Việc học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của mỗi cán bộ, đảng viên. Trong công tác tổ chức, lãnh đạo, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ “hồng thắm, chuyên sâu” luôn được xem trọng và được cấp uỷ, chính quyền thường xuyên quan tâm. Tuỳ từng cấp, từng ngành, từng đơn vị mà có kế hoạch, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cụ thể.
Học tập, quán triệt đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng là nghiên cứu, tiếp thu đường lối và định hướng nội dung hành động để hiện thực hóa đường lối thành hiện thực. Trong bài viết “Sửa đổi lối làm việc”, Hồ Chủ tịch đã nhấn mạnh mục đích chân chính của việc nâng cao trình độ lý luận cách mạng “Lý luận cốt để áp dụng vào thực tế. Chỉ học thuộc lòng, để lòe thiên hạ thì lý luận ấy cũng vô ích. Vì vậy, chúng ta phải gắng học, đồng thời học thì phải hành”. Ngay khi tiến hành công cuộc đổi mới cách nay gần 30 năm, Đảng ta đã nhấn mạnh 3 khâu quan trọng để nghị quyết của Đảng, chủ trương, chính sách của Nhà nước nhanh chóng đi vào cuộc sống. Đó là đổi mới công tác lý luận, ban hành nghị quyết; đổi mới cách thức tổ chức quán triệt, thực hiện nghị quyết và thường xuyên tổng kết kinh nghiệm. Như vậy mới tránh được bệnh chủ quan, duy ý chí và vai trò lãnh đạo của Đảng mới được khẳng định qua kiểm nghiệm trong thực tế.
Học nghị quyết không chỉ nâng cao nhận thức chính trị mà còn là khâu tất yếu để cán bộ, đảng viên, hội viên các đoàn thể chính trị - xã hội và toàn dân thống nhất trong ý chí và hành động vì mục tiêu phát triển đất nước. Cán bộ, đảng viên học nghị quyết hiệu quả là đã nâng tầm nhìn, mở rộng vốn tri thức về tình hình trong nước, quốc tế, phát triển năng lực tư duy lý luận, từ đó tạo nên nội lực để sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, để làm tốt hơn công tác dân vận. Đồng thời, học nghị quyết để cán bộ, đảng viên có bản lĩnh để nâng cao vai trò của mình trong thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Trong tình hình hiện nay, Đảng ta quyết liệt tiếp tục thực hiện Nghị quyết TW4 (khoá XI) gắn với cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, trong đó trọng tâm là phòng chống các hiện tượng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; kiên quyết chống các bệnh quan liêu, tham nhũng, bệnh lười biếng, bệnh kiêu ngạo, bệnh thành tích, bệnh kéo bè kéo cánh, bệnh “hữu danh vô thực”, bệnh cá nhân…
Việc học nghị quyết, nhất là nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã được quan tâm đổi mới từ cách tổ chức hội nghị đến cung cấp tài liệu, hướng dẫn viết bài thu hoạch, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết. Việc cần cải tiến cách học tập Nghị quyết là yêu cầu tất yếu xuất phát từ nội tại công tác tuyên truyền, tuyên huấn của hệ thống chính trị, tình hình cách mạng mới, nội dung tuyên truyền mới, đối tượng tiếp nhận khác nhau đòi hỏi cách tiếp cận khác nhau.
Có hay chưa có việc cấp ủy mỗi tổ chức Đảng cơ sở quan tâm giám sát và đề ra biện pháp kịp thời chấn chỉnh những biểu hiện chưa tốt của cán bộ, đảng viên khi học tập nghị quyết? Trong thực tế không ít trường hợp cán bộ, đảng viên học tập nghị quyết chưa nghiêm túc. Biểu hiện là tình trạng đi trễ, về sớm, tranh thủ giờ giải lao giữa buổi để “la cà”; trong lúc học lại làm việc riêng (nghe, nhắn tin qua điện thoại, đọc báo, nói chuyện…), thậm chí có người vào hội trường rồi... ngủ. Được người khác nhắc nhở, người này lý sự: hội trường, phòng họp có máy lạnh, báo cáo viên lại giảng đều đều (như trong tài liệu) thì làm sao mà không ngủ được!
Dẫu rằng, không phải báo cáo viên nào cũng là nhà hùng biện có nghệ thuật diễn giảng trước đám đông, song bản thân báo cáo viên cũng cần rút kinh nghiệm sau mỗi lần trình bày tại hội nghị. Nên trình bày cái gì (khi mà người nghe đã có, đã đọc tài liệu), trình bày với đối tượng nào và trình bày như thế nào là điều báo cáo viên cần quan tâm. Đấy là chưa tính đến tốc độ nói, âm lượng khi trình bày, cách nêu dẫn chứng thực tế và phân tích… Không nên lấy dẫn chứng cụ thể mà không phân tích bản chất, nguyên nhân, nhất là các vụ việc tiêu cực, bởi nêu hiện tượng mà không làm rõ bản chất dễ dẫn đến nhiều suy diễn không đúng hướng. Một số vấn đề cần tiếp tục quan tâm cải tiến như: kết hợp kênh chữ và kênh hình, kết hợp giữa phần giảng và phần phân tích, bình luận (điều người nghe đang thiếu, đang cần); quan tâm hơn đến nhu cầu được làm rõ hơn, hướng triển khai vận dụng một số nội dung khó trong nghị quyết. Ở đây, rất cần sự xuất hiện của hoạt động tương tác trong nghệ thuật giao tiếp, nhất là tuyên truyền miệng. Ban tổ chức hội nghị cũng định hướng nên cải tiến cách viết bài thu hoạch từ đề cương nội dung, dung lượng và chất lượng nội dung tiếp thu và xác định được con đường, cách thức của tập thể, cá nhân cán bộ, đảng viên vận dụng vào thực tiễn công tác của mình. Điều này tránh được cách viết bài thu hoạch chung chung, hoặc sao chép giống nhau, hoặc sơ sài…
Thực tế, thời gian qua, Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bến Tre đã tổ chức khá thành công, đạt chất lượng 2 kỳ học: Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) và Hội nghị chuyên đề về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (chủ đề năm 2013). Thành công bởi: báo cáo viên diễn đạt, phổ biến các nội dung quá “nhuyễn”, phân tích thực tế, dẫn chứng cụ thể xác đáng, lối truyền thụ hấp dẫn, thu hút người nghe. Đặc biệt, trong các dẫn chứng thực tế đều có phân tích, đánh giá mặt được, chưa được. Đạt chất lượng bởi: nội dung các nghị quyết, kết luận được thông tin gãy gọn, mạch lạc, dễ hiểu, dễ nhớ… Về phía “học viên”: mọi người đều chú ý lắng nghe. Bởi nếu không chú ý “theo mạch” truyền đạt thì sẽ cảm thấy tiếc khi đến phần tiếp theo; thấy tiếc vì không nghe kịp các dẫn chứng liên quan rất thực tế, rất “đời sống” Dường như “chỗ ngứa” đã được gãi đúng: Báo cáo viên đã đáp ứng yêu cầu của người nghe, truyền đạt những cái họ cần. Những hình ảnh không hay: số người ra - vào nghe điện thoại, nhắn tin, số lượng người học giảm vào buổi sau, đọc báo, nói chuyện riêng… trong giờ học đã được khắc phục, giảm hẳn…
Việc học nghị quyết là quan trọng, cải tiến cách học tập nghị quyết là cần thiết. Khâu “học” là khởi đầu cho khâu “hành”, do vậy đã học nghị quyết là phải hiểu sâu để hiện thực hóa nghị quyết hiệu quả. Quán triệt và thực hiện nghị quyết là yếu tố đánh giá trình độ chính trị, đạo đức cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên. Hồ Chủ tịch đã nhấn mạnh: Những chính sách và nghị quyết của Đảng đều vì lợi ích của nhân dân. Vì vậy, đạo đức cách mạng của người đảng viên là bất kỳ khó khăn đến mức nào cũng kiên quyết làm đúng chính sách và nghị quyết của Đảng, làm gương mẫu cho quần chúng.