Đại biểu tham quan trưng bày thiết bị công nghệ số sử dụng trong nông nghiệp và thủy sản.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được giới thiệu về hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ 4.0 và thiết bị thông minh vào quản lý, canh tác và truy xuất nguồn gốc trong chuỗi giá trị bưởi da xanh Bến Tre (Dự án MPTF Bến Tre). Đây là dự án do Quỹ Quốc tế về phát triển nông nghiệp (IFAD) và Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tài trợ, triển khai trên địa bàn tỉnh Bến Tre, nhằm tạo ra một mô hình chuỗi giá trị bưởi da xanh chú trọng đổi mới và nâng cao ứng dụng kỹ thuật số tập trung vào phụ nữ và thanh niên tỉnh Bến Tre. Qua đó góp phần nâng cao thu nhập và nâng cao vị thế xã hội cho phụ nữ và thanh niên nông thôn trong chuỗi giá trị bưởi da xanh. Dự án hỗ trợ các nội dung số hóa từ canh tác, kinh doanh, quản lý đến tiêu thụ sản phẩm bưởi da xanh như: đầu tư hệ thống thiết bị vật tư thông minh trong canh tác (quan trắc nước, tưới tiêu, phân bón, giám sát theo dõi sâu bệnh hại), thiết lập đầu tư phân hệ phần mềm thiết lập và quản lý tự động việc cấp mã số vùng trồng, phần mềm quản lý và thiết lập mã số cơ sở đóng gói, hỗ trợ người tiêu dùng quét mã QR sản phẩm để truy xuất nguồn gốc sản phẩm...
Hội thảo cũng đã giới thiệu chương trình ứng dụng hệ sinh thái nông nghiệp số kết hợp ứng dụng di động giúp quản lý nông nghiệp số và phát triển kinh tế nông nghiệp số với một số sản phẩm của Công ty cổ phần Rynan Tecnologies Việt Nam như: mạng lưới giám sát sâu rầy thông minh, mạng lưới quan trắc nước thông minh, nuôi tôm giàu oxy công nghệ số, ứng dụng viễn thám trong quản lý nông nghiệp. Đại biểu ngành nông nghiệp Trà Vinh và Đồng Tháp cũng đã có các tham luận về thực trạng và giải pháp chuyển đổi số ngành nông nghiệp địa phương.
Chiến lược phát triển ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu xây dựng vùng nông nghiệp thông minh ứng dụng công nghệ cao phù hợp với cây trồng, vật nuôi có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Theo đó, thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ mà ngành nông nghiệp rất quan tâm thực hiện nhằm số hóa toàn diện trong nông nghiệp và nâng cao năng lực trong quản lý điều hành của cơ quan nhà nước. Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa quy trình sản xuất, kinh doanh, quản ý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm. Đồng thời xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, diêm nghiệp cũng như sử dụng công nghệ số để quan trắc, dự báo các yếu tố thời tiết, tự nhiên, sâu bệnh, nâng cao hiệu quả canh tác, sản xuất nông nghiệp.
Tin, ảnh: Thanh Đồng