Cảnh báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023

24/01/2023 - 18:04

Lừa đảo bằng hình thức cho vay vốn qua mạng

Lợi dụng tâm lý muốn vay nhanh với số tiền lớn, lãi suất thấp, không thế chấp, thủ tục đơn giản của người dân, các đối tượng đăng tin cho vay vốn thông qua các ứng dụng, mạng xã hội phổ biến như: Zalo, Facebook…. để nhiều người tiếp cận.

Khi tiếp cận được con mồi, đối tượng sử dụng sim, tài khoản mạng xã hội hướng dẫn nạn nhân thực hiện thủ tục vay thông qua các ứng dụng tài chính online và yêu cầu nạn nhân chuyển tiền (nhiều lần) vào tài khoản mà chúng cung cấp với các lý do như: Chứng minh tài chính, nộp tiền thuế khoản vay, chuyển tiền để bảo đảm hồ sơ vay, tài khoản yêu cầu vay bị sai hoặc thiếu thông tin, số tiền vay vượt quá định mức vay… Sau khi nạn nhân chuyển tiền (số tiền lên đến hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng) thì các đối tượng nhanh chóng rút tiền khỏi tài khoản, khóa sim, cắt đứt liên lạc nhằm chiếm đoạt tài sản.

Phòng ngừa: Phải cân nhắc thật kỹ trước khi vay qua mạng: Nghiên cứu, tìm hiểu kỹ về công ty tài chính, người đại diện, địa chỉ, số điện thoại, hợp đồng vay; không vay khi không biết rõ người cho vay là ai, ở đâu, không có hợp đồng cụ thể. Việc vay qua mạng tồn tại rủi ro của lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc “tín dụng đen” nếu không tìm hiểu kỹ, vì vậy, khi có nhu cầu người dân nên vay ở những tổ chức tín dụng hợp pháp có uy tín.

Lừa đảo dưới hình thức thông báo trúng thưởng qua điện thoại, mạng xã hội Zalo, Facebook

Đối tượng tự xưng là nhân viên của một công ty gọi điện thoại hoặc gửi tin nhắn qua facebook cho người dùng mạng để thông báo trúng thưởng và yêu cầu người dùng mạng đóng tiền cọc (có thể từ vài triệu đến vài chục triệu đồng) để làm thủ tục nhận thưởng, đóng thuế… vì phần thưởng có giá trị lớn, hứa hẹn khi trả thưởng sẽ gửi lại số tiền cọc đó. Để tạo lòng tin cho người nhận, đối tượng có thể cung cấp đầy đủ thông tin như địa chỉ công ty, số điện thoại, hotline…thậm chí, nhóm đối tượng có thể phân vai, đóng giả làm nhân viên, lãnh đạo của công ty để gọi điện thoại xác nhận. Khi đó, người dùng mạng sẽ dễ dàng mắc bẫy, nhanh chóng chuyển tiền mà không nghi ngờ gì. Sau khi lừa được số tiền như mong muốn, đối tượng sẽ cắt liên lạc với con mồi.

Thủ đoạn này có nhiều biến tướng khác nhau, các đối tượng thường xây dựng nhiều kịch bản, phân vai cụ thể và hình thành một đường dây để giăng những “cái bẫy” nhằm mục đích đánh lừa người dùng mạng.

Phòng ngừa: Người dùng mạng phải thật sự cảnh giác trước những thông tin khuyến mãi, trúng thưởng; tự bảo vệ thông tin của mình khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng và cẩn trọng khi “đi chợ trên mạng”. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ; yêu cầu cung cấp thông tin cụ thể của công ty (tên, địa chỉ, số điện thoại) và cá nhân người liên hệ (họ tên, chức vụ, số thẻ nhân viên…) và tìm hiểu những thông tin đó có thật hay không.

Lừa đảo dưới hình thức giả cuộc gọi video call qua Zalo, Facebook

Đối tượng tìm kiếm, thu thập thông tin cá nhân của người đang sử dụng tài khoản mạng xã hội Facebook, Zalo, sau đó tạo lập tài khoản giả mạo có tên giống như tài khoản thật. Từ thông tin, hình ảnh thu thập được, các đối tượng sử dụng phần mềm cắt ghép hình ảnh, dựng lên các đoạn video có giọng nói và hình ảnh của chủ tài khoản thật để thực hiện hành vi lừa đảo.

Chúng nhắn tin cho bạn bè, người thân của chủ tài khoản Zalo, Facebook mà chúng đã chiếm đoạt tạo lập tài khoản giả mạo để hỏi vay hoặc mượn tiền; khi được gọi video call để xác nhận, đối tượng sẽ sử dụng các đoạn video cắt ghép này để tạo sự tin tưởng đối với bạn bè, người thân của nạn nhân vì họ nghe đúng giọng nói và thấy người thân hoặc bạn bè mình đang cử động. Đối tượng sẽ nhanh chóng kết thúc cuộc gọi, lấy lý do đang đi trên đường, khu vực sóng yếu nên không nghe rõ, nhờ người thân, bạn bè nhắn tin và chuyển tiền  cho mượn.

Phòng ngừa: Liên lạc trực tiếp với người thân hoặc bạn bè là chủ tài khoản Zalo, Facebook trước để xác minh tính chính xác việc vay hoặc mượn tiền, không thực hiện ngay khi đối tượng yêu cầu; không đăng nhập vào đường link, trang web do người lạ cung cấp; không cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP cho người lạ.

Lời mời làm việc trực tuyến (cộng tác viên (CTV) bán hàng online, làm việc tại nhà…)

Lợi dụng nhu cầu tìm việc làm thêm của một bộ phận người dân, các đối tượng mạo danh nhân viên các cửa hàng trên các sàn thương mại điện tử (Shopee, Tiki, Sendo, Lazada…) để tuyển CTV thanh toán các đơn hàng tăng tương tác, doanh số… Theo các đơn hàng bất kỳ mà chúng gửi, CTV sẽ gửi tiền thanh toán các đơn hàng vào tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp, hứa hẹn trả tiền công và lợi nhuận cao từ 10% đến 30%.

Ban đầu, chúng gửi những đơn hàng có giá trị nhỏ và thanh toán hoa hồng đầy đủ. Tiếp theo, chúng yêu cầu bị hại thanh toán đơn hàng giá trị lớn hơn, sau đó đưa ra các lý do người cộng tác vi phạm quy định như lỗi sai cú pháp, vượt quá định mức số tiền thanh toán trong ngày, quá hạn… dẫn đến bị khóa tài khoản và yêu cầu bị hại chuyển thêm tiền (nhiều lần) để bảo lãnh, xác minh tài khoản, rút lại tiền gốc và lãi. Đánh vào tâm lý tiếc tiền, muốn nhanh chóng lấy lại tiền, bị hại sẽ chuyển ngay khi được đối tượng yêu cầu. Khi số tiền đủ lớn, đối tượng sẽ cắt liên lạc với bị hại và khóa tất cả các tài khoản đã chuyển tiền.

Phòng ngừa: Tỉnh táo trước những thông tin tuyển dụng làm việc trực tuyến: Tìm hiểu kỹ cửa hàng tuyển dụng (tên, địa chỉ, giấy phép đăng ký kinh doanh, số điện thoại, các bình luận, đánh giá nhận xét của khách hàng từng tương tác), người tuyển dụng (họ tên, chức vụ,..). Không chọn làm những công việc khi không biết rõ người tuyển dụng là ai, ở đâu, không có hợp đồng lao động cụ thể.  

 Đánh bạc trên không gian mạng

Đánh bạc trên không gian mạng có nhiều hình thức như: Sòng bài (casino), cá cược thể thao, trò chơi trực tuyến có tính chất cờ bạc… Các nhà cái ở nước ngoài thông qua hệ thống internet tổ chức cho người Việt Nam tham gia đánh bạc, trực tiếp kiểm soát toàn bộ hoạt động đánh bạc của các tài khoản đánh bạc do người chơi lập ra. Người chơi sau khi đăng ký tài khoản đánh bạc trên mạng phải mở tài khoản ngân hàng, sau đó chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng tổ chức hoặc có thể sử dụng hình thức nạp thẻ điện thoại và làm theo hướng dẫn trên trang web. Số tiền nạp vào sẽ được quy ra điểm và chuyển vào tài khoản tham gia đánh bạc đã đăng ký. Người chơi sẽ dùng số điểm này để cá cược với nhà cái. Nếu thua, không có tiền thanh toán, người chơi có thể bị các đối  tượng cầm đầu tại Việt Nam cưỡng ép trả tiền bằng nhiều hình thức như cưỡng đoạt tài sản, thuê đối tượng hình sự đòi nợ...

Tại Điều 8, Luật An ninh mạng 2018; Điều 321, 322 Luật Hình sự 2015; Điều 28, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình, đánh bạc qua mạng bị phạt hành chính từ 1 đến 2 triệu đồng, có thể bị phạt tù đến 7 năm; ngoài ra, có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đến 50 triệu đồng.

Phòng ngừa: Nâng cao ý thức chấp hành quy định của pháp luật; ý thức hậu quả, tác hại do tệ nạn cờ bạc gây ra cho bản thân và gia đình; không tham gia cờ bạc dưới mọi hình thức.

Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bến Tre

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN