Cách mạng Tháng Tám đưa lại cho Đảng và nhân dân ta nhiều bài học quý. Ảnh tư liệu
Ngày 19-8-1945, khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội và các tỉnh còn lại ở Bắc Bộ. Ngày 23-8-1945, khởi nghĩa thành công ở Huế, tạo điều kiện cho nhân dân các tỉnh miền Trung đứng lên giành chính quyền. Ngày 25-8-1945, nhân dân Sài Gòn biểu tình, biểu dương lực lượng giành chính quyền, cùng ngày nhiều tỉnh thành Nam Bộ cũng khởi nghĩa giành chính quyền; trong đó có quân và dân tỉnh Bến Tre. Nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do.
Khởi nghĩa thắng lợi
Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, thực dân Pháp và tay sai đàn áp gắt gao phong trào cách mạng. Ở Bến Tre, nhiều đảng viên và quần chúng cách mạng bị địch bắt giam, hoặc phải lánh đi các nơi. Nhiều tổ chức đảng tan rã. Việc củng cố tổ chức đảng, xây dựng lực lượng và phong trào cách mạng trở thành yêu cầu bức thiết đối với đảng bộ và nhân dân tỉnh.
Quận ủy Ba Tri được thành lập lại đầu tiên, do đồng chí Nguyễn Tẩu làm Bí thư. Cuối tháng 2-1944, Quận ủy Ba Tri đã triệu tập một cuộc họp ở xã An Đức, nhất trí tổ chức một bộ phận lãnh đạo trung tâm lấy danh nghĩa là “Ủy ban sáng kiến” để tập hợp các đồng chí còn hoạt động bí mật ở địa phương nhằm nhanh chóng xây dựng và phát triển cơ sở Đảng trong tỉnh. Dưới sự chỉ đạo của Ủy ban sáng kiến, cơ sở Đảng và cơ sở quần chúng phát triển rộng khắp trong tỉnh, các quận đều đã thành lập quận ủy, mỗi quận có từ 4 - 6 chi bộ. Tháng 12-1944, Ủy ban sáng kiến triệu tập các quận ủy về họp tại xã Phước Long, huyện Giồng Trôm, cử ra Tỉnh ủy lâm thời do đồng chí Nguyễn Tẩu làm Bí thư để thống nhất lãnh đạo cách mạng. Tháng 2-1945, Mặt trận Việt Minh tỉnh được thành lập do đồng chí Võ Tấn Nhất phụ trách.
Nhật đảo chính Pháp, độc chiếm Đông Dương, đưa Phan Văn Chỉ, nguyên Đốc phủ sứ quận Ba Tri lên làm Tỉnh trưởng Bến Tre, giữ nguyên bộ máy chính quyền tay sai từ quận đến làng.
Ngày 25-6-1945, Xứ ủy Nam Kỳ họp ra nghị quyết chỉ đạo các địa phương chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa, hướng dẫn các công việc cần tiến hành trong cuộc khởi nghĩa để lật đổ chính quyền địch, tổ chức chính quyền cách mạng. Khoảng cuối tháng 7-1945, Tỉnh ủy triệu tập hội nghị mở rộng tại ngã tư Giồng Dầu (ngã tư Phú Khương) để chuẩn bị khởi nghĩa, quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa (UBKN), đặt cơ quan của Đảng bộ tại tỉnh lỵ.
Ngày 23-8-1945, ở các xã Hưng Khánh Trung, Phước Mỹ Trung, nhân dân đã tổ chức rải truyền đơn, căng biểu ngữ. Trưa ngày 25-8-1945, tên Cò Lắm chỉ huy Bảo an binh đi gom súng của bọn cai tổng và các đồn lẻ ở Mỏ Cày. UBKN nhận định: Đây là cơ hội thuận lợi để nhanh chóng tước vũ khí của bọn Bảo an binh, chỗ dựa duy nhất và cuối cùng của chính quyền thân Nhật. Vì vậy, UBKN quyết định: Cấp tốc huy động lực lượng đúng 16 giờ chiều ngày 25-8-1945 tấn công trại Bảo an binh, Tòa Bố, Kho bạc, nhà Bưu điện, Nhà máy điện, Trại giam và bao vây Dinh Tỉnh trưởng, kêu gọi binh lính và nhân viên của địch đầu hàng. Trước khí thế của quần chúng khởi nghĩa, bọn Bảo an binh tê liệt, không dám chống cự, giao nộp vũ khí. Tỉnh trưởng Phan Văn Chỉ phải chấp nhận đầu hàng, chính quyền thân Nhật tại tỉnh sụp đổ. Chính quyền về tay nhân dân, lúc 17 giờ chiều ngày 25-8-1945. Sáng ngày 26-8, Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh đã ra mắt đồng bào trong cuộc mít-tinh trọng thể tại sân vận động tỉnh.
Bài học kinh nghiệm và ý nghĩa lịch sử
Trong khởi nghĩa tháng Tám, Đảng bộ và nhân dân Bến Tre đã thực hiện chiến lược tập trung lực lượng giành chính quyền ở cấp tỉnh. Cuộc khởi nghĩa ở tỉnh thành công đã tạo điều kiện cho các quận nổi dậy giành chính quyền thắng lợi nhanh chóng.
Cách mạng tháng Tám ở tỉnh đã thể hiện tính năng động, sáng tạo của Tỉnh ủy, biết nắm lấy thời cơ, vận dụng linh hoạt sáng tạo đường lối cách mạng của Đảng, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, kết hợp đúng đắn hai nhiệm vụ chống đế quốc và phong kiến, dựa vào liên minh công nông để tranh thủ các tầng lớp, thành phần yêu nước khác, tạo điều kiện cho cách mạng giành thắng lợi.
Cách mạng tháng Tám ở tỉnh thành công góp phần quan trọng vào sự thành công của cách mạng cả nước. Ngày nay, cả nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực. Quân và dân Bến Tre hòa mình vào xu thế chung của cả nước thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trên cơ sở vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của tỉnh nhà và đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Thu Huyền (tổng hợp)