Kết quả kiểm tra chưa phát hiện việc các cơ sở có hành vi mạo danh bệnh viện, mập mờ về chuyên môn. Đa số các cơ sở hoạt động dịch vụ thẩm mỹ chăm sóc da, xăm, phun, thêu sử dụng thuốc tê dạng thoa không xâm lấn. Tuy nhiên, có một số cơ sở quảng cáo trên mạng xã hội có nội dung mập mờ về chuyên môn.
Trước thực trạng này, Thanh tra Sở Y tế tiếp tục tăng cường nắm thông tin, phản ánh; phối hợp với cơ quan chức năng thành lập đoàn kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở spa thẩm mỹ thực hiện danh mục kỹ thuật vượt quá quy định cho phép hoặc không đủ điều kiện vẫn hoạt động “chui”. Qua đó, kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm.
Được biết, hiện tại Sở Y tế chưa tiếp nhận hồ sơ yêu cầu cấp phép hoạt động đối với các cơ sở có cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ theo quy định tại khoản 12, Điều 40 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30-12-2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 (dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người, phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác; dịch vụ xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm). Các cơ sở dịch vụ thẫm mỹ trên địa bàn tỉnh đăng ký kinh doanh với các dịch vụ không can thiệp xâm lấn.
Để ngăn chặn tình trạng các cơ sở spa, thẩm mỹ hoạt động trái phép, ảnh hưởng đến sức khoẻ của nhân dân, Sở Y tế chỉ đạo Phòng Nghiệp vụ Y, Thanh tra Sở tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho các cơ sở spa, thẩm mỹ, cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thực hiện nghiêm việc khám chữa bệnh theo đúng quy định. Sở Y tế tiếp tục phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tiến hành kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Phan Hân