Chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết

26/06/2020 - 07:58

BDK - Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm 2020 đến ngày 24-6-2020, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh tăng 7% so với cùng kỳ năm 2019, hiện chưa có trường hợp tử vong. Phóng viên Báo Đồng Khởi có cuộc trao đổi với BS.CKII Nguyễn Hữu Định - Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh về tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống của ngành y tế nhằm hạn chế sự lây lan các ổ dịch trong cộng đồng.

Lực lượng thanh niên TP. Bến Tre diệt lăng quăng phòng chống sốt xuất huyết. Ảnh: Phan Hân

Lực lượng thanh niên TP. Bến Tre diệt lăng quăng phòng chống sốt xuất huyết. Ảnh: Phan Hân

* Phóng viên: Xin bác sĩ cho biết tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh?

- BS. CKII Nguyễn Hữu Định: Tại tỉnh, SXH là dịch bệnh lưu hành địa phương, đã trải qua những trận dịch lớn gần đây vào năm 2004 và trong năm 2007 với hơn 10 ngàn trường hợp mắc. Hiện nay, bệnh SXH xảy ra 9/9 huyện, thành phố, so với năm 2019, bệnh tăng khoảng 50 ca. Các huyện: Thạnh Phú, Bình Đại, Ba Tri, Chợ Lách, TP. Bến Tre có số ca mắc cao. Tỉnh đang bước vào cao điểm của mùa dịch SXH.

Theo dự báo, năm 2020, nguy cơ dịch SXH bùng phát cao, do vào chu kỳ dịch, sự chuyển tuýp của vi-rút Dengue (gây bệnh SXH); sự thay đổi về dịch tễ liên quan đến thời tiết thay đổi bất thường và di chuyển biến động dân cư (người mắc SXH ở địa phương này di chuyển địa bàn khác sẽ là nguồn lây bệnh). Đặc biệt, vào mùa mưa - môi trường thuận lợi cho muỗi vằn, véc-tơ truyền bệnh SXH đẻ trứng, phát triển và gây bệnh. Thực tế ghi nhận, số ca mắc đang gia tăng trong những tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh có 700 trường hợp mắc SXH.

* Ngành y tế triển khai công tác phòng chống dịch như thế nào?

- Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch phòng chống bệnh truyền nhiễm 2020. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tham mưu cho Sở Y tế ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác phòng chống SXH. Riêng tại đơn vị ban hành nhiều văn bản hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật để trung tâm các huyện, thành phố dựa vào các văn bản chỉ đạo để triển khai tốt. Bộ phận chuyên môn triển khai giám sát tình hình dịch bệnh rất chặt chẽ, chủ động 100% các ổ dịch được xử lý kịp thời trong vòng 24 giờ.

Đơn vị đã tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng, phun hóa chất diện rộng để làm giảm đến mức thấp nhất các chỉ số muỗi và lăng quăng. Tại các địa bàn nguy cơ, lực lượng tiến hành phun 2 - 3 lần. Đồng thời, duy trì mạng lưới cộng tác viên ở các xã, phường trọng điểm về SXH với mục tiêu phát hiện sớm, xử lý kịp thời không để dịch lan rộng. Tổ chức triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường trên địa bàn toàn tỉnh và tổ chức các hoạt động truyền thông, tuyên truyền bằng hình thức trực tiếp tại hộ gia đình để người dân hiểu được cách phòng chống bệnh SXH.

* Đâu là những khó khăn cần quan tâm?

-  Có nhiều khó khăn trong phòng chống SXH, trong đó có một yếu tố quan trọng là tồn tại môi trường sinh sản của muỗi. Trong phòng chống SXH, điều quan trọng là phải kiểm soát các loại muỗi truyền vi-rút gây SXH. Để làm được điều đó, cần loại trừ được môi trường nơi muỗi đẻ trứng và lăng quăng phát triển trước khi trưởng thành.

Chủ động loại bỏ, lật úp vật dụng chứa nước tồn đọng để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: Phan Hân

Chủ động loại bỏ, lật úp vật dụng chứa nước tồn đọng để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: Phan Hân

Khác với muỗi truyền bệnh sốt rét, muỗi truyền bệnh SXH đẻ trứng trong những dụng cụ chứa nước nhỏ trong các hộ gia đình. Nếu không có những nỗ lực của từng hộ gia đình trong việc loại trừ môi trường đẻ trứng của muỗi sẽ không thể ngăn chặn một cách hiệu quả bệnh SXH. Qua thực tế các lần triển khai công tác phòng chống SXH tại cộng đồng, một bộ phận người dân còn rất chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống bệnh; chưa hợp tác tốt với lực lượng y tế để triển khai diệt lăng quăng cũng như việc tổng vệ sinh môi trường. Một số địa phương chưa thật sự quyết tâm, quyết liệt trong công tác phòng chống bệnh SXH...

* Những lưu ý trong công tác phòng chống bệnh SXH?

-  Ngành y tế tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh để có phương án can thiệp không để dịch bùng phát diện rộng; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn về phòng chống dịch. Cụ thể, tiếp tục tổ chức triển khai tuyên truyền, giám sát phát hiện sớm và xử lý kịp thời ổ dịch; hướng dẫn kiểm tra, giám sát chuyên môn, kỹ thuật; đảm bảo cung ứng đầy đủ trang thiết bị, vật tư, hóa chất... Triển khai tích cực các hoạt động phòng chống dịch trong trường học; tuyên truyền cho học sinh, sinh viên các biện pháp phòng bệnh SXH; tổ chức các đợt tổng vệ sinh môi trường tại các trường học.

Từng địa phương cần chủ động triển khai tích cực và hiệu quả kế hoạch phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2020 của UBND tỉnh. Kiên quyết xử phạt đối với những cá nhân, tập thể không hợp tác, không chấp hành các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh SXH; thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác triển khai các hoạt động phòng chống dịch tại địa phương.

Mỗi cá nhân chủ động thực hiện các biện pháp: diệt muỗi, diệt lăng quăng, dọn dẹp nhà cửa thường xuyên; ngủ mùng kể cả ban ngày, mặc áo quần dài, hoặc thoa thuốc tránh muỗi đốt để tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình. Mỗi hành động nhỏ của từng hộ gia đình như: tự giác súc rửa lu, bình bông, đậy kín các lu khạp chứa nước, lật úp các vật dụng phế thải có thể đọng nước mưa không để cho muỗi vào đẻ trứng, hoặc nuôi cá bảy màu để diệt lăng quăng… đều có ý nghĩa rất lớn trong công tác phòng chống SXH.

* Xin cảm ơn bác sĩ!

“SXH là bệnh nhiễm vi-rút cấp tính do vi-rút Dengue gây ra. Tốc độ lan truyền của bệnh rất nhanh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng ngừa còn đang thử nghiệm. Bệnh có thể gây ra biến chứng trên nhiều cơ quan trong cơ thể và gây tử vong nếu bệnh nặng có biến chứng nhưng không được phát hiện, điều trị kịp thời. Một người có thể bị mắc SXH nhiều lần trong đời và những lần sau nguy hiểm hơn những lần trước”.  

(BS. CKII Nguyễn Hữu Định - Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)

Phan Hân (thực hiện) 

 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN