BDK.VN - Tham gia thảo luận tại Tổ về dự thảo Luật nhà giáo và dự án Luật Việc làm (sửa đổi), đại biểu Đặng Thuần Phong, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, thông tin về một số vấn đề lớn liên quan đến dự án Luật việc làm (sửa đổi).
Theo đại biểu, sau khi Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Xã hội, Dự thảo Luật việc làm (sửa đổi) kết cấu lại còn 9 Chương và 94 Điều (giảm 36 Điều so với dự thảo Luật kèm Tờ trình số 410/TTr-CP ngày 6-9-2024 của Chính phủ).
Tuy nhiên, qua rà soát lại dự thảo Luật được trình tại kỳ họp lần này, đại biểu cho rằng dự thảo Luật tập trung quy định những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, không quy định chi tiết, cụ thể một số nội dung còn thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các bộ, ngành để bảo đảm tính linh hoạt trong điều hành và tổ chức thực hiện.
Do đó, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát hoàn thiện các nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành để giao các cơ quan quy định theo thẩm quyền.
Cử tri phản ánh nhiều vấn đề bức xúc từ cuộc sống mà chính sách giải quyết việc làm hiện nay chưa đạt được nên đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục làm rõ những vấn đề phát sinh trong tổ chức thực hiện, nghiên cứu để quy định phù hợp với xu thế phát triển thị trường lao động ở nước ta, nhất là phân tích, đánh giá và khi ban hành chính sách, phải bảo đảm khả thi, hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển của đất nước để người lao động có việc làm bền vững, ổn định.
Một số vấn đề lớn đang gặp khó khăn, hạn chế, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục xem xét để góp phần hoàn thiện dự thảo luật:
Thứ nhất, về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm (Điều 7): Dự thảo Luật quy định cụ thể việc hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay giải quyết việc làm và mở rộng thêm đối tượng cho vay là người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ được vay để góp phần giải quyết việc làm, thoát nghèo bền vững.
Nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay được lấy từ 5 nguồn, trong đó có nguồn Ngân sách Trung ương cấp, nguồn Quỹ quốc gia về việc làm chuyển thành nguồn ngân sách Trung ương cấp, nguồn ngân sách địa phương ủy thác từ nguồn vốn của địa phương cho Ngân hàng chính sách để cho vay.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng khó khả thi vì đối với những địa phương tự cân đối được ngân sách sẽ đảm bảo việc quản lý, bố trí nguồn lực, cơ chế phân bổ, sử dụng nguồn vốn này nhưng đối với những địa phương chưa cân đối được ngân sách còn nhận sự hỗ trợ của ngân sách trung ương sẽ khó đáp ứng, triển khai thực hiện được vì không có nguồn vốn để phân bổ, không cân đối được ngân sách và qua khảo sát đại biểu cũng nhận thấy các tỉnh nghèo, khó khăn thì nhu cầu việc làm lại càng lớn.
Do đó, để bảo đảm tính khả thi của chính sách cho vay hỗ trợ người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đại biểu nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định để bảo đảm nguồn vốn này, đồng thời, chú trọng việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương chủ động bố trí vốn đối ứng và quy định nhóm đối tượng được vay vốn ưu đãi phù hợp theo tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá việc bảo đảm nguồn lực cho vay, nhất là nguồn ngân sách địa phương ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội ở các địa phương còn nhận sự hỗ trợ của ngân sách trung ương, bảo đảm tính linh hoạt đối với nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội nhận ủy thác từ ngân sách địa phương để đảm bảo đồng bộ, không tạo sức ép cho địa phương.
Thứ hai, về áp dụng room tín dụng theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ có được mở rộng thêm hay không còn thuộc thẩm quyền của Chính phủ nhưng đại biểu cũng mong rằng các vị đại biểu Quốc hội khác cũng cùng quan tâm theo dõi thêm về room tín dụng này để có sự chuẩn bị cho phù hợp.
Trường hợp, quy định cho cá nhân vay để giải quyết việc làm chỉ được vay 100 triệu đồng, cho doanh nghiệp vay thì được 2 tỷ đồng không quy định cụ thể tiêu chí, mức độ doanh nghiệp.
Đại biểu cho rằng quy định như vậy chưa được phù hợp và không công bằng, sẽ không tạo được động lực để giải quyết việc làm. Do đó, đề nghị Chính phủ phải tiếp tục rà soát quy định cụ thể mở rộng hơn cho cá nhân hoặc doanh nghiệp vay để giải quyết việc làm hiệu quả.
Thứ ba, về xu hướng phát triển thị trường lao động và tính khả thi của các chính sách hỗ trợ chuyển dịch lao động hiện nay, theo đại biểu còn nhiều vấn đề bất cập, nhất là đối với thị trường lao động, nguyên tắc cơ bản chưa xác lập được: về kết nối được thị trường lao động, về vấn đề cung cầu thị trường lao động, kiểm soát thị trường lao động... Đặc biệt trong hướng nghiệp, đào tạo nghề và cung ứng lao động cho tất cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước hoặc đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đang gặp khó khăn chưa có giải pháp đột phá.
Theo đại biểu, hiện nay có một số chính sách đã đưa ra thực hiện trong thực tiễn nhưng không mang lại hiệu quả nên việc tổng kết, đánh giá cũng còn ở mức độ và chưa có những giải pháp tháo gỡ.
Việc chuyển dịch lao động ở khu vực nông thôn (Điều 12, Điều 13): nội dung tạo việc làm, đào tạo nghề đối với nông dân, cư dân nông thôn theo Đề án đào tạo nghề nông thôn, chưa hiệu quả, đa phần là khuyến nông do các Trung tâm khuyến nông, các tổ chức chính trị - xã hội gắn kết địa phương để đào tạo cho người lao động nông thôn nhưng phần đông đã quá tuổi lao động. Thực tế hiện nay tại nhiều địa phương, theo đại biểu nhận thấy có nhiều nội dung đào tạo trùng lặp nhưng nội dung mà thanh niên nông thôn cần để chuyển dịch cơ cấu thì chưa được tiếp cận.
Chính sách việc làm công (Điều 14 và Điều 15): Dự thảo luật quy định việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động ở khu vực nông thôn, theo đại biểu chính sách này sẽ giải quyết lao động tại chỗ rất tốt nhưng trong nhiều năm qua không thực hiện được vì những đơn vị trúng thầu dự án, trúng thầu công trình đều sử dụng lao động của đơn vị trúng thầu, số lao động tại chỗ chỉ tham gia một số hạng mục xây dựng nông thôn mới hoặc xóa nghèo và sử dụng số ít lao động ở trong nông thôn.
Theo đại biểu chính sách việc làm công nhằm giải quyết thị trường lao động nhưng không hiệu quả, không khả thi nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng được chính sách mới để thay đổi các chính sách hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi, người khuyết tật, hiệu quả thực hiện.
Các doanh nghiệp xã hội thực hiện vì mục tiêu xã hội vẫn chưa được giảm thuế, giảm tiền cho thuê đất, dù sử dụng nhiều lao động khuyết tật, cao tuổi và các nhóm yếu thế khác... Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện các quy định, làm rõ chính sách hỗ trợ phát triển thị trường lao động đối với các nhóm lao động đặc thù như lao động khu vực nông thôn, lao động là người cao tuổi, người khuyết tật.
Thứ tư, về đăng ký lao động(Chương III)
Dự thảo luật quy định giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, làm đầu mối nhưng thời gian qua Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chưa thực hiện được vai trò đầu mối; việc đăng ký lao động, quan trọng nhất là khai trình lao động thì hiệu quả không cao, doanh nghiệp thực hiện chưa nghiêm túc, chế tài xử lý mờ nhạt.
Theo đại biểu thì doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ đôi khi không khai trình lao động theo quy định hoặc chậm khai trình lao động để trốn đóng bảo hiểm xã hội làm ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động. Do vậy, cơ quan quản lý nhà nước không nắm được chính xác lực lượng lao động tham gia thị trường lao động.
Về độ tuổi lao động hiện nay, đại biểu cho biết, có khoảng 55 triệu người Việt Nam đang trong độ tuổi lao động nếu làm tròn số thì có khoảng 18 triệu đang tham gia bảo hiểm xã hội... Như vậy, có trên 35 triệu người chưa có quan hệ lao động, cơ quan quản lý nhà nước không nắm thông tin của họ để hỗ trợ họ hòa nhập vào thị trường lao động, phát triển được khả năng, tìm được việc làm bền vững hoặc thu hút về lĩnh vực có quan hệ lao động phù hợp.
Theo đại biểu do thời gian qua chưa nắm rõ thông tin nên trong đào tạo hướng nghiệp và giới thiệu xúc tiến việc làm chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Vì vậy, đại biểu cho rằng nội dung quy định về đăng ký lao động (Chương III) chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra.
Thứ năm, về hệ thống thông tin thị trường lao động (Chương IV)
Vấn đề thu thập, tổng hợp, quản lý thông tin thị trường, kết nối thông tin, cung cấp các thông tin để vừa quản lý nhà nước được tốt, vừa sử dụng thị trường lao động để xử lý nhiều vấn đề đặt ra về việc làm cho người lao động, hiện nay chưa chặt chẽ, chưa có sự kết nối.
Bộ Công an đang trình dự thảo Luật dữ liệu nhưng hệ thống thông tin thị trường lao động gắn kết với dữ liệu chung quốc gia như thế nào, gắn kết các dữ liệu chuyên ngành như thế nào, khi nào công khai các cái thông tin này và sử dụng hệ thống thông tin thị trường lao động như thế nào để đáp ứng cho yêu cầu phát triển thị trường lao động thì đại biểu cho rằng hiện nay chưa nắm được.
Việc xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu đối với lao động rất cấp thiết nhưng sự gắn kết chung, để sử dụng, chia sẻ và xử lý những thông tin nhằm đáp ứng yêu cầu giải quyết việc làm cho thanh niên, cho các cái đối tượng cần thiết chưa đạt.
Đại biểu cho biết, Bảo hiểm xã hội hiện nay đang ứng dụng phần mềm VssID, theo dõi được khoảng 18 triệu lao động có quan hệ…Như vậy, theo quy định tại Chương IV dự thảo luật thì số lao động này phải khai báo, thu thập lại, việc khai báo lại các thông tin, theo đại biểu sẽ tạo ra nhiều thủ tục và không hiệu quả dẫn đến lãng phí.
Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ sự khác biệt, tính liên thông, lộ trình thực hiện liên thông về các thông tin đăng ký lao động, hệ thống chỉ tiêu về thông tin thị trường lao động để không trùng lặp, chồng lấn với các trường thông tin đã cập nhật tại các cơ sở dữ liệu khác về dân cư, bảo hiểm, cơ sở dữ liệu lao động, việc làm... Đồng thời, cần phải làm rõ thêm về hệ thống thông tin thị trường lao động và nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về các lĩnh vực này để hoạch định các chính sách phù hợp có hiệu quả hơn.
Thứ sáu, về phát triển kỹ năng nghề (Chương V)
Dự thảo luật quy định các tiêu chí xác định ngành nghề cần thiết, xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề chưa rõ, khi luật có hiệu luật, dễ dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Đại biểu nhận thấy, phát triển kỹ năng nghề có những vấn đề lớn đang đặt ra, đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung tiêu chí xác định ngành nghề cần thiết phải xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia; Làm rõ công nhận trình độ kỹ năng nghề đối với những người đã được đào tạo, có bằng cấp đại học, cao đẳng hoặc có chuyên môn, trình độ cao và căn cứ, tiêu chuẩn, điều kiện của công việc yêu cầu phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
Thứ bảy, về dịch vụ việc làm (Chương VI)
Đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu bổ sung các chính sách hỗ trợ và mở rộng cho các tổ chức dịch vụ việc làm tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp dịch vụ việc làm tham gia các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động.
Theo đại biểu hiện nay, thị trường này chưa được quan tâm đầu tư, tư nhân hoạt động với nhiều hình thức khác nhau không kiểm soát được dẫn đến nhiều vụ việc người lao động bị lừa đảo nhưng chưa xử lý được; cách xử lý vấn đề thế nào, đánh giá tính khả thi của các quy định, nhất là tư vấn dịch vụ việc làm; xác định địa vị pháp lý của tư vấn viên các Trung tâm dịch vụ việc làm ở cấp huyện.
Việc đào tạo nghề sơ cấp cũng không được phép thực hiện, đại biểu đề nghị cần quy định rõ nhiệm vụ Trung tâm xúc tiến việc làm ở cấp huyện để thúc đẩy phát triển thị trường lao động nói chung và cho mọi lao động nói riêng; việc đào tạo, hỗ trợ người thất nghiệp trở lại với thị trường tiếp tục có việc làm khác, chưa được đề cập đến trong nội dung này. Một đơn vị sự nghiệp công lập lớn với những điều kiện hoạt động cần thiết để giải quyết thị trường lao động đang đặt ra trong xu thế phát triển hiện nay mà địa vị pháp lý không rõ nhưng đến nay chưa có hướng giải quyết được, đây là vấn đề lớn mà đại biểu còn băn khoăn.
Vấn đề cuối cùng về bảo hiểm thất nghiệp (Chương VII)
Theo đại biểu dự thảo luật cần bổ sung đánh giá tác động, đồng thời có giải pháp để bảo đảm tính khả thi khi mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp; nhiều vấn đề mở rộng trong nội dung này, đại biểu đề nghị cần xem xét, cân nhắc lại cho phù hợp vì chưa đảm bảo khả thi như: người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật, buộc thôi việc theo luật viên chức không được hưởng trợ cấp thất nghiệp đã đúng chưa, vì chưa lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động và đánh giá những hệ lụy của vấn đề này. Mặt khác, việc mở rộng đối tượng cần gắng với yêu cầu cân đối quỹ...
Ngoài ra, vấn đề bảo hiểm thất nghiệp là chi hỗ trợ cho doanh nghiệp để đào tạo lao động, giải quyết việc làm bền vững cho người lao động ở tại chỗ của công ty, đơn vị thì chưa có những giải pháp hữu hiệu để sử dụng nguồn này. Từ đó dẫn đến nhiều vấn đề khác phát sinh nếu Ban soạn thảo không tiếp tục hoàn thiện các chính sách thì không xác định được những tiêu chí, nguyên tắc để có cơ sở hoạch định chính sách thật tốt, giải quyết được những bức xúc đối với các lao động của Việt Nam thị trường lao động đang diễn ra sôi động hiện nay...