Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2015

28/04/2015 - 16:45

Nhiều quy định mới liên quan đến quyền lợi người lao động như: việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội, tuyển dụng công chức… sẽ bắt đầu có hiệu lực kể từ tháng 5/2015. 

Hỗ trợ duy trì việc làm cho người lao động 

Theo Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp, người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động với mức hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học nhưng không quá 6 tháng. 

Cùng với đó, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp làm việc theo hợp đồng đúng quy định khi bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc sẽ được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí thông qua trung tâm dịch vụ việc làm; hỗ trợ học nghề khi đáp ứng đủ các điều kiện... 

Nghị định có hiệu lực thi hành từ 1/5/2015. 

Thí điểm giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội 

Theo Quyết định 08/2015/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 9/3/2015 về thí điểm về giao dịch điện tử trong việc thực hiện thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) , bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và đề nghị cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế, Theo đó, các đơn vị có thể đăng ký qua Cổng thông tin của BHXH Việt Nam và qua Tổ chức cung cấp dịch vụ giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH (I-VAN). 

Cũng theo quy định, đơn vị có thể đăng ký thay đổi, bổ sung thông tin tờ khai đăng ký sử dụng phương tích giao dịch điện tử. Trường hợp thay đổi, bổ sung thông tin trên Tờ khai đăng ký sử dụng dịch vụ I-VAN, đơn vị truy cập vào tài khoản giao dịch BHXH điện tử của mình để lập và gửi Tờ khai thay đổi, bổ sung thông tin đăng ký sử dụng dịch vụ I-VAN. 

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2015. 

Tổ chức hành nghề công chứng phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên 

Có hiệu lực từ ngày 1/5/2015, Nghị định 29/2015/NĐ-CP ngày 15/3/2015 gồm 5 chương, 34 điều, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng về chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng; hợp nhất, sáp nhập, chuyển nhượng Văn phòng công chứng; chính sách ưu đãi đối với Văn phòng công chứng thành lập tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; điều kiện về trụ sở của Văn phòng công chứng;... 

Theo Nghị định, tổ chức hành nghề công chứng phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên của tổ chức mình. Doanh nghiệp bảo hiểm và tổ chức hành nghề công chứng được thỏa thuận mức phí bảo hiểm, nhưng không được thấp hơn 3 triệu đồng/năm/công chứng viên. 

Quy định mới về tuyển dụng công chức 

Ngày 10/3/2015, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 03/2015/TT-BNV về việc sửa đổi, bổ sung Điều 9 Thông tư số 13/2010/TT-BNV ngày 30/12/2010 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết một số điều về tuyển dụng và nâng ngạch công chức của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức. 

Thông tư 03/2015/TT-BNV bổ sung Khoản 4, Điều 9 Thông tư số 13/2010/TT-BNV như sau: "Sau khi nhận đủ hồ sơ của người trúng tuyển, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức có trách nhiệm thẩm tra, xác minh văn bằng, chứng chỉ của người trúng tuyển đảm bảo chính xác theo quy định của pháp luật". 

Thông tư nêu rõ về quyết định tuyển dụng và nhận việc, trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có quyết định phê duyệt kết quả tuyển dụng của cơ quan quản lý công chức, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức phải gửi thông báo công nhận kết quả trúng tuyển bằng văn bản tới người dự tuyển theo địa chỉ mà người dự tuyển đã đăng ký. 

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/5/2015. 

Quy định việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia 

Nghị định 31/2015/NĐ-CP ngày 24/3/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia gồm 5 chương, 38 điều, quy định chi tiết thi hành Khoản 4 Điều 31 và Khoản 2 Điều 35 của Luật Việc làm về điều kiện, tổ chức và hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia và danh mục công việc ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn sức khỏe của cá nhân người lao động hoặc cộng đồng phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. 

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/5/2015. 

Không được yêu cầu bổ sung hồ sơ thủ tục hành chính quá một lần 

Có hiệu lực thi hành từ ngày 15/5/2015, Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương quy định cụ thể về cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông và quy trình thực hiện; bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; các nguyên tắc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông; cơ quan áp dụng cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông.
 

Bảo đảm giải quyết công việc tại một cửa, một cửa liên thông nhanh chóng, 
thuận tiện cho cá nhân, tổ chức. (Ảnh: TH).


Theo đó, các nguyên tắc thực hiện cơ chế Bảo đảm giải quyết công việc nhanh chóng, thuận tiện cho cá nhân, tổ chức gồm: Niêm yết công khai, đầy đủ, kịp thời các thủ tục hành chính tại Quyết định công bố thủ tục hành chính của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) theo quy định. 

Bảo đảm giải quyết công việc nhanh chóng, thuận tiện cho cá nhân, tổ chức; việc yêu cầu bổ sung hồ sơ chỉ được thực hiện không quá một lần trong suốt quá trình giải quyết hồ sơ tại một cơ quan chuyên môn. Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hành chính nhà nước trong giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức. Việc thu phí, lệ phí của cá nhân, tổ chức được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật… 

Kết luận thanh tra phải được thực hiện nghiêm, có theo dõi, kiểm tra 

Ngày 27/3/2015, Chính phủ ban hành Nghị định 33/2015/NĐ-CP quy định việc thực hiện kết luận thanh tra. 

Nghị định này áp dụng đối với: Cơ quan quản lý nhà nước; thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước; Cơ quan thanh tra nhà nước; thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước; cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; Đối tượng thanh tra; người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện kết luận thanh tra. 

Theo đó, kết luận thanh tra phải được đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm chỉnh; đồng thời phải được cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện. 

Các sai phạm được xác định cụ thể, rõ ràng trong kết luận thanh tra phải được xử lý nhanh chóng, nghiêm minh; các kiến nghị, yêu cầu trong kết luận thanh tra phải được xem xét, xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật. 

Nghị định có hiệu lực thi hành từ 15/5/2015./.

Theo ĐCSVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN