Chưa thống kê nổi thất nghiệp do không quản LĐ tự do

20/03/2009 - 14:25

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân: Sắp tới sẽ có số liệu thống kê để báo cáo với Quốc hội.

Trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ QH sáng nay (20/3) về hai vấn đề nóng thất nghiệp và xà xẻo tiền Tết, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ -TB & XH) Nguyễn Thị Kim Ngân liên tục khẳng định rằng, khó thống kê số lao động mất việc, và hộ nghèo xét chưa chuẩn do lỗi của tỉnh.

"Không nên quá bi quan"

Con số lao động thất nghiệp ở Việt Nam đến nay bao nhiêu, chính sách cho người thất nghiệp... là băn khoăn mà các đại biểu QH đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân làm rõ.

Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Trương Thị Mai hỏi: “Cả nước có khoảng 46 triệu lao động nhưng Bộ mới chỉ có chính sách cho lao động làm việc trong doanh nghiệp. Đã có thống kê về tỷ lệ lao động thất nghiệp ở các khu vực lao động tự do như hợp tác xã, làng nghề... chưa? Bộ có đề xuất tham mưu gì với Chính phủ về chính sách, giải pháp?”.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH khẳng định: “Ta không quản lý được lao động tự do, nhất là lao động ở khu vực hơp tác xã, làng nghề”. Trong khi đó, lao động ở các khu công nghiệp cũng là lao động tự do, không đăng ký, đang làm việc ở khu công nghiệp này, mất việc, về quê nghỉ, sau đó lại đi tìm việc nơi khác.

Bà Ngân cho hay, không nên quá bi quan về chuyện lao động ở các làng nghề mất việc do thiếu đơn hàng. Bởi không làm nghề này, họ sẽ chuyển đổi sang nghề khác, hoặc quay về làm nghề nông.

Lao động tự do từ nông thôn cũng vậy. Nếu mất việc, quay về quê, không có việc làm và thu nhập thì đã được xếp vào thành phần hộ nghèo.

Chính tình trạng không có cơ sở dữ liệu chung về lao động quốc gia khiến ngay Bộ LĐ - TB & XH cũng không thể xác định nổi tỷ lệ lao động và con số tăng thêm hàng năm trong các thành phần kinh tế khác nhau. Cũng vì thế, theo Bộ trưởng, trong số 300 ngàn người mất việc năm nay, khó lòng thống kê rạch ròi ai tìm được việc làm mới, ai quay về nông thôn. Đưa ra một con số chính xác tỷ lệ lao động thất nghiệp trong từng khu vực kinh tế là rất khó.

Tuy nhiên, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ và chương trình phát triển kinh tế cho doanh nghiệp ngoài quốc doanh”, bà Ngân nói.

Theo báo cáo của 40 tỉnh, thành, đến hết tháng 1/2009 đã có trên 85.000 người mất việc, trên 40.000 người  bị cắt giảm việc làm và trên 20.000 người tạm nghỉ chờ việc. Tính đến 15/3, đã có 6.195 lao động ở nước ngoài phải về nước trước thời hạn.

Không hài  lòng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận “truy”: “Nắm lao động trong doanh nghiệp thì dễ còn lao động ngoài doanh nghiệp khó là vì sao?

Bà Ngân thanh minh: “Tôi không nói lao động tự do khó kiểm soát. Tôi chỉ nói là lao động khu vực nhà nước thì nắm rất dễ vì có thống kê, có sổ bảo hiểm”.

Bộ trưởng "chống chế",  nếu đại biểu muốn biết con số về lao động thất nghiệp ở các khu vực tự do, "may ra có thể thống kê được từ các làng nghề và từ hợp tác xã". Những khu vực khác chưa thể thống kê được.

Chính phủ đã cho phép Bộ lập trung tâm dự báo thị trường lao động để thống kê, nắm bắt và dự báo nhu cầu lao động, thống kê số lao động tăng thêm hàng năm. “Sắp tới sẽ có số liệu thống kê để báo cáo với Quốc hội", bà Ngân nói.

Chủ tịch tỉnh cũng phải chịu trách nhiệm

Trước đó, trả lời về vấn đề liên quan đến xà xẻo tiền Tết cho người nghèo, Bộ trưởng LĐ - TB & XH cũng nhiều lần khẳng định rằng, để xảy ra tình trạng thống kê số hộ nghèo chưa chính xác không phải vì Bộ chưa có hướng dẫn chuẩn nghèo mà vì địa phương xét tùy tiện. "Chủ tịch tỉnh cũng phải có trách nhiệm trong vấn đề này", bà Ngân nói.

Theo bà Ngân, việc xét duyệt tùy tiện đã dẫn đến những sai phạm như chia sai đối tượng, chia đều, kiện cáo... Có hộ cận nghèo vì muốn có thẻ khám chữa bệnh cũng "năn nỉ" xin chứng nhận hộ nghèo, nhưng khi chia tiền Tết họ không dám nhận. Ngược lại, theo bà Ngân, nhiều gia đình vừa xây được nhà 2 tầng, lại vừa có sổ nghèo.

"Tùy tiện như vậy dù Bộ có tăng cường quản lý, rà soát đến đâu cũng không bằng chính quyền địa phương, HĐND và đoàn ĐBQH từng nơi phải rà soát. Từng xã, từng tỉnh làm nghiêm thì mới có con số đúng", bà Ngân cho hay.

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh: "Việc dự toán 2.500 tỷ cho 2,4 triệu hộ nghèo là căn cứ vào danh sách các tỉnh đưa lên. Nếu trong trường hợp thống kê hộ nghèo chuẩn xác thì chỉ cần đưa tiền xuống. Nhưng do thống kê danh sách hộ nghèo gặp vấn đề nên đưa tiền xuống không còn chuẩn".
"Sắp tới làm thế nào xác định đúng tiêu chí hộ nghèo để không tiếp tục sai sót?", bà Lê Thi Dung (An Giang) hỏi.

Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng QH Nguyễn Minh Thuyết cũng đề nghị bà Ngân làm rõ trách nhiệm của Bộ LĐ - TB & XH trong việc tham mưu quá gấp gáp, trong chỉ đạo rà soát sai phạm.

"Không thể rà soát hết tất cả nhưng chỉ cần làm điểm vài nơi và xử lý nghiêm. Bộ mới chỉ báo cáo sai phạm chung chung. Vậy việc xử lý kỷ luật đã lên đến cấp nào? nếu chỉ thôn là không được? Mức kỷ luật cao nhất là gì?", ông Thuyết hỏi.

Bà Ngân tiếp tục khẳng định, sai sót vẫn là do các tỉnh làm tùy tiện chứ không phải do Bộ chưa có tiêu chí hướng dẫn vì không phải tỉnh nào cũng sai phạm. "Chúng tôi có trách nhiệm trong việc chưa rà soát hết, kiểm tra được hết hộ nghèo để chấn chỉnh".

Bộ trưởng cho hay, các cán bộ xã sai phạm đã bị xử lý kỷ luật, tiền đã được thu hồi. Ở Bắc Giang, đã có hai huyện Lục Ngạn, Lục Nam báo cáo xử lý cán bộ sai phạm.

Theo đó, 1 chủ tịch xã ở Lục Ngạn và 4 chủ tịch xã ở Lục Nam đã nhận hình thức kỷ luật. Bốn tỉnh có nhiều sai phạm là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bắc Giang, Trà Vinh.

"Cán bộ sai thì phải phạt, nhưng phải tùy mức độ, tính chất", bà Ngân nói.

Nguồn VNN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích