Bộ đội Thu Hà - “Đội quân tóc dài” cầm súng

01/01/2020 - 07:16

BDK - Bộ đội Thu Hà là đơn vị nữ vũ trang tỉnh Bến Tre thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Tính kiên cường, khí khái của đơn vị nữ vũ trang ấy đã có sức tác động mạnh mẽ đến các lực lượng kháng chiến khác, hợp sức chiến đấu chống giặc cứu nước và giành toàn thắng cho quê hương. Nữ chỉ huy Bộ đội Thu Hà năm xưa - bà Lê Thị Điệp có dịp về thăm lại Bến Tre và có phút trải lòng thân thương với thế hệ trẻ tỉnh nhà.

Bà Lê Thị Điệp trong lần trở về thăm lại Bến Tre.

Bà Lê Thị Điệp trong lần trở về thăm lại Bến Tre.

Đội nữ vũ trang anh hùng

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bên cạnh sự anh dũng hy sinh của các anh, các chú còn có sự đóng góp không nhỏ của các mẹ, các dì. Tiêu biểu nhất là hoạt động của các mẹ, các dì trong “Đội quân tóc dài” đã từng xuống đường đấu tranh, ập vào các cơ quan đầu não của địch, làm dấy lên một cao trào Đồng khởi ở Bến Tre.

 Một bộ phận được tôi luyện từ trong cao trào ấy đã tình nguyện trở thành những chiến sĩ nữ; thành một đội quân tóc dài cầm súng, cùng xông pha trận tuyến để làm nên lịch sử. Đội quân ấy chính là đơn vị nữ vũ trang tỉnh Bến Tre, mang phiên hiệu C710. Người chỉ huy là bà Lê Thị Điệp (bí danh Thu Hà). Về sau, do sự mến mộ dành cho bà và đội quân nữ ấy, nhân dân đã chọn tên người chỉ huy để gọi thay cho phiên hiệu, thân thương gọi là Bộ đội Thu Hà.

Khi còn tại thế, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Vị đã từng nhận định vai trò đặc biệt của Bộ đội Thu Hà, hay gọi chính xác là “Đội quân tóc dài cầm súng - Đội nữ vũ trang Thu Hà”. Theo Thiếu tướng Nguyễn Hữu Vị, trải qua 10 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (1964 - 1974), “Đội quân tóc dài” cầm súng đã tỏ rõ vai trò của mình trên các lĩnh vực: Làm nòng cốt cho phong trào du kích chiến tranh, vũ trang tuyên truyền vùng yếu, phát động quần chúng chống lại âm mưu tập trung dân lập ấp chiến lược của địch và vận động thanh niên tòng quân. Đồng thời, đơn vị cũng đã trực tiếp cầm súng chiến đấu, cải trang “xuất quỷ nhập thần”, xâm nhập sâu vào vùng yếu để trừ gian, diệt ác ôn đầu sỏ. Trong thực tế, các chị cũng đã từng tham gia bao vây đồn bót và kiên cường chiến đấu phòng ngự trong đội hình binh chủng hợp thành của chiến tranh nhân dân.

Bộ đội Thu Hà là một điểm sáng trong lịch sử vẻ vang của lực lượng vũ trang Bến Tre và đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Gặp lại người nữ chỉ huy năm xưa

Trong lần Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Phong trào Đồng khởi 1960 - Bước ngoặt của cách mạng miền Nam” do Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Bến Tre phối hợp tổ chức vừa qua, từ TP. Hồ Chí Minh, nữ chỉ huy trưởng Bộ đội Thu Hà Lê Thị Điệp đã có dịp về thăm lại Bến Tre.

Bà là một chiến sĩ trong “đội quân tóc dài” huyền thoại của Bến Tre trong những năm Đồng khởi đầu thập niên 60. Sau Đồng khởi, bà gia nhập lực lượng vũ trang tỉnh. Đến năm 1964, tỉnh thành lập đơn vị C710, toàn chiến sĩ nữ, bà Thu Hà được phân công làm chỉ huy trưởng. Đơn vị C710 của bà liên tiếp lập được nhiều chiến công, làm nức lòng nhân dân xứ Dừa. Tên gọi Bộ đội Thu Hà (để chỉ đơn vị C710) cũng được bắt nguồn từ nhân dân.

Năm 1968, Nữ tướng Nguyễn Thị Định đã rút bà về hoạt động tại Sài Gòn đến ngày giải phóng. Hiện nay, dù đã cao tuổi (hiện đã 80) nhưng phong thái của người nữ chỉ huy năm xưa vẫn rất đĩnh đạc, minh mẫn và rất sâu sắc trong từng lời nói gửi gắm cho các thế hệ trẻ Bến Tre.

Bà chia sẻ: Khi tôi xem trích đoạn vở cải lương “Dưới rặng dừa xanh” do Đoàn Nghệ thuật cải lương Bến Tre biểu diễn tại hội thảo, đã gợi tôi nhớ lại bối cảnh của thời kỳ đó. Sự kiện nổi dậy của quần chúng tại huyện Mỏ Cày (nay là Mỏ Cày Nam) là sự thật lịch sử không thể phủ nhận. Tôi còn nhớ một chi tiết, có bà lão bị bệnh nhưng khi người ta đưa thuốc cho bà uống thì bà không uống vì bà bảo, thuốc của Mỹ ngụy là thuốc của kẻ xâm lược, chỉ khi nào có thuốc của bộ đội thì bà mới uống. Tinh thần khẳng khái của người dân yêu nước là vậy.

Nói thêm về lực lượng của đơn vị Bộ đội Thu Hà năm xưa, bà cho biết, hiện nay còn hơn 80 chị em (sinh sống tại Bến Tre, TP. Hồ Chí Minh và một số nơi). Trong đó, nhiều chị em hiện cuộc sống cũng còn khó khăn. Đơn vị cũng đã vận động các mạnh thường quân để tổ chức nhiều cuộc họp mặt Bộ đội Thu Hà. Qua đó, có nhiều hoạt động tương trợ cho các chị em. Có một điều đáng nói là tinh thần của Bộ đội Thu Hà năm xưa vẫn tiếp tục được giữ vững. Các chị em vẫn tiếp tục phấn đấu vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống, làm tấm gương sáng và dạy dỗ, bồi đắp lý tưởng cách mạng cho con cháu.

Với việc tổ chức hội thảo, bà cho rằng đây là một hoạt động vô cùng ý nghĩa. Vì qua đó, giúp cho nhiều người có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về lịch sử cuộc Đồng khởi năm 1960 ở Bến Tre cũng như ở cả miền Nam. Đó còn thể hiện sự tri ân với những đóng góp rất có giá trị của thế hệ thời kỳ ấy đối với lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam. Đồng thời, cũng là tiếp tục tăng cường giáo dục cho thế hệ trẻ biết tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương mình.

Bà gửi gắm: “Thế hệ các anh, các chú, các cô đã chịu nhiều gian khổ, hy sinh, bị địch đàn áp, bắt tra tấn, đánh đập dã man và rất nhiều người đã phải hy sinh thì mới giành được thắng lợi, giải phóng quê hương và tiếp tục xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp như hôm nay. Do đó, thế hệ trẻ hôm nay tuyệt đối không thể quên công ơn của người đi trước và phải thấy được trách nhiệm của mình trong công cuộc tiếp tục bảo vệ và xây dựng quê hương làm sao để ngày càng phát triển hơn nữa”.

Lịch sử oai hùng của Bộ đội Thu Hà nói riêng, quân dân Bến Tre nói chung luôn là niềm tự hào cho các thế hệ và là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, bất khuất. Ở thời kỳ mới, tinh thần yêu nước ấy vẫn được tiếp tục phát huy trong công cuộc bảo vệ và xây dựng quê hương phát triển như lời gửi gắm của nữ chỉ huy Bộ đội Thu Hà  năm xưa và của nhiều cô chú thế hệ đi trước.

Cố Thiếu tướng Nguyễn Hữu Vị đã từng đánh giá cao khí khái của “Đội quân tóc dài” cầm súng. Ông đã từng nói, tính chất anh hùng, bất khuất của người phụ nữ cầm súng không hề mâu thuẫn với đức tính hiền hòa, nhân hậu, thủy chung của người phụ nữ trên quê hương Đồng Khởi anh hùng. Tiếng tăm của Bộ đội Thu Hà đã lan rộng, vang xa đến Khu, đến Miền. Những lời khen của đội nữ vũ trang xứ Dừa còn vượt trùng dương đến tận Côn Đảo, Phú Quốc xa xôi. Nơi ấy, có những chiến sĩ cộng sản còn trong lao tù đã tự hào về các chị và thêm vững tin, thêm sức mạnh tinh thần để đối mặt với những thử thách.

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN