Chủ tịch Hồ Chí Minh - một tấm gương trọn đời vì dân, vì nước

17/05/2017 - 07:55

Bác Hồ với thiếu nhi Việt Bắc. Ảnh tư liệu

Tấm gương trọn đời vì dân, vì nước

Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra, lớn lên trong một gia đình nhà Nho, ở xứ Nghệ, cũng là quê hương nhà cách mạng Phan Bội Châu. Sinh ra ở một vùng quê nghèo khổ nhưng giàu truyền thống yêu nước, văn hiến, Hồ Chí Minh được nuôi dưỡng, thấm nhuần sâu sắc triết lý sống của cha ông: Muốn dựng làng và giữ nước phải bắt đầu từ việc làm người một cách thành thật, đúng nghĩa. 

Từ rất sớm, Người đã bộc lộ một tính cách lớn: Sống có lý tưởng, có hoài bão lớn và trung kiên. Ngay từ thuở nhỏ, Hồ Chí Minh đã có ý thức gắn vận mệnh cá nhân mình với vận mệnh chung của đồng bào, đất nước, luôn đau đáu một nỗi niềm: trước cảnh mất nước, nhà tan, đồng bào lầm than, đói khổ. Đấy chính là những biểu hiện ban đầu của một nhân cách lớn, một trí thức chân chính: luôn luôn trăn trở, đau đớn trước nỗi nhục mất nước, đồng bào nô lệ, lầm than, suy nghĩ về những vấn đề liên quan đến số phận con người và các giá trị làm người. Chính vì được sinh ra trong một gia đình, quê hương giàu truyền thống yêu nước và văn hiến là yếu tố quan trọng đã hình thành nên một Hồ Chí Minh mang nhân cách vĩ đại, giàu lòng yêu nước, thương dân, nhất là những người nghèo khổ, giúp Người thấu hiểu được sức mạnh của ý chí tự cường, tinh thần tự tôn dân tộc.

Hồ Chí Minh luôn tâm niệm: Độc lập cho Tổ quốc tôi, tự do cho đồng bào tôi, đó là tất cả những gì tôi muốn, đó là tất cả những gì tôi hiểu. Mang khát khao, hoài bão lớn đó, Bác Hồ quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước. Yêu nước, thương dân, tất cả vì dân, vì nước là suy nghĩ thường trực, nhất quán trong con người Hồ Chí Minh. Người đi sang Pháp, sang các nước phương Tây nhằm mục đích học hỏi xem bên ngoài người ta làm thế nào để rồi về nước giúp đồng bào mình giải phóng khỏi gông cùm nô lệ, áp bức. Và Hồ Chí Minh đấu tranh không ngừng, không nghỉ, thậm chí phải hy sinh bằng mọi giá giành được độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào. Chính lòng yêu nước, thương dân của Bác mới là động lực vĩ đại để làm nên sự nghiệp cách mạng phi thường của Người.

Ba mươi năm, với biết bao phong ba, bão táp đã không ngăn nổi, không làm chùn ý chí của con người yêu nước, thương dân vô bờ bến. Hai lần ngồi tù, một lần mang án tử hình vắng mặt, 25 năm hoạt động bí mật, lúc ở châu Âu, khi về châu Á. Phải làm những việc mà một người có chút trí thức không bao giờ làm: Bồi tàu, quét tuyết, rửa chén, xúc than, bồi bàn, bán báo… Bác làm mọi nghề để sống để tìm đường cứu nước, cứu dân. Rồi bao nỗi đau về tinh thần, những giày vò về tình cảm gia đình, một người bình thường không thể vượt qua nổi, mà Bác Hồ chúng ta trong thời gian dài phải chịu đựng tất cả. Có lúc bị Quốc tế Cộng sản nghi kỵ, vô hiệu hóa không cho hoạt động. Nhờ đâu mà Bác vượt qua được - đó là Bác có một lý tưởng chính trị, nhưng quan trọng hơn đó là đạo đức, nguyện một đời vì nước, vì dân. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Hồ Chí Minh phát biểu mục đích cuộc sống mà Người đeo đuổi là: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Điểm nổi bật ở Hồ Chí Minh, chúng ta thấy xuyên suốt trong tư tưởng của người là yêu nước phải gắn liền với yêu dân, yêu đồng bào. Không thể nói yêu nước là lại không thương dân, không lấy nguyện vọng, mong muốn, nhu cầu của dân làm nguyện vọng, ham muốn của mình, mà đã thương dân thì phải đem hết sức mình để lo cho dân. Là lãnh tụ của dân tộc, là người đứng đầu Đảng và Nhà nước, Hồ Chí Minh nhận thức rất rõ trách nhiệm của cá nhân là lo cho dân, cho nước từ những việc lớn đến việc nhỏ: từ việc tìm đường cứu nước, bảo vệ, đấu tranh thống nhất đất nước, xây dựng, phát triển mọi mặt xã hội, để thỏa mãn các nhu cầu thiết yếu nhất của dân, để mọi người đều có cơm ăn, áo mặc, có chỗ ở, được học hành, có điều kiện khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe. Bác từng nói: Người xưa nói: quan là công bộc của dân, ta có thể nói: Các công việc của Chính phủ phải làm nhằm vào mục đích duy nhất là mưu cầu hạnh phúc cho mọi người. Cho nên, Chính phủ, nhân dân bao giờ cũng đặt lợi ích nhân dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm, việc gì có hại cho dân thì tránh. “Chúng ta yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”. Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu, cởi cổ dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Nhật, Pháp.

Là người đứng đầu Chính phủ, Người luôn thể hiện tấm gương là công bộc của dân, và yêu cầu tất cả cán bộ trong bộ máy từ trung ương đến cơ sở phải thật sự là công bộc của dân, yêu dân, kính dân. Trong suốt cuộc đời mình, Hồ Chí Minh luôn day dứt với một suy nghĩ: Người chưa làm tròn nghĩa vụ cách mạng với dân, với nước. Vì thế, Hồ Chí Minh từ chối mọi danh hiệu, phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước, nhân dân, bạn bè quốc tế dành riêng cho Người.

Tự nhận là công bộc của dân, Hồ Chí Minh dồn hết tâm lực, trí tuệ cùng Đảng và Chính phủ lãnh đạo nhân dân xây dựng, phát triển đất nước, làm cho Việt Nam trở nên giàu mạnh, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu. Trong Di chúc, Người viết: “VỀ VIỆC RIÊNG - suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Một con người khi sống trọn cuộc đời chỉ có một ham muốn, ham muốn đến tột bật là làm cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Đến khi sắp lìa khỏi cõi đời chỉ có một điều tiếc là tiếc rằng không được phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Và mong muốn cuối cùng của Người là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Nghiên cứu toàn bộ các tác phẩm của Người và hành động của Người, chúng ta thấy: Đối với Hồ Chí Minh, phạm trù nhân dân là một phạm trù cao quý nhất, là một phạm trù chính trị chủ đạo trong học thuyết cách mạng của Người. Hồ Chí Minh đã nhìn thấy sức mạnh của nhân dân không chỉ đơn thuần là sức mạnh chính trị mà còn là chiều sâu của tư tưởng nhân văn: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Đó là một minh chứng điển hình về niềm tin vào sức mạnh của nhân dân. Người khẳng định, dân khí mạnh thì binh lính nào, súng ống nào cũng không địch nổi. Từ đó, Người quan niệm cái gì có lợi cho nhân dân, cho dân tộc là chân lý, và Người xem phục vụ nhân dân là phục tùng chân lý; làm công bộc cho dân là một việc làm cao thượng. Người tâm niệm: Nhà nước được độc lập mà dân không được hưởng tự do, dân vẫn cứ chết đói, chết rét thì độc lập ấy chẳng có nghĩa gì. Là công bộc, là đầy tớ của dân thì Đảng, Chính phủ và mỗi cán bộ phải chăm lo cho đời sống của nhân dân. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc, Hồ Chí Minh nêu rõ mục tiêu của Nhà nước là:

“1. Làm cho dân có ăn.

2. Làm cho dân có mặc.

3. Làm cho dân có chỗ ở.

4. Làm cho dân có học hành”.

Người còn nói “Chúng ta đã hy sinh phấn đấu để giành độc lập. Chúng ta đã tranh được rồi… Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”. Khi bàn về mục tiêu hoạt động của Đảng, Hồ Chí Minh khẳng định Đảng không có mục tiêu nào khác là đem lại lợi ích cho dân. Để thực hiện được mục tiêu đó, Đảng phải thu phục, chinh phục được nhân dân, muốn vậy, Đảng phải làm tròn trách nhiệm là người đầy tớ của nhân dân. Người đã viết thật sâu sắc: Người xưa nói: quan là công bộc của dân, ta cũng có thể nói: Chính phủ là công bộc của dân vậy: Các công việc Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là đem lại tự do hạnh phúc cho mọi người. Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy”. Người nói: “Làm Chủ tịch nước mệt lắm. Trăm việc đều phải lo. Trời mưa, trời nắng, gió bão…, chưa ai lo, mình đã phải lo. Các cháu choẹt mắt, chưa ai lo, mình đã phải lo”. Người căn dặn và giáo dục nhận thức cho cán bộ, đảng viên rằng, cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc đều do mồ hôi, nước mắt của dân mà ra, nên chúng ta phải đền bù xứng đáng cho dân. Bác yêu cầu cán bộ, đảng viên phải xông xáo, nhiệt tình sâu sát nhân dân, gương mẫu và dám chịu trách nhiệm trước dân cả về lời nói và việc làm; phải luôn quyết tâm, bền bỉ, chịu đựng gian khổ, quan tâm và tìm mọi cách giải quyết kịp thời, hiệu quả những nhu cầu mà dân đặt ra, kể cả chấp nhận sự hy sinh để bảo vệ dân, phấn đấu vì sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Trong thực tế suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, những gì Bác nói, những gì Bác viết, những gì Bác đã hành động suốt cuộc đời từ lúc đi tìm đường cứu nước cho đến khi làm lãnh đạo tối cao của Đảng, Chính phủ, của dân tộc, Bác đã thể hiện một nhân cách lớn, một tấm gương trọn vẹn trong cuộc đời vì nước, vì dân, làm tròn trách nhiệm là công bộc của nhân dân.

Đời tư trong sáng, cuộc sống giản dị và khiêm tốn hết mực

Tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh được thể hiện trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, đó là đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị và đức khiêm tốn hết mực. Người coi khinh sự xa hoa để sống một cuộc đời trong sạch, suốt đời thực hành cần, kiệm, liêm, chính một cách cần mẫn.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất sôi nổi và oanh liệt, tiếng thơm vang dội khắp năm châu bốn bể. Bác là vị lãnh đạo tối cao của Đảng, Chính phủ, của dân tộc, được cán bộ, đảng viên và cả dân tộc tôn vinh, kính mến, nhưng đời sống của Cụ rất bình thường, vô cùng giản dị, khiêm tốn. Tính giản dị, khiêm tốn của Bác được ca ngợi hết lời. Giản dị là đức tính tự nhiên của Bác Hồ. Người giản dị thì có nhiều; nhưng lại có ít, rất ít người đã đạt tới thành công to lớn nhất trong sự nghiệp xã hội và cá nhân, đã đạt tới đỉnh của sự vinh quang cả trong nước và thế giới mà tính giản dị tự nhiên vẫn không thay đổi.

Suốt 79 mùa xuân, suốt 60 năm hoạt động đều như vậy. Trong mấy chục năm đầu giản dị là bản tính, mấy chục năm sau tính giản dị của Bác có nhằm mục đích giáo dục và làm gương cho cán bộ, đảng viên. Khi Bác mất, một tờ báo Pháp viết: “Vinh quang đến tột đỉnh, nhưng con người vẫn như trước kia, nghĩa là vẫn ghét xa hoa hào nhoáng, vẫn giản dị về ăn mặc, sinh hoạt. Khi Cụ đã cho các em học sinh vuốt râu mình, lúc Cụ đến thăm trường, hoặc như Cụ đi đôi dép cao su, thì đều không có chút gì mà là mị dân hoặc giả tạo cả”. Còn báo Anh viết: “Cụ Hồ xem khinh mọi vinh hoa và quyền cao chức trọng. Cụ sống không phải trong Chủ tịch phủ mà trong một căn nhà nhỏ bây giờ. Cụ mặc bộ quần áo kaki bạc màu, đi đôi dép cao su. Đây không phải là hình ảnh nhằm phục vụ mục đích tuyên truyền hay chính trị; Cụ không phải là con người như vậy”.

Bác Hồ và cán bộ. (Ảnh: tư liệu)

Tính giản dị của Bác, những đồng chí gần gũi Bác, những anh em nhiều năm bảo vệ, phục vụ, kể rất nhiều. Về ăn “Bữa cơm của Bác thanh đạm lắm. Cá kho khô, canh cua đồng, điểm chút rau thơm, rau ghém, quả ớt đỏ, cơm nóng dẻo là được rồi. Nếu đổi món thì rau muống luộc cho xanh, cho mềm, trứng luộc vừa chín lòng đỏ, thêm mấy quả cà pháo muối kiểu xứ Nghệ là được rồi”. Về mặc, về ở thì chúng ta đã biết rồi, trong cách ăn, cách ở, cách mặc của Bác đều rất giản dị, chính trong sự giản dị ấy đã toát lên cái vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ tịch Chính phủ Chilê, khi đến thăm nơi ở, làm việc của Bác, phải thốt lên: “không bao giờ chúng tôi thấy sự giản dị và sự vĩ đại đi liền với nhau như vậy”. Khó kiếm thấy một người công lao to lớn đã đạt được sự cao nhất của vinh quang mà vẫn giữ tính khiêm tốn, giản dị y như thuở hàn vi hoạt động trong vòng vây dày đặc của kẻ thù. Đời tư của Bác thật giản dị, khiêm tốn, trong sáng như pha lê; gương sáng chói ấy không có một hạt bụi nào có thể bám được.

Trong tác phẩm Đường Kách Mệnh (1925) - quyển sách vỡ lòng cho Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, trang đầu nói về tư cách người đảng viên cách mạng, Nguyễn Ái Quốc có ghi 12 điểm, mà điểm thứ nhất là “cần, kiệm”, điểm thứ 12 là “ít lòng ham muốn về vật chất”, điểm thứ 9 là “không hiếu danh, không kiêu ngạo”… Ba điểm đó đều thuộc tính giản dị cả. Người dạy làm sao thì chính bản thân Người làm gương như vậy. Hồ Chí Minh luôn luôn nói đi đôi với làm.

Trong hành trình tìm đường cứu nước, dù ở đâu, làm gì, Hồ Chí Minh chấp nhận mọi công việc, miễn là việc đó có lợi cho tổ chức, cho cách mạng. Người là tấm gương sáng về người lãnh đạo, người đứng đầu ở vị trí cao nhất nhưng luôn trung thành, tận tụy vì lợi ích của Tổ quốc và nhân dân, không mưu cầu lợi ích riêng cho cá nhân và gia đình. Người tâm sự khi phải giữ trọng trách Chủ tịch nước: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, không dính líu gì với vòng danh lợi”.

Tư tưởng và tấm gương “tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào” một lần nữa lại được Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố trước Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I (31-10-1946): “Lần này là lần thứ hai Quốc hội giao phó cho tôi phụ trách Chính phủ một lần nữa. Việt Nam chưa được độc lập, chưa được thống nhất thì bất kỳ Quốc hội ủy thác cho tôi hay cho ai cũng phải gắng mà làm. Tôi xin nhận. Giờ tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới rằng: Hồ Chí Minh không phải là kẻ tham quyền cố vị, mong được thăng quan phát tài”. Trong lời tuyên bố của Hồ Chí Minh, chúng ta chú ý rằng Người nhấn mạnh việc đảm nhận chức vụ trong một hoàn cảnh đất nước khó khăn, đầy gian khổ, hy sinh khi “Việt Nam chưa được độc lập, chưa được thống nhất”. Chức vụ đó là do Quốc hội (nhân dân) ủy thác thì phải gắng sức làm. Còn khi đồng bào đã cho lui thì lại vui vẻ trở về cuộc sống của một người dân bình thường. Có lẽ, Hồ Chí Minh là lãnh tụ duy nhất trên thế giới có nhiều đóng góp vĩ đại cho Tổ quốc mình, nhưng khi đi vào cõi vĩnh hằng trên ngực áo không hề có bất kỳ một tấm huân chương, huy chương nào.

Để thiết thực kỷ niệm 127 năm Ngày sinh của Người, mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân cần tích cực học tập, nghiên cứu và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách của Người bằng những hành động và việc làm cụ thể. Cụ thể là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; xây dựng tư tưởng tiến công, nâng cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, quyết tâm thực hiện thắng lợi năm hành động 2017 theo nghị quyết của Tỉnh ủy.

“Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù đày, xông pha sự hiểm nghèo, là vì mục đích đó. Đến lúc nhờ quốc dân đoàn kết, tranh được chính quyền, ủy thác cho tôi gánh việc Chính phủ, tôi lo lắng đêm ngày, nhẫn nhục cố gắng - cũng vì mục đích đó… Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ đeo đuổi một mục đích, làm cho ích nước, lợi dân”.

(HỒ CHÍ MINH  - trích bài nói chuyện với đồng bào trước khi sang thăm Pháp, ngày 30-5-1946

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN