Cảnh giác với hành vi lừa đảo lắp đặt thiết bị phát wifi không dây

07/11/2018 - 08:18

Anh Trần Hoài Tâm cung cấp thông tin cho Công an xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm.

Anh Trần Hoài Tâm cung cấp thông tin cho Công an xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm.

Những năm gần đây, wifi đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống thông tin liên lạc của xã hội. Đây là một kiểu kết nối internet không thể thiếu trên máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh và nhiều loại thiết bị điện tử khác. Tuy nhiên, điều kiện hạ tầng viễn thông ở một số vùng nông thôn chưa đáp ứng được nhu cầu và đa phần người dân ít am hiểu kỹ thuật trên lĩnh vực này. Lợi dụng điều này, các đối tượng xấu đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của bà con.

Cuối tháng 9-2018, anh Trần Hoài Tâm và người em ruột, cùng ngụ xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm đã bị hai thanh niên lừa lắp đặt thiết bị phát wifi không dây “dỏm” để chiếm đoạt gần 2 triệu đồng. Theo lời kể của anh Tâm, vào ngày 24-9-2018, có hai thanh niên ăn mặc lịch sự tìm đến nhà anh tự xưng là nhân viên của Công ty cổ phần Viễn thông FPT tư vấn lắp đặt thiết bị phát wifi không dây với nhiều gói khuyến mãi hấp dẫn và miễn phí thiết bị. Lâu nay, anh Tâm đã có nhu cầu sử dụng wifi nhưng do nhà nằm sâu trong vườn nên việc kéo dây kết nối không thực hiện được. Vì vậy, anh đã đồng ý lắp đặt và đóng trước 6 tháng tiền cước. Sau khi hai thanh niên này ra về thì tín hiệu wifi cũng không còn. Anh Tâm cho biết, hai đối tượng này nhận tiền và chỉ đưa anh một tờ biên lai không ghi tên công ty, không đóng mộc và cũng không có hợp đồng.

Cách đây chưa lâu, chị Nguyễn Thị Mường ở xã Đại Hòa Lộc, huyện Bình Đại cũng bị mất gần 2 triệu đồng từ việc lắp đặt thiết bị phát wifi không dây “dỏm” của đôi nam nữ lừa đảo. Hai đối tượng này đến nhà chị đều mặc áo đồng phục của VNPT. Vì được tư vấn đúng nhu cầu và có nhiều khuyến mãi, lại không tốn tiền mua thiết bị nên chị Mường đã đồng ý lắp đặt và trả trước một năm tiền cước. Khi các đối tượng rời khỏi thì tín hiệu wifi cũng mất theo. Khác với trường hợp của anh Tâm, đôi nam nữ này đã làm hợp đồng với chị Mường nhưng trên bản hợp đồng không có đóng dấu của công ty. Theo ghi nhận của Công an huyện Bình Đại, một số xã khác của huyện cũng đã xảy ra trường hợp tương tự.

Thủ đoạn chung của các đối tượng này là giả danh nhân viên các công ty cung cấp dịch vụ internet, tư vấn lắp đặt thiết bị phát wifi không dây. Thực chất các đối tượng đã dùng một thiết bị phát wifi chuyên dụng hoặc điện thoại thông minh mà chúng mang theo để phát wifi cho khách hàng sử dụng thử. Vì vậy, khi bọn chúng đi khỏi thì tín hiệu wifi cũng không còn. Thiết bị phát wifi mà chúng cung cấp cho khách hàng không kết nối với bất kỳ hệ thống mạng nào.

 Thông tin từ đại diện các công ty cung cấp dịch vụ internet tại tỉnh cho biết: Các công ty này đều quy định nhân viên khi đến tư vấn giao dịch với khách hàng bắt buộc phải có thẻ do công ty cấp. Hợp đồng lắp đặt bao gồm hai bản, có chữ ký của Giám đốc (không photocopy) và đóng dấu mộc đỏ của công ty. Riêng Công ty cổ phần Viễn thông FPT đã áp dụng hợp đồng điện tử, các thông tin, điều khoản trong hợp đồng được nhà mạng quản lý trên hệ thống, việc ký tên cũng được thao tác trên điện thoại thông minh của nhân viên. Khi khách hàng giao dịch tại nhà với nhân viên cung cấp dịch vụ internet cần phải chú ý những đặc điểm trên để tránh bị đối tượng xấu lừa đảo. Nếu có điều kiện, khách hàng có nhu cầu sử dụng wifi nên đến trụ sở công ty cung cấp dịch vụ đăng ký để được đảm bảo đầy đủ các quyền lợi.

Sau khi xảy ra các vụ việc trên, cơ quan công an đã thông báo rộng rãi để nhân dân biết và cảnh giác. Khi phát hiện các đối tượng có biểu hiện nghi vấn, mọi người cần nhanh chóng báo tin đến cơ quan công an nơi gần nhất hoặc qua số điện thoại 113 để lực lượng chức năng có biện pháp xử lý. Mong rằng, bà con hãy nêu cao tinh thần cảnh giác để không trở thành nạn nhân của bọn lừa đảo và tích cực phối hợp với cơ quan công an phát hiện, xử lý các đối tượng này theo quy định của pháp luật.

Bài, ảnh: Đăng Khoa

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích