BDK - Sau năm 1986, cùng với đường lối đổi mới của Đảng, ngành y tế tỉnh đã có sự thay đổi đáng kể về tư duy quản lý, mô hình hoạt động cũng như nguồn lực đầu tư. Nhờ chính sách đổi mới toàn diện và sự nỗ lực không ngừng của hệ thống chính trị, ngành y tế tỉnh đã từng bước chuyển mình mạnh mẽ, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Công tác nha khoa được triển khai đến tận cơ sở giáo dục (ảnh Cán bộ y tế chăm sóc răng miệng cho học sinh Trường Tiểu học Lê Hoàng Chiếu, huyện Bình Đại).
Bước chuyển mình từ gian khó
Ngược dòng lịch sử, trong 10 năm đầu sau ngày miền Nam giải phóng (1975 - 1985), nền kinh tế đất nước còn vận hành theo cơ chế bao cấp, với muôn vàn khó khăn. Trong bối cảnh này, ngành y tế tỉnh không nằm ngoài vòng xoáy thử thách. Cơ sở vật chất thiếu thốn trầm trọng, đội ngũ y tế vừa mỏng về số lượng, vừa hạn chế về chuyên môn. Bệnh viện, trạm y tế chỉ đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh (KCB) cơ bản, trong khi tình trạng dịch bệnh, suy dinh dưỡng và tỷ lệ tử vong do bệnh tật vẫn còn cao.
Nhớ về giai đoạn khó khăn, nguyên Giám đốc Sở Y tế Đặng Sưởng nói: “Đó là giai đoạn mà cả hệ thống y tế tỉnh phải gồng mình vận hành trong điều kiện hết sức eo hẹp”. Chính từ gian khó ấy đã nuôi dưỡng hạt mầm của ý chí và khát vọng phục vụ sức khỏe người dân. “Thời điểm đó, tỉnh xác định nếu không lo từ cơ sở, không củng cố được tuyến y tế xã thì mãi mãi người dân sẽ chịu thiệt. Từ đó, ngành y tế quyết liệt xây dựng lại trạm y tế, cải tạo phòng khám, đào tạo nhân lực. Một trong những trọng tâm là củng cố mạng lưới y tế cơ sở. Toàn tỉnh từng bước hoàn thiện hệ thống y tế theo mô hình 4 cấp: tỉnh - huyện - xã - ấp”, nguyên Giám đốc Sở Y tế Đặng Sưởng cho biết.
Giai đoạn này, hệ thống tổ chức mở rộng mô hình y tế xã hội chủ nghĩa, thành lập các trạm chuyên khoa: Sốt rét, Lao, Da liễu, Dược liệu… Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết Trung ương IV khóa VII (tháng 11-1994), xã hội hóa công tác y tế được cấp ủy chính quyền, các cấp đoàn thể lãnh đạo và tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho mọi mặt hoạt động của ngành y tế. Công tác thu viện phí, khuyến khích y tế tư nhân, bảo hiểm y tế được triển khai. Các tổ chức đoàn thể, tôn giáo đã tích cực tham gia với y tế trong công tác tiêm chủng mở rộng cho trẻ em; phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, sinh đẻ có kế hoạch, phục vụ từ thiện tại các bếp ăn bệnh viện...
Thông qua quan hệ quốc tế, các dự án như: Việt - Úc, Việt - Nhật, Việt - Hà Lan... đã hỗ trợ trang thiết bị, đào tạo chuyên môn cho một số cán bộ của ngành để phục vụ người dân ngày càng tốt hơn. Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu (tiền thân của Bệnh viện Quân Dân y phối hợp Kiến Hòa) mở rộng lên 650 giường, trang bị máy CT Scanner, X-quang hiện đại. Xây dựng Bệnh viện Y học dân tộc (200 giường) và Bệnh viện Khu vực Cù lao Minh (200 giường).
Từ điều kiện thuận lợi, ngành y tế tập trung dồn sức vào việc chăm sóc sức khỏe toàn dân. Hệ thống bệnh viện, trạm y tế được củng cố và mở rộng, đáp ứng nhu cầu KCB của người dân. Hệ thống dược phát triển đa dạng, Công ty Dược Vật tư y tế Bến Tre đóng vai trò chủ đạo kết hợp hệ thống dược Nhà nước và tư nhân, đảm bảo cung ứng thuốc thiết yếu.
Phát triển vượt bậc
Sau gần 40 năm chuyển mình, ngành y tế tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc. Mạng lưới y tế được mở rộng, chất lượng KCB được nâng cao; công tác phòng chống dịch ngày càng hiệu quả và hiện đại hóa trong quản lý y tế đang dần trở thành hiện thực. Tính đến năm 2024, 100% xã, phường, thị trấn của tỉnh có trạm y tế và đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã. Tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đạt trên 95%, tình hình bệnh truyền nhiễm cơ bản được kiểm soát. Tỷ lệ bác sĩ/vạn dân tăng đều qua các năm.
Y tế dự phòng phòng chống dịch bệnh được chú trọng, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu. Tỉnh đã nhanh chóng thiết lập các khu điều trị, khu cách ly và thực hiện tiêm vắc-xin diện rộng. Cùng với đó, mạng lưới KCB hoạt động ổn định. Hệ thống bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện được nâng cấp cả về cơ sở vật chất lẫn năng lực chuyên môn đảm bảo nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân.
“Đến nay, ngành y tế tỉnh đã đi đúng hướng. Hồi đó, chúng tôi không có phép màu, chỉ có sự bền bỉ, tinh thần trách nhiệm và một niềm tin rằng người dân xứng đáng được chăm sóc sức khỏe tốt nhất”, nguyên Giám đốc Sở Y tế Đặng Sưởng nói.
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Oanh cho biết: Hiện các bệnh viện trong tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu trong điều trị phẫu thuật như: cắt gan điều trị ung thư gan, các bệnh lý cột sống, ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày, ung thư tụy và điều trị u não, thay khớp gối, thay khớp háng, điều trị đột quỵ não bằng thuốc tiêu sợi huyết, điều trị can thiệp mạch vành, đặt máy tạo nhịp, điều trị thay thế thận liên tục…
Trong năm 2024, ngành y tế đã đạt được nhiều thành tựu đóng góp vào sự phát triển xã hội của tỉnh. Tình hình dịch bệnh trong tỉnh được kiểm soát tốt. Chất lượng công tác KCB được nâng cao, công tác quản lý chất lượng bệnh viện được chú trọng. Ngành y tế còn hợp tác, phát triển y tế với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tiếp nhận, triển khai các kỹ thuật cao, chuyên sâu từ các bệnh viện đầu ngành.
Các chương trình đào tạo liên tục, cập nhật kiến thức chuyên môn được triển khai rộng rãi. Nhờ đó, trình độ chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ ngày càng được nâng cao, đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Từ 611 cán bộ y tế vào năm 1975, trong đó 24 bác sĩ, 2 dược sĩ, đến nay toàn tỉnh đã có 4.906 cán bộ y tế với trên 1 ngàn bác sĩ, 324 dược sĩ.
Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và kế hoạch hóa gia đình đạt nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ phụ nữ sinh con được khám thai đủ 3 lần tăng cao. Các mô hình chăm sóc trẻ em tại cộng đồng, dinh dưỡng học đường cũng được triển khai đồng bộ. Tính đến năm 2024, tỷ lệ tử vong mẹ ở tỉnh giảm còn dưới 0,1/1.000 ca sinh sống, tỷ lệ tử vong trẻ dưới 1 tuổi dưới 10/1.000.
Sau năm 1986 đến nay, ngành y tế tỉnh từng bước chuyển mình vững chắc và đầy triển vọng. Từ một nền y tế còn nhiều khó khăn, tỉnh đã xây dựng nên một hệ thống y tế tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.
“Trong suốt chiều dài lịch sử, ngành y tế đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Nhìn lại chặng đường 50 năm, y tế tỉnh không ngừng lớn mạnh về đội ngũ, bộ máy tổ chức được kiện toàn phù hợp với từng giai đoạn lịch sử. Hệ thống KCB, y tế dự phòng, dược... đáp ứng nhu cầu chăm sóc, nâng cao sức khỏe người dân. Tin tưởng với sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành y tế tỉnh vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.