Cần hướng dẫn rõ, đầy đủ khi chuyển tiếp thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật trong sáp nhập, hợp nhất đơn vị hành chính

17/05/2025 - 12:07

BDK.VN - Chiều 16-5-2025, tham gia thảo luận tại Tổ, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre quan tâm góp ý các nội dung về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre phát biểu tại phiên thảo luận Tổ.

Một là, đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, qua nghiên cứu dự thảo Luật và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện giai đoạn 2 của cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy, chuẩn bị sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, không còn cấp huyện, đại biểu cho rằng Quốc hội cần quan tâm, đảm bảo thông suốt tính hiệu lực của các văn bản quy phạm pháp luật được Trung ương, HĐND cấp tỉnh, cấp huyện ban hành trong thời gian qua, đảm bảo sự chuyển tiếp thực hiện xuyên suốt giữa chính quyền 2 cấp, đúng quy định, thẩm quyền, đầy đủ, rõ ràng, không gián đoạn và hạn chế thấp nhất khoảng trống pháp lý trong quá trình thực thi pháp luật tại địa phương.

Từ ngày 1-7-2025, chính quyền địa phương cấp huyện sẽ kết thúc hoạt động, đại biểu đặt vấn đề vậy các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND cấp huyện ban hành sẽ được tiếp tục thực hiện như thế nào ở cấp xã mới, nhất là ở những đơn vị hành chính cấp xã được thành lập từ sáp nhập các xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn của hai huyện, hoặc huyện và thành phố trực thuộc tỉnh.

Các quy định về chế độ, chính sách liên quan đến quyền lợi của người dân đang được áp dụng cho một xã như chế độ cho người dân xã bãi ngang, xã nghèo, xã an toàn khu... thì khi thành lập xã mới có được áp dụng chung cho tất cả người dân của xã mới hay không.

Tương tự như vậy, ở cấp tỉnh, Quốc hội đã ban hành một số Nghị quyết thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội cho một số tỉnh, thành phố, vậy khi các tỉnh, thành phố này hợp nhất để thành lập đơn vị hành chính cấp tỉnh mới, người dân của tỉnh mới có được hưởng các chế độ, chính sách đặc thù này hay không. Đây là những vấn đề được nhiều cử tri rất quan tâm, gửi gắm cho các đại biểu Quốc hội qua lần tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 9, đề nghị Quốc hội quan tâm, có nghị quyết xử lý các vấn đề liên quan đến hợp nhất, sáp nhật cho rõ, cụ thể và không bị vướng mắc khi triển khai ở cơ sở, đặc biệt là những gì người dân đang được thụ hưởng.

Ngoài ra, ở cấp tỉnh, HĐND các tỉnh, thành phố đã và đang ban hành các Nghị quyết quy định chi tiết các vấn đề được Luật giao, các giải pháp hoặc chính sách đặc thù để phát triển kinh tế - xã hội áp dụng cho tỉnh mình. Ví dụ, thực hiện Luật Đất đai năm 2024, HĐND một số tỉnh đã ban hành Bảng giá đất áp dụng trên địa bàn tỉnh và có hiệu lực áp dụng từ ngày 1-1-2026, nhưng cũng có một số tỉnh khác lại chưa ban hành. Nếu sáp nhập 2 đến 3 tỉnh lại để thành lập đơn vị hành chính cấp tỉnh mới, với 3 bảng giá đất khác nhau thì tỉnh mới sẽ áp dụng như thế nào.

Ở các tỉnh chưa ban hành Bảng giá đất, hiện tại chính quyền địa phương đang lúng túng, không biết nên tiếp tục ban hành hay chờ khi sáp nhập về tỉnh mới sẽ ban hành Bảng giá để áp dụng chung cho tỉnh mới. Nhiều chính sách khác cũng vậy, có hai luồng ý kiến khác nhau, một là chờ về chung tỉnh mới sẽ kiến nghị ban hành, hai là phải ban hành trước khi sáp nhập tỉnh vì nhu cầu thực đang rất cần.

Từ các vấn đề thực tiễn này, đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ hết sức quan tâm, có hướng dẫn chuyển tiếp sao cho ổn thỏa, có sự kế thừa, phát huy giá trị các chính sách đang có, đảm bảo hạn chế thấp nhất các khoảng trống pháp lý có thể ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước tại địa phương; đặc biệt, các quy định liên quan quyền, lợi ích của người dân cần phải được bảo toàn, tiếp tục thực hiện không gián đoạn do sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Hai là, đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, đại biểu kiến nghị cần hạn chế các quy định xử phạt vi phạm hành chính bằng các biện pháp tạm giữ phương tiện, tài sản, nên thay thế bằng các hình thức xử phạt khác, như phạt tiền, bảo lãnh tiền. Việc tạm giữ phương tiện, tài sản của người vi phạm hành chính hiện nay đang gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý ở các địa phương do thiếu kho bãi, nhân lực để trông giữ, dẫn đến tài sản bị hao mòn, hư hỏng, gây ra lãng phí xã hội rất lớn. Hiện nay Công an cấp huyện không còn, chuyển giao chức năng xử lý vi phạm hành chính về cho cấp xã, các xã mới thành lập cũng sẽ gặp khó khăn về cơ sở vật chất, nhân sự để tạm giữ các phương tiện, tài sản xử phạt.

Ba là, đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội, đại biểu cho rằng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV Quốc hội đã có nhiều đổi mới trong cách thức tổ chức các kỳ họp, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào phục vụ các hoạt động của kỳ họp, đạt được mục tiêu là tiết kiệm được thời gian tổ chức kỳ họp nhưng vẫn đảm bảo tiến độ và chất lượng của nội dung, chương trình, đảm bảo thực hiện đầy đủ các chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và công tác giám sát tối cao của Quốc hội tại kỳ họp. Để việc tổ chức kỳ họp thời gian tới ngày càng hợp lý hơn, đại biểu kiến nghị một số vấn đề sau:

1. Về việc thời gian phát biểu tại hội trường kỳ họp, Nội quy kỳ họp quy định đại biểu phát biểu tối đa 7 phút, nếu có nhiều đại biểu đăng ký thì giảm xuống còn 5 phút/lần phát biểu, quy định này là phù hợp. Tuy nhiên, thời gian dành cho cơ quan chủ trì thẩm tra hoặc chủ trì soạn thảo các dự thảo Luật, Nghị quyết trình bày báo cáo thẩm tra hoặc tiếp thu ý kiến của đại biểu quy định từ 7-10 phút là quá ngắn, không đủ để trình bày hết ý kiến thẩm tra hoặc giải trình các ý kiến, vấn đề mà đại biểu Quốc hội đặt ra. Có những nội dung nhiều đại biểu quan tâm, đặt vấn đề nhưng Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan soạn thảo không đủ thời gian nên chỉ giải trình chung, không cụ thể, còn hình thức. Cần nghiên cứu tăng thời gian hợp lý để các cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo có thể trình bày hoặc tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội được thỏa đáng hơn.

2. Về hình thức đăng ký phát biểu ở hội trường như hiện nay, thông thường chỉ có khoảng vài chục/500 đại biểu có thể bấm nút phát biểu ở 1 phiên họp, các đại biểu còn lại thiếu cơ chế phản hồi. Để các đại biểu có thể góp nhiều ý kiến khi không phát biểu được trên nghị trường, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre đề nghị Quốc hội nên thiết kế một hình thức lấy ý kiến phù hợp trên App Quốc hội để đại biểu có thể góp ý trực tiếp vào dự thảo văn bản trong các phiên thảo luận chung ở nghị trường.

3. Đối với tài liệu kỳ họp, Đại biểu đề nghị nội dung nào chuẩn bị kỹ, đầy đủ thì bố trí đưa vào đầu chương trình để Quốc hội cho ý kiến, thảo luận trước; nội dung nào cần thêm thời gian chuẩn bị thì bố trí sau để đảm bảo chất lượng của hồ sơ trình và đại biểu Quốc hội có đủ thời gian để nghiên cứu tài liệu, không quá vội vàng khi chưa đủ điều kiện để thảo luận, thông qua.

4. Về chế độ, chính sách đại biểu chuyên trách hay kiêm nhiệm: hiện nay, qua các văn bản quy định về chế độ, chính sách cho Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét không nên có sự phân biệt giữa chế độ dành cho Trưởng Đoàn hoạt động chuyên trách với Trưởng Đoàn hoạt động không chuyên trách. Vì dù cho hoạt động chuyên trách hay kiêm nhiệm thì các Trưởng Đoàn đều phải chịu trách nhiệm toàn diện, trách nhiệm với cấp ủy và Ủy ban Thường vụ quốc hội, lãnh đạo xuyên suốt Đoàn đại biểu Quốc hội tham dự các kỳ họp, đều phải phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, đóng góp cho sự thành công chung của Quốc hội và tại các kỳ họp. Vì vậy, các chế độ, chính sách ở từng chức danh trưởng đoàn, phó đoàn phải được quy định rõ, hợp lý, không phân biệt; tương tự đại biểu quốc hội khi tham dự kỳ họp cũng không phân biệt đại biểu chuyên trách, không chuyên trách và phải đảm bảo tuân thủ nội quy kỳ họp như nhau.

Tin, ảnh: Ái Thi

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN