Cảnh giác các thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội

15/04/2020 - 07:01

BDK - Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền nhằm giúp người dân nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại và mạng xã hội. Tuy nhiên, gần đây, các vụ lừa đảo vẫn liên tiếp xảy ra, gây thiệt hại hàng tỷ đồng.

Người dân cảnh giác với hành vi lừa đảo qua mạng xã hội. (Ảnh minh họa)

Người dân cảnh giác với hành vi lừa đảo qua mạng xã hội. (Ảnh minh họa)

Vụ lừa đảo xảy ra ở huyện Mỏ Cày Nam mới đây là một ví dụ. Ngày 27-12-2019, một phụ nữ tên Thảo xưng là nhân viên của bưu điện gọi vào số điện thoại bàn của bà T. Ng. Nh. báo là bà Nh. có bưu phẩm và đang nợ tiền của một ngân hàng. Sau đó, Thảo chuyển máy cho Lâm Hải Sơn, tự xưng là người của Bộ Công an, nói tài khoản của bà Nh. có liên quan đến một vụ rửa tiền; hiện tại, Bộ Công an đã có lệnh bắt bà Nh.. Tên này yêu cầu bà Nh. cung cấp thông tin về tài khoản ngân hàng và sổ tiết kiệm. Vì lo sợ nên bà Nh. đã cung cấp toàn bộ thông tin theo yêu cầu của chúng. Đối tượng xưng danh Công an yêu cầu bà Nh. mở tài khoản Internet Banking tại ngân hàng, rồi chuyển số tiền 1,2 tỷ đồng từ 2 sổ tiết kiệm vào tài khoản để phục vụ điều tra. Bà Nh. đã làm theo.

Sau 4 ngày, một phụ nữ khác gọi điện cho bà Nh. nói là cấp trên của Lâm Hải Sơn yêu cầu bà Nh. tiếp tục chuyển số tiền 2,1 tỷ đồng vào tài khoản. Nghi ngờ bị lừa đảo, bà Nh. đến ngân hàng kiểm tra thì được biết số tiền 1,2 tỷ trong tài khoản Internet Banking đã không còn. Hoảng hốt, bà Nh. đã trình báo sự việc với cơ quan Công an.

Sợ hãi, lo lắng trước sự dàn cảnh, đe dọa của các đối tượng lừa đảo, nhiều người đã không bình tĩnh suy xét, mà làm theo tất cả yêu cầu của kẻ xấu rồi trở thành nạn nhân của chúng. Mọi người nên biết rằng, tất cả các yêu cầu của cơ quan nhà nước đối với công dân đều phải được thực hiện bằng văn bản và những sự việc quan trọng đều có sự chứng kiến của chính quyền địa phương. Do vậy, những yêu cầu kiểu như trên là không hợp pháp, mọi người phải hết sức cảnh giác.

Bên cạnh đó, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng xã hội (Facebook, Zalo, Viber...) cũng diễn ra phổ biến. Đáng chú ý là thủ đoạn làm quen với bị hại, tạo lòng tin, hứa gửi tiền, quà tặng có giá trị từ nước ngoài, sau đó giả mạo nhân viên hải quan, bưu điện gọi điện yêu cầu nạn nhân chuyển tiền làm các thủ tục thông quan để chiếm đoạt.

Cách đây chưa lâu, chị N. T. H. ở TP. Bến Tre kết bạn Facebook với một người tên Man Preet Singh, tự xưng là quân nhân Hoa Kỳ. Sau thời gian nhắn tin qua lại, chị H. đồng ý giữ hộ một gói hàng do người đàn ông này gửi. Ngày 24-12-2019, có người gọi cho chị H., xưng là nhân viên giao hàng, yêu cầu chị nộp tiền phí vận chuyển là 18,8 triệu đồng để được nhận gói hàng. Tin lời, chị H. đã chuyển số tiền trên cho đối tượng này qua ngân hàng. Tiếp đó, nhân viên giao hàng nhiều lần liên lạc với chị H. với lý do Hải quan kiểm tra, phát hiện gói hàng gửi cho chị có số tiền 500.000 USD nên phải đóng các khoản thuế, phí…

Trao đổi qua Facebook, Man Preet Singh nói chị H. cứ đóng, khi nào nhận được gói hàng thì lấy số tiền đó để chi trả lại. Tin tưởng lời nói của người này, chị H. đã chuyển tổng cộng số tiền hơn 720 triệu đồng nhưng vẫn không nhận được gói hàng. Hơn 1 tuần sau, người xưng là nhân viên giao hàng tiếp tục gọi cho chị H., yêu cầu chị chuyển tiếp số tiền 4.000 USD. Biết mình đã bị lừa, chị H. đã đến cơ quan Công an để trình báo.

Một thủ đoạn khác cũng được các đối tượng lừa đảo sử dụng là nhắn tin, gọi điện thoại thông báo trúng thưởng, yêu cầu người trúng thưởng nộp lệ phí để nhận giải. Để tạo niềm tin, chúng cung cấp số điện thoại do đồng bọn đóng giả để người trúng thưởng gọi đến xác minh. Vì hám lợi và thiếu cảnh giác, nhiều người đã nộp tiền theo yêu cầu của chúng nhưng không bao giờ nhận được giải thưởng.

Thượng tá Lê Quang Minh - Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh khuyến cáo: “Mọi người tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng cho những người không quen biết, không rõ nhân thân, lai lịch. Hiện tại, cơ quan điều tra chưa thực hiện hình thức tạm giữ tang vật, tài sản bằng hình thức chuyển khoản, hoạt động này chỉ được thực hiện trực tiếp và có biên bản theo quy định của pháp luật”.

Đăng Khoa

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích