Cao điểm quyết liệt chống khai thác thủy sản bất hợp pháp trước kỳ kiểm tra lần thứ năm của Ủy ban Châu Âu (EC)

13/12/2023 - 16:17

BDK.VN - Ngày 13-12-2023, tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì cuộc họp lần thứ tám của Ban Chỉ đạo (BCĐ) Quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Buổi họp được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Quang cảnh tại điểm cầu tỉnh.

Quang cảnh tại điểm cầu tỉnh.

Có 28 tỉnh, thành tham dự cùng đại diện lãnh đạo các bộ là lãnh đạo các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, cùng một số bộ là thành viên BCĐ Quốc gia về IUU và các hội, hiệp hội về thủy sản. Tại điểm cầu tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh chủ trì.

Phát biểu mở đầu, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nêu tình hình: “Tháng 10-2023, Ủy ban Châu Âu (EC) đã cử đoàn làm việc lần thứ tư với Việt Nam. Tinh thần chung là họ ghi nhận những nỗ lực cố gắng, chuyển biến tích cực của Việt Nam so với trước đây; tuy nhiên, những vấn đề cơ bản cần làm thì chúng ta chưa làm được, hoặc làm chưa có kết quả. Báo cáo của EC có 9 điểm khuyến nghị chúng ta phải làm, toàn việc khó mà chủ yếu là các phần việc thuộc về địa phương”.

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Ủy ban Châu Âu (EC) cho biết, đến tháng 4-2024 họ sẽ trở lại lần thứ năm và sẽ quyết định có gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Châu Âu hay không. Chúng ta còn 4 tháng nữa để thực hiện quyết liệt và đây là cơ hội cực kỳ quan trọng cho những nỗ lực của Việt Nam. Chúng ta phải dồn hết sức, hết lực lượng, có cách làm khoa học, hợp lý, mang lại kết quả ghi nhận bằng định lượng, chứ không nói chung chung, thì có khả năng Việt Nam được gỡ “Thẻ vàng”.

Theo Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang: Đã có 18 quốc gia nằm trong danh sách cảnh báo của EC, 11 quốc gia đã vượt lên, còn lại 7 quốc gia chưa vượt qua được, trong đó có Việt Nam. Chúng ta đã mất 6 năm thực hiện mà vẫn chưa vượt qua được. Nếu không được EC gỡ “Thẻ vàng”, thủy hải sản của Việt Nam vào Châu Âu bị kiểm hết tất cả các lô hàng (khi không vướng thẻ vàng, chỉ cần kiểm đại diện 1 lô) và chi phí kiểm hết các lô hàng cho 1 container hàng hóa tốn 800 bảng Anh, tất cả chi phí này hiện nay doanh nghiệp và người nuôi trồng đang phải gánh. Nếu tình hình tệ hơn nữa là “Thẻ đỏ”, thì Châu Âu sẽ không nhập thủy hải sản của Việt Nam, ngành hàng này của doanh nghiệp và nông dân sẽ điêu đứng. Việc quan trọng thứ 2 là nhiều nước khác cũng đang muốn áp dụng các quy định như EC, viễn cảnh này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến Việt Nam.

Qua phát biểu của 5 địa phương và một số bộ, ngành Trung ương, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang kết luận: Các địa phương cần mạnh dạn và cố gắng thực hiện tốt phần việc của chính địa phương mình để góp chung hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).

Bởi qua các công điện của Chính phủ và báo cáo của các bộ ngành đã nêu đầy đủ các phần công việc cần làm của địa phương; Phó thủ tướng nhận thấy còn rất nhiều việc có thể làm được, lãnh đạo UBND tỉnh phải quan tâm và tích cực thúc đẩy.

Thống nhất đặt mục tiêu, từ đây đến ngày 30-4-2024, phải hành động quyết liệt để cải thiện tình hình và có những minh chứng cụ thể với đoàn kiểm tra EC lần thứ năm trong nỗ lực gỡ “Thẻ vàng”. Về lâu dài, phải có kế hoạch cho việc nếu gỡ được “Thẻ vàng” thì cần phải duy trì ra sao, nếu không gỡ được, chúng ta phải tiếp tục chiến đấu nữa.

Tin, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN