Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam tham quan dây chuyền sản xuất các sản phẩm từ dừa tại Công ty TNHH Chế biến nông sản Thuận Phong (Khu công nghiệp Giao Long - Châu Thành).
Cải thiện Môi trường đầu tư
Tại các cuộc họp mặt, gặp gỡ doanh nghiệp (DN) trong và ngoài tỉnh dịp đầu Xuân Quý Mão 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam cho hay: Thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm tạo lập MTĐT kinh doanh thông thoáng gắn với kiến tạo môi trường khởi nghiệp (KN) thực chất, thông qua việc triển khai có hiệu quả Chương trình Đồng khởi KN và phát triển DN, nhằm tạo bứt phá, đẩy mạnh việc vận động chuyển đổi các cơ sở sản xuất nhỏ lên DN, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tham gia xuất khẩu hàng hóa, tìm kiếm mở rộng thị trường.
Trong khu vực, tỉnh quan tâm tạo mối liên kết, xây dựng liên kết hành lang phía Đông đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh ABCD Mekong (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ và Đồng Tháp) và TP. Hồ Chí Minh, nhằm thắt chặt chuỗi, trong đó có sản phẩm dừa; xây dựng những liên kết gắn với người nông dân thông qua phong trào đẩy mạnh phát triển hợp tác xã.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy DN phát triển sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu, gắn kết cộng đồng DN; đẩy mạnh hiệu quả mô hình “Cà phê DN”, họp mặt DN, đối thoại DN định kỳ, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí không chính thức… cho DN.
Đến nay, hơn 2 năm tỉnh triển khai thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU ngày 29-1-2021 của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp chủ lực, lực lượng DN của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh có khoảng 800 DN thành lập mới, đạt tỷ lệ gần 16% so với mục tiêu Chương trình số 08-CTr/TU đã đề ra là 5.000 DN. Mặc dù tỉnh chịu ảnh hưởng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng lực lượng DN ngày càng phát triển vững mạnh, đóng góp ngày một nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bên cạnh đó, với mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành “địa phương KN” - kiến tạo một MTĐT kinh doanh thông thoáng, lấy DN là đối tượng phục vụ, đã xuất hiện nhiều mô hình đối thoại DN hiệu quả.
Ở cấp tỉnh, mỗi năm thường xuyên tổ chức các cuộc họp mặt, đối thoại. Mô hình “Cà phê DN” hàng tháng đã thu hút ngày càng đông đảo các DN, doanh nhân tham dự và chia sẻ, đề xuất và góp ý cho tỉnh.
Ở cấp huyện, nhiều địa phương đã làm tốt công tác hỗ trợ DN thông qua các buổi gặp gỡ, trao đổi. Qua đó, nhiều khó khăn, vướng mắc của các DN được lãnh đạo tỉnh, địa phương lắng nghe và chỉ đạo giải quyết kịp thời. Đây cũng là nơi để cộng đồng DN gặp gỡ, giao lưu chia sẻ những thuận lợi, khó khăn và hợp tác để cùng nhau phát triển bền vững. Đồng thời, hỗ trợ tối đa cho DN, nhà đầu tư trong phạm vi khả năng, thẩm quyền của tỉnh và quy định của pháp luật… Theo đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh luôn được xếp ở trong nhóm tốt và khá.
Chủ tịch Hội DN tỉnh Bến Tre Trần Văn Đức khẳng định sự quan tâm đồng hành rất lớn của chính quyền các cấp tỉnh đối với cộng đồng DN tỉnh bằng những việc làm ý nghĩa thiết thực như Chương trình “Cà phê DN”, giúp DN duy trì hoạt động, chuỗi cung ứng đầu vào, đầu ra; thực hiện tốt các chính sách của Trung ương hoặc ban hành các chính sách mới phù hợp với tỉnh nhằm hỗ trợ kịp thời cho DN vượt qua khó khăn trong giai đoạn hậu Covid-19.
Phát triển doanh nghiệp
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam cho biết: Năm 2023 là năm bản lề có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, với yêu cầu, nỗ lực rất cao: Tăng trưởng kinh tế từ 9,3% trở lên. Thu ngân sách đạt và vượt chỉ tiêu. Xuất khẩu đạt 1,7 tỷ USD. Vốn đầu tư toàn xã hội phải đạt đến 28 ngàn tỷ đồng. Phấn đấu thành lập mới khoảng 980 DN, trong đó khoảng 374 DN chuyển lên từ hộ kinh doanh, 133 DN KN và hình thành 30 DN dẫn đầu và nhiều chỉ tiêu quan trọng khác… Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu này, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự góp sức của cộng đồng DN.
UBND tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ, chia sẻ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động hiệu quả, nhất là đẩy mạnh cải cách hành chính; cải thiện MTĐT kinh doanh; hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng… Luôn đồng hành, sẵn sàng lắng nghe ý kiến của DN, xử lý ngay những vướng mắc về cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền và tạo mọi điều kiện để các DN phát triển ổn định.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tập trung thu hút đầu tư vào sản xuất công nghiệp chế biến để tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp, giúp người nông dân cải thiện thu nhập, góp phần tăng nguồn thu ngân sách nhà nước. Song song đó, nghiên cứu cơ chế, chính sách thu hút đầu tư để thu hút những DN quy mô lớn, có uy tín, kinh nghiệm về đầu tư phát triển những lĩnh vực ứng dụng khoa học công nghệ cao, có suất đầu tư cao, mang lại giá trị gia tăng cao, hiệu quả kinh tế cao, đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước cho tỉnh.
Đồng thời, các sở, ngành tỉnh chủ động tham mưu giải quyết kịp thời, hợp lý những vướng mắc, khó khăn của nhà đầu tư, DN thường gặp như: công tác giải phóng mặt bằng, các vấn đề liên quan đất đai, quy trình, thủ tục thực hiện dự án, các chính sách phát triển DN, tạo điều kiện thuận lợi cho DN nâng cao năng lực cạnh tranh.
Nhờ những nỗ lực trong cải thiện MTĐT kinh doanh, năm 2022, tỉnh có 568 DN và 451 đơn vị trực thuộc thành lập mới, với vốn đăng ký 4.842,4 tỷ đồng, đạt 71% kế hoạch, tăng 36,54% về số DN và bằng 41,61% về vốn đăng ký so với cùng kỳ. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 5.697 DN, với tổng vốn đăng ký 65.696 tỷ đồng, trong đó có 4.287 DN đang hoạt động với vốn đăng ký 55.958 tỷ đồng… Tỉnh cũng đã ký kết hợp tác với 10 nhà đầu tư chiến lược ngay từ đầu năm. |
Bài, ảnh: Cẩm Trúc