Cảnh giác chiêu trò “bán hàng tri ân” để lừa đảo

19/10/2022 - 05:56

BDK - Sau một thời gian tạm lắng, gần đây, chiêu trò lừa đảo “bán hàng tri ân” lại tái diễn. Mua hàng nhưng được hoàn lại tiền, được tặng quà khi tham dự, được đổi hàng cũ lấy hàng mới là những thủ đoạn gắn mác “tri ân” khách hàng mà những đối tượng lừa đảo thường sử dụng.

Công an xã Mỹ Hòa làm việc với các đối tượng “bán hàng tri ân”. Ảnh: CTV

Công an xã Mỹ Hòa làm việc với các đối tượng “bán hàng tri ân”. Ảnh: CTV

Cuối tháng 9-2022, một nhóm đối tượng lạ mặt đi xe ô tô đến xã Mỹ Hòa, huyện Ba Tri, quan sát thấy nhà ông Đ.V.S (ấp Hòa Bình) có vị trí thuận lợi, nên liên hệ, đặt vấn đề mượn địa điểm để mở hội thảo “bán hàng tri ân”. Nhóm này còn nhờ chủ nhà là ông S mời người dân xung quanh đến tham gia. Ngày 14-9-2022, có gần 30 người, đa số là phụ nữ và người già đã tập trung tại nhà ông S. Ban đầu các đối tượng chào hàng, bán các sản phẩm như: kem đánh răng, xịt côn trùng, trà… với giá từ 300 - 400 ngàn đồng (giá thực tế chỉ từ 50 - 60 ngàn đồng). Sau khi có hơn 20 người mua, chúng giở trò “tri ân khách hàng” và trả tiền lại cho 9 người. Thấy người dân bắt đầu có hứng thú mua hàng, chúng tiếp tục chào bán các sản phẩm là thực phẩm chức năng khác với giá cao hơn từ 9 trăm ngàn đến 1 triệu đồng (giá thực tế chưa tới 100 ngàn đồng). Lúc này, Công an xã Mỹ Hòa đã ập vào kiểm tra. Qua làm việc, những đối tượng khai là nhân viên của một công ty có địa chỉ tại tỉnh Bình Dương, tuy nhiên không cung cấp được giấy tờ, tài liệu chứng minh nguồn gốc của các sản phẩm đang bán. Công an xã đã lập biên bản, xử lý vụ việc trên.

“Bán hàng tri ân” không phải là thủ đoạn mới nhưng vẫn có không ít người tin và bị lừa. Đối tượng chúng nhắm tới là người cao tuổi, phụ nữ nhẹ dạ, cả tin. Thủ đoạn của các đối tượng này là sau khi quảng cáo, thổi phồng tác dụng, hiệu quả của các loại sản phẩm và ai mua hàng sẽ được hoàn trả tiền gọi là “tri ân khách hàng”. Chúng tiếp tục chào sản phẩm khác với giá trị cao hơn, nhiều người có tâm lý nếu mua cũng sẽ được hoàn tiền như lúc đầu, mua 1 tặng 1, được tặng quà nên đăng ký mua, có người về nhà lấy tiền hoặc  vay mượn tiền để mua. Nhưng sau khi bán được hàng và thu tiền thì lần này chúng không trả lại mà rời đi. Điều đáng nói là những sản phẩm các đối tượng này bán là không rõ nguồn gốc, kém chất lượng hoặc có giá thành thấp hơn giá chúng bán gấp nhiều lần.

Việc mua những sản phẩm kém chất lượng không chỉ mất tiền oan uổng, thiệt hại kinh tế cho cá nhân mà khi sử dụng có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Để ngăn ngừa những vụ việc trên, chính quyền địa phương cần tiếp tục siết chặt, kiểm soát các hoạt động những đơn vị, nhóm người kinh doanh đến quảng cáo, tiếp thị, mở hội thảo, bán hàng trá hình. Lực lượng công an cần tăng cường nắm tình hình, kiểm tra, kịp thời ngăn chặn việc số đối tượng đến địa phương có những hành vi bán hàng lừa đảo. Và hơn hết, người dân nâng cao cảnh giác với chiêu trò này. Khi phát hiện các đối tượng có dấu hiệu lừa đảo cần báo ngay cho cơ quan chức năng ở địa phương để ngăn chặn và xử lý kịp thời.

Thanh Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích