Cải thiện môi trường dạy học trực tuyến

29/10/2021 - 06:13

BDK - Qua 2 tháng tổ chức dạy học trực tuyến (HTT), việc tiếp xúc nhiều với thiết bị điện tử, thiếu tương tác thực tế với thầy cô, bạn bè đã gây ra tâm lý chán ngán của học sinh; phụ huynh thì tỏ ra lo lắng cho sức khỏe của con em. Trước thực tế đó, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), tập thể giáo viên đang ra sức cải thiện môi trường dạy học để giảm bớt căng thẳng, mang lại hiệu quả học tập cao nhất cho học sinh.

Học sinh tiểu học trong tỉnh tiếp tục học trực tuyến.

Học sinh tiểu học trong tỉnh tiếp tục học trực tuyến.

Biểu hiện chán học

HTT là phương án tạm thời trong thời điểm dịch Covid-19 hoành hành, với quan điểm “tạm dừng đến trường không dừng việc học” của Bộ GD&ĐT. Thực hiện tất cả văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT về tổ chức dạy học, các huyện, thành phố đã chuyển đổi hình thức dạy học và quản lý qua hình thức trực tuyến.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Giồng Trôm Trần Thị Ngọc Trinh cho biết, ban đầu có những khó khăn nhất định nhưng được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp và sự nỗ lực của ngành GD&ĐT trong huyện đã tháo gỡ kịp thời, việc dạy HTT dần ổn định và đi vào nền nếp. Tuy nhiên, đến nay, học sinh bắt đầu có biểu hiện chán hình thức HTT. Ngành GD&ĐT huyện vẫn tiếp tục duy trì để chuyển tải kiến thức đến các em học sinh vì không còn cách nào khác.

Tại Trường THPT Nguyễn Trãi (Giồng Trôm), có trên 95% học sinh tham gia HTT, ban đầu triển khai học sinh rất hào hứng học tập. “Gần đây, các em có xu hướng lười học, có hiện tượng bão hòa việc học. Cụ thể, trong quá trình dạy, giáo viên có phản ánh học sinh đăng nhập vào lớp học nhưng thật sự các em không tham gia học, khi giáo viên gọi các em không có mặt”, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi Võ Thị Thanh Bình cho hay.

Theo đánh giá của các cơ sở giáo dục, hiện nay, việc dạy HTT có những sự cố khách quan và chủ quan. Khách quan do học sinh mượn thiết bị của người nhà nên không quản lý được đường link, chủ tài khoản đăng nhập vào phòng HTT. Thực tế, thời gian qua, việc HTT của nhiều học sinh và trường “không suôn sẻ”, bộc lộ nhiều vấn đề. Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Văn Cấn Phạm Thành Nhân cho biết: Trước khi triển khai HTT, nhà trường đã phổ biến các nội quy khi học. Tuy nhiên, phần lớp học sinh lớp 10 ý thức học tập của các em chưa cao. Có hiện tượng chia sẻ đường link học tập của lớp và có nhiều người lạ tham gia và chia sẻ những thông tin phản cảm ảnh hưởng đến chất lượng tiết học. Thậm chí, có trường hợp học sinh mở nhạc lớn trong giờ học.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thạnh Phú Phạm Thị Trinh cho rằng: Việc HTT còn nhiều rủi ro. Nguyên nhân, thiết bị học tập không phải sở hữu của các em học sinh. Phần lớn học sinh tiểu học và THCS mượn thiết bị của người thân trong gia đình. Do đó, chủ tài khoản kết nối vào lớp học không bảo mật được. Từ đó, các lớp học dễ bị người lạ tấn công.

Riêng việc HTT ở cấp tiểu học được đánh giá học tập nghiêm túc và ổn định do phần lớn có phụ huynh động viên tạo tinh thần ham học. Tuy nhiên, qua khảo sát một số phụ huynh có con trong độ tuổi tiểu học, việc học tập của các em mất tập trung, vừa học vừa chơi, thậm chí là... ngủ gật. Theo phụ huynh Lê Thị Cẩm Nhung, tại TP. Bến Tre, sau một thời gian con HTT, chị thấy con có dấu hiệu uể oải, ngồi học hay vặn vẹo người, tay nghịch các vật dụng khác. 

“Việc HTT kéo dài sẽ ảnh hưởng đến các em không phải vấn đề kiến thức, kỹ năng, chất lượng học tập mà quan trọng là vấn đề sức khỏe như: mắt, tâm trí… Cùng với nỗi lo trẻ khó tập trung, bị cận thị khi tiếp xúc quá nhiều với máy tính, điện thoại thông minh..., phụ huynh còn những nỗi lo khác về rủi ro sử dụng thiết bị quá lâu làm cháy nổ, hư hỏng điện thoại…”, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thạnh Phú Phạm Thị Trinh cho hay.

Cải thiện môi trường dạy học

Tham gia học cùng con, anh Lê Văn Cường (TP. Bến Tre) cho hay: Bé nhà anh có sự hứng thú học tập. Theo lịch cố định 18 giờ ngày thứ 3 và thứ 5, bé có 1 giờ đồng hồ HTT. Qua các buổi học, cô giáo chủ động xen những bài hát, clip vận động nhẹ để các bé cùng làm theo xóa được căng thẳng khi nhìn liên tục vào thiết bị điện tử. “Tuy nhiên, lâu dài giáo viên có thể xem xét cho giải lao 10 - 15 phút trong thời gian học, vừa cho trẻ giãn ra và máy móc nghỉ ngơi, giảm lượng nhiệt sinh ra khi thiết bị phải hoạt động. Điều này hạn chế thấp nhất những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra đối với học sinh khi HTT”, anh Lê Văn Cường chia sẻ.

Trưởng phòng GD&ĐT Thạnh Phú Phạm Thị Trinh đề nghị, sắp tới địa bàn nào được đánh giá an toàn dịch Covid-19, ngoài lớp 9 có thể mở rộng cho học sinh lớp 6 tiếp cận dần việc học tại trường. Theo phân tích của bà Phạm Thị Trinh, hiện nay, cả tỉnh áp dụng biện pháp phòng dịch trong giai đoạn bình thường mới. Ngành GD&ĐT có thể “nhả” thêm một vài khối lớp để học sinh và giáo viên có thể tiếp cận học trực tiếp. Nếu không mạnh dạn thí điểm thì chúng ta vẫn lo lắng mãi mãi, chỉ có thí điểm, thử nghiệm và rút kinh nghiệm mới đi vào thực tế. Trong quá trình thí điểm phải phối hợp chặt để quản lý, đo lường và dự báo trắc trở. Từ cơ sở theo dõi sát quản lý, có thể mở rộng thí điểm đối với khối 6, khối 1 từ đó rút kinh nghiệm để tổ chức đại trà.

Hiện nay, nhiều phụ huynh, học sinh mong muốn cho con em đến trường học tập trực tiếp. Tuy nhiên, trước tình hình thực tế, dịch Covid-19 còn xuất hiện trong cộng đồng nên ngành GD&ĐT tỉnh, huyện còn lo lắng cho việc học sinh trở lại trường học trực tiếp. Giám đốc Sở GD&ĐT La Thị Thúy cho biết: Hiện nay, 5/9 huyện, thành phố trong tỉnh có ca mắc cộng đồng nên tỉnh chưa có chủ trương cho học sinh đi học trực tiếp đại trà. Ngành cũng nhận định, chỉ đi học trực tiếp là tốt nhất cho các em học sinh và đang cố gắng để tổ chức đi học trở lại đối với những địa bàn có điều kiện.

Trước những vấn đề thực tế đặt ra, ngành GD&ĐT yêu cầu các trường tổ chức dạy HTT chủ động, linh hoạt trong sắp xếp thời khóa biểu, không gây áp lực học tập và ảnh hưởng sức khỏe học sinh. “Để việc HTT của các em đạt hiệu quả, các giáo viên phải linh hoạt, sáng tạo, chủ động hơn trong các tiết dạy của mình. Các giáo viên dành nhiều thời gian để học hỏi về công nghệ thông tin và xem những bài giảng tập huấn để tiếp thu những phương pháp dạy học tích cực mới. Giáo viên khai thác và sử dụng thành thạo nhiều ứng dụng trực tuyến để hỗ trợ, khơi gợi cảm hứng, niềm đam mê học tập của học sinh”, Giám đốc Sở GD&ĐT La Thị Thúy lưu ý.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) La Thị Thúy vừa chủ trì hội nghị trực tuyến giao ban lần 1 năm học 2021-2022 với 9 huyện, thành phố, nhằm đánh giá kết quả triển khai nhiệm vụ đầu năm và đề ra nhiệm vụ trọng tâm trong học kỳ 1 năm học.

Năm học 2021-2022 được đánh giá là năm học rất nhiều khó khăn. Ảnh hưởng kéo dài của dịch Covid-19 đã tác động trực tiếp đến công tác chuẩn bị khai giảng, tổ chức dạy và học năm học mới. Toàn ngành GD&ĐT đã chuyển trạng thái, cùng thay đổi cách dạy, cách học, đoàn kết vượt qua khó khăn. Sau lễ khai giảng trực tuyến trên truyền hình, ngành GD&ĐT đã triển khai dạy học chủ yếu là trực tuyến. Việc ứng phó linh hoạt, xây dựng kế hoạch, phương án thích nghi với diễn biến dịch bệnh của một số đơn vị còn lúng túng, gặp khó khăn trong xử lý tình huống tại đơn vị. Đến nay, có vài trường tổ chức thí điểm dạy trực tiếp.

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN