Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Nguyễn Duy Thanh. Ảnh: CTV
Thử thách bản thân
Nguyễn Duy Thanh chỉ mới 27 tuổi đã trở thành người sáng lập công ty chuyên về giải pháp phần mềm, lĩnh vực được cho là đang “hot” và khó chinh phục. Anh hiện đang là một trong những người sáng lập công ty phần mềm chuyên về các sản phẩm phần mềm ERP cho trường học/doanh nghiệp. Ngoài ra, Thanh còn có các sản phẩm trên nền tảng IOT và các phần mềm online cho mảng giáo dục và đào tạo. Từ năm 2016 đến nay, Nguyễn Duy Thanh còn là chuyên gia giải pháp phần mềm công nghệ thông tin (CNTT) tại các cuộc thi tay nghề quốc gia và ASEAN (AseanSkills 2018 - Thái Lan, AseanSkills 2020 - Singapore…), đào tạo các thí sinh đại diện của Việt Nam trong lĩnh vực nghề IT.
Nguyễn Duy Thanh sinh năm 1993, trong một gia đình nông dân ở xã Phú Đức, huyện Châu Thành. Với đam mê về điện tử - tin học từ nhỏ, Thanh chọn ngành IT - phần mềm khi đậu vào Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh. “Tôi đã đặt mục tiêu là phải tốt nghiệp (về lý thuyết) sớm nhất có thể, khoảng 3 năm thay vì 4 năm. Bởi vì, tôi hiểu nghề gì cũng vậy, cần thực hành và rất nhiều kinh nghiệm thực tế chứ không phải chỉ ngồi trên ghế nhà trường là đủ. Vì vậy, lịch học lý thuyết của tôi dày hơn người khác khá nhiều. Bên cạnh đó, tôi còn may mắn có điều kiện để mua laptop, vừa để giải trí vừa để tìm hiểu, học hỏi thêm sau thời gian ở trường”, Thanh chia sẻ.
Xuất phát từ đam mê, nhu cầu của bản thân và sự tò mò, Thanh chơi game nhưng luôn để ý tìm tòi. “Khi chơi game, tôi luôn đào sâu vào logic của nó, vừa để hiểu vừa để chơi tốt hơn như: tại sao nó lập trình như vậy, logic ở đây là gì, có bug (lỗi) nào có thể khai thác không… Rồi khi đăng ký môn học (dùng trang web của trường), hay phần mềm khác, nó gây nhiều khó khăn cho sinh viên như bị chậm, bị lỗi, thiếu chức năng và không hỗ trợ tốt. Tức thì tôi nghĩ, nếu mà mình được code (lập trình) lại cho trang web đấy hay phần mềm đấy thì sẽ tiện hơn cho sinh viên/khách hàng. Và còn nhiều động lực khác để giúp tôi mày mò sâu hơn vào lĩnh vực mà mình đã chọn”, chàng trai trẻ kể về con đường thôi thúc anh rời môi trường an toàn ở ghế nhà trường.
Đầu năm thứ 3 đại học, trường của Thanh thông báo về một cuộc thi tay nghề - lập trình phần mềm cấp bộ. Nếu đạt thành tích tốt thì đi thi tiếp. “Có cơ hội thì mình cứ nắm lấy thôi, còn thành công hay không là tùy bản thân mình. Lúc đó với tôi lập trình còn rất mới, rất phức tạp. Tôi tìm tới những đàn anh, bạn bè để hỏi và tìm hiểu thêm. Lần đầu thi cấp Bộ thì thành tích không tốt lắm (hạng 3) nhưng tôi vẫn được chọn đi tiếp. Sau lần đó, tôi nhận thấy rõ hơn cơ hội với mình khi đến với các cuộc thi cấp quốc gia, luyện tập ở Hàn Quốc, thi thế giới. Tôi đã tập trung hết sức mình vào cuộc thi, vào việc rèn luyện kỹ năng. Tôi bỏ hết mọi môn học ở trường dù chỉ còn vài môn nữa là hoàn thành. Kết quả là tôi đã đạt thành thích cao ở những kỳ thi sau đó”, Nguyễn Duy Thanh kể.
Thành công đến từ sự cố gắng
13 tháng luyện tập tại Hàn Quốc, hàng ngày, Thanh ôn luyện từ 7 giờ sáng đến 12 giờ đêm mới kết thúc. Lịch trình đều đặn từ thứ Hai đến Chủ nhật, gần như không có ngày nghỉ. Khóa huấn luyện có phiên dịch viên nhưng sau 5 giờ chiều phiên dịch nghỉ nên Thanh phải tự học thêm tiếng Hàn cơ bản, giao tiếp với các huấn luyện viên. Chàng trai 20 tuổi đã gặp áp lực lớn khi thi thế giới có đến mấy ngàn người theo dõi phần thi của mình, hàng loạt ống kính tác nghiệp của phóng viên. Sức khỏe lại bất ổn do Thanh bị sốt, múi giờ thay đổi, đồ ăn không hợp khẩu vị, anh tự nhủ, bản thân đã chuẩn bị suốt 1 năm, còn mấy ngày nữa là kết thúc nên không được phép gục xuống. Sau khi từ Hàn Quốc trở về, Thanh tiếp tục học và lấy bằng đại học.
Nguyễn Duy Thanh (thứ hai từ trái sang) trong vai trò huấn luyện viên cuộc thi tay nghề khu vực Asean diễn ra tại Singapore. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
“Người trẻ hiện nay phải giỏi tay nghề vì giỏi nghề mới dễ có công việc, mà làm việc được thì mới ổn định, mới thành công được. Ai chả thích tuyển người vào làm ngay, thấy kết quả tốt ngay phải không”, Thanh chia sẻ.
Theo anh, phần lớn lao động trẻ hiện tập trung vào kiến thức, bằng cấp hơn là tay nghề, thêm nữa, tâm lý xã hội cũng quan trọng bằng cấp. Nhưng thực tế hiện nay, việc chọn nghề để học phải tùy ý thích từng người, khả năng, hoàn cảnh của họ mà chọn con đường đi. Học nghề cho giỏi, làm việc rồi sau đó học lên tiếp đại học cũng là thành công, trải nghiệm, kinh nghiệm nhiều hơn cho mình.
“Tôi có lời khuyên nhỏ là các bạn trẻ có thể la cà, vui chơi nhưng phải có mục tiêu riêng cho bản thân và phải hướng về mục tiêu đó mà cố gắng. Ngoài ra, phải biết nắm bắt cơ hội, chấp nhận thử thách để rèn luyện bản thân tốt hơn. Còn về kỹ năng thì phải thực sự giỏi nếu muốn thành công”, Nguyễn Duy Thanh bày tỏ.
Thạch Thảo