Bảo vệ vững chắc “vùng xanh” để trở về trạng thái bình thường mới

03/09/2021 - 06:18

BDK - Tỉnh cơ bản kiểm soát dịch Covid-19, đã xóa “vùng đỏ”, mở rộng “vùng xanh” và tiếp tục thu hẹp “vùng cam”, “vùng vàng” trong 9 huyện, thành phố. Các cấp ủy, chính quyền vẫn tiếp tục duy trì, bảo vệ và phát huy thành quả phòng chống dịch trong thời gian tới, để giữ vững “vùng xanh” an toàn, ngăn chặn và đẩy lùi các nguy cơ, mỗi người dân hãy là “chiến sĩ”, nêu cao ý thức bảo vệ mình và cộng đồng.

Người dân TP. Bến Tre tuân thủ “5K” khi tham gia test nhanh tầm soát SARS-CoV-2.

Người dân TP. Bến Tre tuân thủ “5K” khi tham gia test nhanh tầm soát SARS-CoV-2.

Phát huy vai trò chủ thể

Sau chiến dịch tầm soát SARS-CoV-2 trong cộng đồng, dịch Covid-19 có xu hướng giảm trong toàn tỉnh. Theo Quyết định số 2686 của Bộ Y tế, quy định đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng chống dịch Covid-19, tỉnh có 2 địa phương: TP. Bến Tre và Bình Đại được đánh giá “vùng xanh”; Giồng Trôm, Chợ Lách “vùng vàng”; Ba Tri, Mỏ Cày Nam, Châu Thành, Thạnh Phú, Mỏ Cày Bắc “vùng cam”.

Theo đánh giá của Tổ công tác của Bộ Y tế, so với đánh giá mức độ nguy cơ ngày 27-7-2021, toàn tỉnh có 114/92 xã “vùng xanh”, 17/35 xã “vùng vàng”, 12/18 xã “vùng cam”, 14/12 xã “vùng đỏ”; 731/700 ấp, khu phố bình thường mới, 164/158 ấp, khu phố nguy cơ, 59/88 ấp, khu phố nguy cơ cao, 14/22 ấp, khu phố nguy cơ rất cao.

Cùng với giải pháp quản lý hành chính, tỉnh có phương án phòng chống dịch trong giai đoạn mới. Trong đó, tỉnh tập trung các biện pháp phòng hộ, hệ thống giám sát và xét nghiệm, vắc-xin. Trong đó, đưa công nghệ vào quản lý xã hội trong điều kiện bình thường mới. Giám đốc Sở Y tế Ngô Văn Tán cho biết: Phương án đối với “vùng xanh”, người dân khu vực phải thực hiện nghiêm “5K”. Khi ra khỏi “vùng xanh” phải có giấy xác nhận của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cấp xã, phường nơi cư trú. Trường hợp đi vào “vùng xanh” phải có giấy xác nhận test nhanh âm tính trong vòng 24 giờ và phải tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong vòng 14 ngày.

Quán bán thức ăn, nước uống, các loại thức ăn chế biến sẵn (phục vụ mang về), các chợ truyền thống (có ban quản lý chợ), tiệm tạp hóa, cửa hàng tiện lợi chỉ được kinh doanh mặt hàng thiết yếu. Người bán hàng phải mang khẩu trang, tấm chắn giọt bắn, có trang bị đầy đủ nước rửa tay, thực hiện giãn cách, giăng dây quanh khu vực bán hàng đảm bảo giãn cách giữa người mua và người bán, đánh dấu vị trí xếp hàng đảm bảo giãn cách giữa những người mua hàng. Đồng thời, ký cam kết thực hiện đúng các nguyên tắc phòng chống dịch.

Đối với “vùng cam”, “vùng vàng”, tạm ngưng các cơ sở kinh doanh nước uống, thức ăn, chỉ cho phép mở cửa các chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi. Mỗi hộ gia đình chỉ cử 1 người để đi chợ. Số lần được đi chợ không quá 1 lần/tuần.

Dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát nhưng công tác phòng chống dịch chưa chấm dứt, nguy cơ tái phát vẫn tiềm ẩn. Hơn nữa, dịch đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành lân cận. Tỉnh tăng cường các biện pháp kiểm soát phòng chống dịch. Cùng với biện pháp quản lý, kiểm soát của ngành chức năng, mỗi người dân là một “chiến sĩ”, chủ động nâng cao ý thức phòng chống dịch, hình thành thói quen, nếp sống trong điều kiện bình thường mới.

“Ai ở đâu ở đó”

Thời gian qua, trong điều kiện phòng  chống dịch, người dân đã tự hạn chế hoạt động thăm hỏi, gặp mặt để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Thói quen gặp gỡ “rai rai” vào cuối giờ chiều của cánh đàn ông cũng không còn. Anh L.Q.T (xã Mỹ Chánh, huyện Ba Tri) nói: “Trước đây, mỗi dịp cuối tuần, tôi cùng nhóm bạn làm vài lon bia giải nhiệt, nhưng hơn tháng nay tôi chấp hành nghiêm quy định để góp phần phòng dịch tốt nhất”.

Với tinh thần “an toàn là trên hết”, dịp lễ Quốc khánh 2-9 năm nay, anh L.Q.T “tuyệt giao” bạn bè, cố thủ tại gia để phòng dịch. Theo anh T. các bạn “đồng môn” đã thống nhất hẹn nhau qua dịch. Còn nhiều kỳ nghỉ khác để họp mặt gia đình, bạn bè. Lúc này mà chủ quan, không may bị nhiễm bệnh có hối hận cũng không kịp”, anh T. chia sẻ.

Trong cuộc sống, có nhiều mối quan hệ với người thân và người xung quanh, việc thăm hỏi, sum họp dịp lễ là tình cảm của mỗi người, mỗi nhà. Tuy nhiên, trong điều kiện dịch bệnh, hạn chế gặp mặt, tiếp xúc, trao đổi không phải tình cảm vơi đi mà điều đó thêm ý nghĩa, nhân đôi yêu thương cho những người xung quanh.

Chuẩn bị đón lễ Quốc khánh năm nay, bà Đặng Thị Bước (xã An Phú Trung, huyện Ba Tri) không tất bật. Thay vì đi chợ mua sẵn thức ăn từ mấy hôm trước để chờ gia đình nhỏ của con trai từ TP. Hồ Chí Minh về ăn lễ như mọi năm, năm nay bà Bước chỉ gọi Zalo để hỏi thăm tình hình dịch bệnh và động viên con “ráng hết dịch rồi về”. Theo bà Bước, thương nhớ con cháu thì bà thương, nhưng phải chấp hành quy định của chính quyền để bảo vệ an toàn chung. Trao đổi qua điện thoại, anh Võ Quốc Tương (con trai bà Đặng Thị Bước) cho biết: “Gần 7 tháng nay, tôi không có về quê. Nghe tình hình dịch ở Bến Tre, tôi sốt ruột lắm nhưng chỉ điện hỏi thăm để biết mọi người trong nhà an toàn là mừng. Về quê lúc này có gì không hay thì có lỗi với mọi người”.

Hiện nay, toàn tỉnh còn thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, mỗi chúng ta hãy hạn chế tiếp xúc, gặp gỡ để tình cảm ấy vẫn đẹp, vui vẻ và ý nghĩa khi gặp nhau sau đợt dịch. Mỗi người cùng trách nhiệm góp thêm “lá chắn” bảo vệ cộng đồng bằng những việc làm giản đơn, thiết thực nhất - “ai ở đâu ở đó”.

Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ đề nghị các huyện, thành phố xác định mục tiêu đặt ra là nỗ lực đến ngày 15-9-2021, toàn tỉnh trở về trạng thái bình thường mới; tăng cường biện pháp phòng dịch cao nhất, tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, trong kỳ nghỉ lễ 2-9 phải tập trung thực hiện nghiêm giãn cách xã hội với tinh thần “ai ở đâu ở đó”.

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN