Cẩn trọng với rắn độc cắn trong mùa nước dâng và mưa nhiều

14/10/2018 - 20:20

Người dân không may bị rắn độc cắn đang điều trị tại Trại rắn Đồng Tâm. Ảnh: M. Phương

Người dân không may bị rắn độc cắn đang điều trị tại Trại rắn Đồng Tâm. Ảnh: M. Phương

Thượng tá, Bác sĩ Vũ Ngọc Lương - Phó giám đốc Trung tâm Nuôi trồng - chế biến dược liệu thuộc Quân khu 9 (thường gọi Trại rắn Đồng Tâm, Tiền Giang) cho biết, trong mùa nước nổi bắt đầu từ giữa tháng 8 đến nay số người bị rắn độc cắn đến điều trị tăng từ 20 - 30% so với thông thường.

Cao điểm tức những ngày lũ lên cao, khu điều trị của Trại rắn Đồng Tâm tiếp nhận trên 10 bệnh nhân/ngày. Thống kê từ tháng 8 đến nay, có trên 350 ca bị rắn độc cắn trong tình trạng nguy kịch đến điều trị nhưng chưa ghi nhận có trường hợp tử vong.

Vẫn theo bác sĩ Lương, các bệnh nhân nhập viện điều trị chủ yếu bị rắn hổ mang đất, lục đầu dồ đuôi đỏ cắn. Đây là 2 loài rắn độc phổ biến ở tỉnh Bến Tre nói riêng, vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Chúng sống tại các nơi rậm rạp gần sông, kênh, rạch. Khi nước dâng lên, chúng mất chỗ ở trong khi đó việc di chuyển của chúng rất khó lường, rất hung dữ.

Ông Lê Văn Đực, ngụ huyện Châu Thành, nạn nhân bị rắn lục đầu dồ đuôi đỏ cắn cho biết, vừa chạng vạng tối, ở trong nhà ông nghe tiếng chó sủa dữ nên mở cửa ra xem. Không ngờ vừa bước một chân ra ngạch cửa thì bị rắn mổ vào mu bàn chân. Ngay sau đó, ông cảm thấy ớn lạnh và chân bị xưng lên, mất cảm giác. Mai ra lúc đó, vợ ông về đến chở thẳng qua Trại rắn Đồng Tâm điều trị đến nay đã được 2 ngày thấy đỡ hơn. Dự kiến, 2 ngày nữa ông xuất viện.

Tượng tự, bà Nguyễn Thị Chín, ngụ huyện Mỏ Cày Bắc cũng đang điều trị tại đây kể lại: “Mảnh ruộng trồng cỏ chỉ còn vài gò là không bị ngập vậy mà vừa thò tay xuống tóm cỏ chưa kịp cắt đã bị con rắn nằm sẵn đó mổ cho một cái. Tôi không dám di chuyển nữa do sợ nộc độc lan trong cơ thể nên kêu người nhà ra cõng vô rồi chở thẳng đến Đồng Tâm điều trị.”

Trao đổi với chúng tôi, một bác sĩ công tác tại Khoa Hồi sức - cấp cứu - chống độc Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu cho biết, tại khoa vẫn có thể điều trị các bệnh nhân không may bị rắn độc cắn. Tuy nhiên, do kháng huyết thanh tại đây không đủ nên đối với một số trường hợp bị rắn cắn chuyển đến đây chỉ có thể sơ cứu ban đầu rồi chuyển qua Trại rắn Đồng Tâm điều trị. Vì bên ấy có kinh nghiệm, có nhiều loại kháng huyết thanh hơn.

Vấn đề này, bác sĩ Vũ Trọng Lượng cho hay, tại hầu hết các bệnh viện tuyến tỉnh chỉ có loại kháng huyết thanh đơn giá chứ không đa giá như tại Trại rắn Đồng Tâm. Hay dễ hiểu hơn là mỗi loài rắn độc khi cắn người thì phải có kháng huyết thanh của loài đó mới có thể điều trị hiệu quả. Vậy nên, việc xác định loài rắn nào đã cắn là vô cùng quan trọng. Nhưng, tại các bệnh viện tuyến tỉnh thường chỉ có một loại kháng huyết thanh nên việc điều trị cho các bệnh nhân bị rắn độc cắn rất hạn chế.

Theo khuyến cáo của bác sĩ Lương, khi bị rắn độc cắn thì phải được chuyển ngay đến các cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu chứ không nên đến điều trị tại các thầy lang vườn vì sẽ mất thời gian, nguy cơ tử vong cao hơn. Trại rắn Đồng Tâm được thành lập để điều trị các bệnh về rắn độc cắn cho quân và dân miền Tây Nam Bộ nên nơi đây luôn chủ động giúp đỡ, giảm miễn tiền thủ thuật, thuốc men cho bà con nghèo…

Trong mùa nước nổi hoặc lúc mưa nhiều, khi đến gần các bụi rậm, cây leo… cần dùng gậy gộc để xua đuổi hoặc tạo ra các âm thanh để rắn chủ động di chuyển khỏi vị trí này và tránh tiếp xúc với chúng… Khi di chuyển vào ban đêm cũng cần dùng đèn để quan sát vì rắn độc di chuyển rất khó lường, hung dữ.

Triều sinh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN