Các biện pháp ứng phó tình hình hạn, mặn trong chăn nuôi

22/04/2011 - 08:29

So với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Bến Tre có số lượng heo chăn nuôi khá lớn, trên 300.000 con, lượng bò thịt trên 170.000 con với phẩm cấp giống khá tốt. Tuy nhiên, đa số được nuôi dưới hình thức nông hộ, quy mô nhỏ lẻ và mức độ đầu tư về cơ sở vật chất chưa cao, chưa có qui hoạch khu chăn nuôi riêng. Do đó, vấn đề môi trường và dịch bệnh trong chăn nuôi thường xuyên đe dọa người dân. Ngoài ra, việc thiếu nước sạch trong chăn nuôi cũng đã gây hại không nhỏ đến khả năng sản xuất.

Nước rất quan trọng cho vật nuôi

Nguồn nước rất quan trọng đối với con người trong sinh hoạt hàng ngày. Ngoài ra, nguồn nước cũng rất cần thiết cho sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng cụ thể đến cây trồng và vật nuôi. Riêng đối với vật nuôi, nước uống liên quan đến quá trình trao đổi chất, điều hòa nhiệt độ cơ thể. Nước giúp tiêu hóa thức ăn và bài tiết loại bỏ các chất cặn bã trong cơ thể, giúp vật nuôi tăng trọng và phát triển tốt. Vì vậy, chúng ta cần giải quyết tốt vấn đề nước uống cho vật nuôi về số lượng lẫn chất lượng. Nếu điều này được quyết định tốt thì sẽ mang lại hiệu quả rất cao trong chăn nuôi.

Trong năm nay, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Bến Tre, tình trạng thiếu nước gây khô hạn và nước bị nhiễm mặn diễn ra gay gắt, kéo dài trên diện rộng. Đồng thời, các cơn mưa diễn ra trái mùa là yếu tố bất lợi cho ngành nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng.

Dự báo trong thời gian tới, tình hình nước mặn sẽ xâm nhập sâu và độ mặn sẽ cao hơn, thời tiết nắng nóng sẽ kéo dài hơn. Điều này sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu sinh trưởng nhiều loài vật nuôi. Trong đó, gia súc và gia cầm sẽ sử dụng lượng nước uống sạch, mát tăng lên gấp đôi. Đồng thời, với thời tiết này, nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên gia súc, gia cầm sẽ tăng. Đặc biệt là các bệnh lây qua đường tiêu hóa như: dịch tả, tiêu chảy do E.Coli, phó thương hàn, cầu trùng,… Ngoài ra, các bệnh lở mồm long móng, bệnh tai xanh, bệnh tụ huyết trùng trên gia súc, gia cầm cũng dễ xảy ra, nếu không có biện pháp phòng chống tích cực.

Khắc phục tình trạng thiếu nước

Người nuôi tránh cho gia súc, gia cầm uống nước nhiễm mặn có nồng độ vượt mức cho phép. Ngoài ra, cần có các biện pháp trữ nước ngọt và phòng bệnh cho gia súc, gia cầm. Trong đó, chúng ta có thể áp dụng một số cách với chi phí thấp, nhưng mang lại hiệu quả cao, như: nạo vét và đắp bờ bao cục bộ trong ao, mương vườn để chứa dự trữ nước ngọt; trữ nước ngọt bằng túi nylon để trong mương vườn với kích thước túi tùy theo điều kiện và chiều dài của mương. Ngoài ra, người nuôi cần làm cho chuồng trại khô ráo, sạch sẽ, thoáng mát; thường xuyên quét dọn chuồng, có biện pháp thu gom và xử lý chất thải bằng chế phẩm sinh học, xây hầm biogas,… Định kỳ vệ sinh, sát trùng chuồng và khu vực xung quanh bằng các dung dịch sát trùng như: Biodine, Virkon, Vime-Iodine,… nước vôi hay vôi bột. Để phòng, chống nắng nóng do nhiệt độ, ẩm độ cao trong chuồng nuôi, chúng ta cần giảm mật độ nuôi so với mật độ khuyến cáo; đặc biệt là gia súc, gia cầm nuôi nhốt; tăng cường làm mát chuồng nuôi. Đối với gia cầm, người nuôi tránh gây xáo trộn đàn. Bổ sung thêm rau xanh trong khẩu phần thức ăn. Cung cấp đầy đủ nước sạch và mát, bổ sung vào nước uống các loại vitamin C, B.Complex, chất điện giải nhằm nâng cao sức đề kháng, giải nhiệt cho gia súc, gia cầm. Trong trường hợp nước ngọt không đủ dùng cho gia súc, gia cầm thì người nuôi có thể pha nước ngọt lẫn mặn dưới mức cho phép để vật nuôi sử dụng. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình trạng sức khỏe vật nuôi, nhằm sớm phát hiện các dấu hiệu khác thường để có biện pháp xử lý và điều trị kịp thời. Chủ động tiêm phòng vaccin đầy đủ cho gia súc, gia cầm  theo quy trình vaccin thú y tại địa phương.

Theo tổ chức FAO, lượng nước ngọt có độ mặn không quá 1‰. Riêng chất lượng nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp có độ mặn nhỏ hơn 0,4‰, nếu độ mặn cao hơn 2‰, thì nguồn nước coi như bị nhiễm mặn. Do đó, nước uống dùng trong chăn nuôi, thì giới hạn độ mặn, cụ thể như sau: heo nhỏ hơn 4‰; gà, vịt nhỏ hơn 2‰; bò nhỏ hơn 7‰. Vì vậy, nếu nước kém chất lượng, nước bị nhiễm mặn, sẽ ảnh hưởng xấu đến sự tăng trưởng và sức đề kháng bệnh của vật nuôi.
        

KS. Nguyễn Thị Kim Ngân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN