Chủ động tiêm vắc-xin phòng chống bệnh sởi

10/07/2024 - 05:50

BDK - Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do vi-rút sởi gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm phòng sởi hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được đủ liều. Để phòng bệnh sởi, người dân cần chủ động đưa trẻ tiêm ngừa vắc-xin sởi đầy đủ.

Tiêm vắc-xin là biện pháp phòng bệnh sởi hữu hiệu nhất.

Tỷ lệ tiêm vắc-xin sởi đạt 81%

Theo báo cáo của Sở Y tế, từ đầu năm đến ngày 30-6-2024, toàn tỉnh đã ghi nhận 33 ca bệnh sởi. Trong đó, có 1 ca tử vong có bệnh nền (viêm phổi nặng, thông liên thất, bệnh cơ tim xốp). Các ca mắc có độ tuổi từ 3 tháng đến 32 tuổi. Trên 90% trường hợp trẻ em mắc bệnh sởi chưa được tiêm vắc-xin sởi. Bệnh được ghi nhận rải rác ở 9 huyện, thành phố. Theo dự báo bệnh sởi có nguy cơ bùng phát do ảnh hưởng của việc gián đoạn cung ứng vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng dẫn đến nhiều trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch, đủ liều.

Để tích cực phòng chống bệnh sởi, thời gian qua, cao điểm tháng 5 và tháng 6-2024, ngành y tế tỉnh đã tăng cường hoạt động tiêm vét, tiêm bù cho các bé chưa được tiêm vắc-xin sởi đúng lịch, đúng liều. Qua 2 đợt tổng triển khai tại 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có 81% trong độ tuổi được tiêm bù, tiêm vét vắc-xin sởi.

Bác sĩ Trần Hưng Nam - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh cho biết: Chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh sởi trong cộng đồng khi tỷ lệ tiêm phòng sởi ở trẻ em đạt được trên 95%.

Theo thông tin từ trạm y tế xã, các trường hợp chưa tiêm phòng vắc-xin sởi do bị hoãn tiêm do bệnh hoặc do vừa tiêm một loại vắc-xin phòng bệnh khác. Một số khác do tiêm dịch vụ nên đợi đến khi bé đủ 1 tuổi mới tiêm ngừa. Sắp tới, vắc-xin sởi sẽ tiếp tục triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng, người dân được tiêm ngừa miễn phí theo lịch tiêm chủng cố định tại các trạm y tế trong toàn tỉnh.

Để chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh cho trẻ, người dân nên đưa trẻ trong độ tuổi đến trạm y tế địa phương vào các ngày 25 và 26 hàng tháng để được các bác sĩ tư vấn, tiêm phòng theo quy định. Vắc-xin sởi, rubella được tiêm chủng miễn phí để phòng bệnh cho trẻ trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại các trạm y tế. Lịch tiêm chủng tiêm vắc-xin sởi lúc trẻ 9 tháng tuổi, tiêm vắc-xin sởi - rubella (MR) khi đủ 18 tháng tuổi.

phòng bệnh hiệu quả

Bệnh sởi chủ yếu lây truyền bằng đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết của mũi họng bệnh nhân. Đôi khi có thể lây gián tiếp qua những đồ vật mới bị nhiễm các chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân. Bệnh có tính lây truyền cao. Tất cả những người chưa bị mắc bệnh sởi hoặc chưa được tiêm chủng đầy đủ vắc-xin sởi khi tiếp xúc với mầm bệnh đều có khả năng mắc bệnh sởi.

Theo bác sĩ Trần Hưng Nam, giai đoạn ủ bệnh sởi thường kéo dài khoảng 2 - 3 tuần. Giai đoạn này thường không có triệu chứng rõ ràng nên dễ bị nhầm với nhiều loại bệnh lý thông thường khác. Đến khi bệnh khởi phát thường có những triệu chứng như: sốt, ho, chảy nước mũi, viêm kết mạc, nổi hạch (cổ, sau tai), sưng đau khớp. Sau đó, phát ban da theo thứ tự sau tai rồi đến mặt, ngực, lưng, tay, bụng, chân. Có khoảng 40% các trường hợp bệnh nhân bị biến chứng do sởi. Các trường hợp biến chứng thường phổ biến hơn ở bệnh nhi dưới 5 tuổi, đối tượng bị suy dinh dưỡng hoặc có hệ miễn dịch yếu. Trong đó, những bệnh nhi dưới 5 tuổi có tỷ lệ tử vong khá cao.

Có các biến chứng nguy hiểm như: viêm tai giữa cấp, viêm phổi nặng, viêm não, tiêu chảy, bị mờ hoặc loét giác mạc, nhiều trường hợp có thể bị mù vĩnh viễn, bị suy dinh dưỡng nặng đối với các trường hợp bệnh nhi hậu nhiễm sởi, có thể tác động xấu đến sức khỏe cũng như quá trình phát triển của các bé. Phụ nữ có thai mắc sởi có nguy cơ bị sẩy thai, trẻ bị sinh non hoặc em bé sơ sinh có nguy cơ nhẹ cân hơn thông thường.

Thông tin về biện pháp phòng bệnh sởi, bác sĩ Trần Hưng Nam khẳng định: “Tiêm vắc-xin sởi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Trẻ em cần được tiêm 2 mũi. Mũi thứ nhất được tiêm khi trẻ 9 tháng tuổi. Mũi thứ hai được tiêm khi trẻ 18 tháng tuổi. Cùng với tiêm vắc-xin, cần lưu ý vệ sinh cá nhân và môi trường sống thật sạch sẽ, luôn rửa tay bằng xà phòng sau trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Vệ sinh mũi, họng với dung dịch chuyên dụng hoặc nước muối sinh lý thường xuyên để loại trừ vi khuẩn. Hạn chế đến những nơi đông người khi đến mùa sởi để tránh nguy cơ bị lây nhiễm chéo. Không tiếp xúc gần với những người đang mắc bệnh hoặc có dấu hiệu bị sởi”.

“Khi mắc bệnh sởi, trẻ em cần được tăng cường dinh dưỡng đầy đủ để phòng suy dinh dưỡng. Quan tâm vệ sinh răng miệng, vệ sinh cá nhân cho trẻ để tránh mắc bệnh kèm theo do suy giảm miễn dịch như viêm phổi, tiêu chảy... Trẻ mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh sởi phải được cách ly, nghỉ học và không đến nơi tập trung đông người để tránh lây lan trong cộng đồng. Cha mẹ và người chăm sóc nên chú ý đưa trẻ đến bệnh viện khi trẻ có sốt phát ban và kèm theo ho, chảy nước mũi”.

(Bác sĩ Trần Hưng Nam - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN