - ấp Tân Bình, xã Tân Thủy, ông Võ Văn Hạnh - ấp An Bình, xã An Thủy, ông Lê Quang Lượng - ấp Tân Quý, xã Tân Mỹ (Ba Tri)... Đoàn khảo sát gồm các nhà nghiên cứu và những người làm công tác quản lý văn hóa của tỉnh, huyện Ba Tri. Qua cuộc khảo sát nhằm có cơ sở dữ liệu thực hiện bảo tồn và phát huy nghệ thuật nói thơ Vân Tiên.

Ông Lê Quang Lượng (60 tuổi) - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thơ Ba Tri chia sẻ, trong sinh hoạt câu lạc bộ cũng có lồng ghép đề cập đến các bài thơ của cụ Nguyễn Đình Chiểu. “Hiện nay, số người biết diễn ngâm thơ Vân Tiên theo đúng bài bản không nhiều, chủ yếu chỉ đọc suông qua. Để bảo tồn hình thức này cần phải có các giải pháp thích hợp. Trong đó, cần chú ý phải thuộc và diễn ngâm đúng các câu thơ trong tác phẩm”, ông Lượng nói.

Có thể nói, đi qua bao thập kỷ, tác phẩm thơ Lục Vân Tiên vẫn được nhiều thế hệ nhắc đến, không chỉ vì giá trị nghệ thuật thơ văn mà còn là giá trị về đạo nghĩa làm người. Những chuẩn mực về đạo đức như: lòng yêu nước, thủy chung, hiếu nghĩa... có giá trị vững bền đến ngày sau.

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN