Rượu, bia tác hại khó lường, bài 1:

Cảnh báo từ thói quen dùng rượu

14/09/2022 - 05:38

BDK - Trong văn hóa ẩm thực, rượu là thức uống không thể thiếu ở mỗi dịp lễ, Tết hay các cuộc hội, họp bạn bè, người thân. Sử dụng chừng mực ở mức “rượu lễ, rượu nghĩa” thì trở thành nét đẹp, ngược lại việc lạm dụng thường xuyên quá nhiều rượu, bia và các thức uống có cồn khác sẽ ảnh hưởng khó lường, không chỉ là tổn hại sức khỏe. Đặc biệt, nếu sử dụng rượu kém chất lượng, không an toàn có thể gây chết người.

Bệnh nhân ngộ độc rượu được điều trị tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu.

Bệnh nhân ngộ độc rượu được điều trị tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu.

Con số cảnh báo

May mắn vượt qua cơn nguy kịch sau vụ ngộ độc rượu hồi tháng 8-2022, ông L.V.D (xã An Ngãi Trung, huyện Ba Tri) chưa hết bàng hoàng. Ông nói: “Cảm giác rất mệt, khó thở chưa từng có, cứ tưởng sẽ chết chứ không sống nổi”. Theo lời kể của ông L.V.D, lúc uống rượu không có mùi vị lạ hay biểu hiện bất thường của sức khỏe. Qua 1 ngày sau, trong người mệt, bắt đầu khó thở dần, mắt biểu hiện mờ không nhìn rõ nên gia đình đưa đi cấp cứu.

Ngày 15-8-2022, ông L.V.D uống rượu với nhóm bạn làm chung cùng xóm. Chiều 16-8-2022, ông tiếp tục uống rượu trong bữa tiệc của người quen. Ngày 17-8-2022, ông L.V.D vẫn đi làm bình thường. Đến chiều 18-8-2022, ông có biểu hiện mệt, mắt nhìn mờ. Ông D được người thân đưa đến cơ sở y tế huyện rồi chuyển lên Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu. Sau 50 phút nhập viện, ông L.V.D có biểu hiện gồng cứng, thở ngáp, tím tái, mạch chậm dần phải đặt nội khí quản, thở máy và chuyển sang hồi sức tích cực.

Uống rượu cùng ông L.V.D, ông P.V.Đ (xã An Ngãi Trung, huyện Ba Tri) có cùng triệu chứng và nhập viện điều trị cùng ngày nhưng bệnh diễn tiến nhanh, nguy kịch hơn. Trường hợp ông P.V.Đ phải lọc thận, đặt nội khí quản và thở máy. May mắn cả 2 trường hợp đều vượt qua cơn nguy kịch, hồi phục sức khỏe trở lại cuộc sống bình thường.

Theo thống kê của ngành y tế, trong 2 tháng 7 và 8-2022, tỉnh liên tiếp ghi nhận 2 vụ ngộ độc rượu, với 9 người mắc, 3 người tử vong. Trong 3 ca tử vong, hàm lượng Methanol xác định vượt tiêu chuẩn cho phép gấp 5.357 lần. Các trường hợp ngộ độc rượu ghi nhận, đối tượng đều là người nghiện rượu, nhậu say nhiều lần trong nhiều ngày liên tục.

Uống rượu là nét văn hóa ẩm thực, nhưng việc uống rượu không kiểm soát và kiểu mời rượu trong xã hội hiện nay đã vô tình làm biến tướng văn hóa này. Rượu đã trở thành “thủ phạm” tước đi sinh mạng của con người. Bởi, một số loại bia, rượu không đảm bảo chất lượng, chứa nhiều Methanol. Uống rượu đang trở thành thói quen xấu, tác động tiêu cực đến một lực lượng những người lao động, thậm chí dẫn đến rối loạn nhân cách, rộng hơn nữa là ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội.

Ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe

Bác sĩ Nguyễn Văn Nêu - Trưởng phòng Truyền thông, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: Rượu là đồ uống chứa Ethanol hay còn gọi là rượu Ethylic có thể gây nghiện, có tác hại làm giảm hoạt động của não, gây mất ý thức và nhịp tim nhanh, hạ huyết áp, thở nông. Nếu uống quá nhiều, quá nhanh thì gây ngộ độc cấp tính. Còn nếu uống rượu kéo dài thì gây ngộ độc mạn tính. Ngoài ra, rượu không đảm bảo chất chất lượng, có hàm lượng Methanol cao vượt tiêu chuẩn cho phép sẽ gây ngộ độc cấp tính tổn thương tế bào, đặc biệt là mắt, não, gây mù và có thể dẫn đến tử vong.

Qua điều tra ghi nhận lấy mẫu của ngành chuyên môn, 1 trong 2 vụ ngộ độc rượu nói trên, hàm lượng Methanol không đạt tiêu chuẩn theo TCVN 7043:2013. Kết quả kiểm nghiệm mẫu của Viện Y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh, chỉ tiêu hàm lượng Methanol là 10.714.286 mg/l Etanol 1.000 cao hơn so với tiêu chuẩn  ≤ 2.000mg/l Etanol 1.000, gấp 5.357 lần tiêu chuẩn cho phép.

Bác sĩ Võ Phạm Trọng Nhân - Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu cho biết: Methanol là loại cồn được sử dụng trong công nghiệp không được phép sử dụng trong thực phẩm. Khi uống rượu có chứa Methanol sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, gây ngộ độc. Theo các nghiên cứu, với liều 30ml cồn Methanol trở lên xâm nhập vào cơ thể có thể gây ra tử vong. Người ngộ độc Methanol nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời dẫn đến nguy cơ tử vong cao. Hoặc nếu qua cơn nguy kịch cứu được tính mạng thì cũng để lại các biến chứng mờ mắt.

Triệu chứng ngộ độc rượu Methanol, gồm các vấn đề về thị giác từ mờ mắt và thay đổi trường thị giác đến mù hoàn toàn. Ngoài ra, còn có biểu hiện khó thở, giãn đồng tử, hạ huyết áp, kích động, lú lẫn, nhức đầu, đi lại khó khăn, đau bụng, tiêu chảy, vàng da, buồn nôn và đôi khi nôn ra máu, chuột rút ở chân và suy nhược. Tình trạng suy giảm thị lực càng kéo dài và chậm trễ trong điều trị thì cơ hội phục hồi càng giảm. Nếu mức độ ý thức giảm hoặc co giật xảy ra và nếu điều trị chậm trễ, người bệnh có thể tử vong.

Bác sĩ Võ Phạm Trọng Nhân khuyến cáo: “Người dân không uống rượu, đặc biệt là rượu không rõ nguồn gốc. Nếu nghi ngờ uống phải rượu chứa Methanol nhanh chóng đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Cơ sở y tế tuyến dưới nếu không có điều kiện để hồi sức ngưng tuần hoàn hô hấp thì bằng mọi giá phải đánh giá nhanh tình trạng để chuyển bệnh nhân đến tuyến có thể thực hiện được dịch vụ kỹ thuật phù hợp để kịp thời cứu sống bệnh nhân”.

Theo khuyến cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bến Tre, để tránh tình trạng ngộ độc Methanol, người tiêu dùng không nên uống rượu bia, các chất kích thích hoặc sử dụng các loại có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được cấp phép lưu hành.

Qua 2 vụ ngộ độc do rượu, gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc sử dụng rượu không đảm bảo an toàn. Nhiều ý kiến cộng đồng dân cư vẫn băn khoăn và đặt dấu hỏi công tác quản lý sản phẩm rượu. Hơn hết, ý thức trách nhiệm của người trong cuộc cần được đánh giá nhìn nhận thực chất để hướng đến cuộc sống lành mạnh, đảm bảo an toàn sức khỏe.

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích