Chuyển biến tích cực trong đào tạo nghề cho lao độ̣ng nông thôn

20/11/2020 - 07:11

BDK - Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1956 ngày 27-11-2009. Theo đó, Ban Chỉ đạo tỉnh triển khai đề án trong hoàn cảnh kinh tế nông nghiệp, nông thôn đang có sự chuyển dịch tích cực. Mục tiêu của đề án nhằm tạo việc làm, tăng năng suất lao động và nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế để từng bước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Nghề làm dừa kiểng xã Vĩnh Thành (Chợ Lách). Ảnh: Nguyễn Dừa

Nghề làm dừa kiểng xã Vĩnh Thành (Chợ Lách). Ảnh: Nguyễn Dừa

Đa dạng ngành nghề

Qua 10 năm (2010 - 2020) thực hiện, tỉnh đã xây dựng thành công 50 danh mục nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội và phù hợp với từng đối tượng lao động. Trong đó, có 32 nghề phi nông nghiệp như: kỹ thuật đan đát, xi-măng giả gỗ, kỹ thuật nề, may công nghiệp, điện dân dụng, điện lạnh, nghiệp vụ du lịch nông thôn…; 18 nghề nông nghiệp trồng cây có múi, chăn nuôi bò, heo, gà, bonsai cây kiểng, kỹ thuật trồng dừa...

Tỉnh đã đào tạo cho trên 151 ngàn lao động, đạt 88%. Trong đó, trình độ sơ cấp và dạy nghề thường xuyên là gần 131 ngàn lao động và trình độ cao đẳng và trung cấp trên 13,8 ngàn lao động. Trong số lao động trình độ sơ cấp và dạy nghề thường xuyên có trên 52 ngàn lao động nông thôn được hỗ trợ các chính sách về đào tạo nghề theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ gồm nghề phi nông nghiệp, nông nghiệp; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 28% năm 2009 tăng trên 60% đầu năm 2020.

Bên cạnh đó, có trên 24 ngàn lao động nông thôn được hỗ trợ từ chính sách học nghề khác, trên 53,7 ngàn lao động tự đào tạo ở các cấp trình độ. Lao động nông thôn sau học nghề được ưu tiên tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng tại địa phương theo quy định.

 Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 15,8% năm 2011 còn 4,59% cuối năm 2019 (bình quân giảm 2%/năm), dự kiến đến hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo còn 4% và có 51/147 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới.  

Đầu tư cơ sở dạy nghề

Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn từng bước đổi mới theo hướng nâng cao hiệu quả, gắn lý thuyết với thực hành và thực tiễn. Việc lựa chọn học nghề của lao động gắn với nhu cầu phát triển kỹ năng, phục vụ nhu cầu lao động của xã hội.

Qua 10 năm thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỉnh có 7 trung tâm dạy nghề cấp huyện và 1 trường trung cấp nghề được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đúng quy định (kinh phí từ đề án đào tạo nghề nông thôn).

Cơ sở dạy nghề được xây dựng, cải tạo, mở rộng đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập, một số nghề được đầu tư tập trung, trọng điểm, thiết bị hiện đại, đồng bộ như thiết bị cắt gọt kim loại; công nghệ ô tô; điện công nghiệp; kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; may công nghiệp, lắp ráp và cài đặt máy tính... đã giúp học viên lĩnh hội tốt kỹ năng nghề.

Hàng năm, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã đào tạo khoảng 10 ngàn người. Trong đó, cao đẳng nghề gần 400 người, trung cấp nghề 800 người, sơ cấp nghề và dạy nghề ngắn hạn trên 8,8 ngàn người; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng trên 2%/năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ tăng 1,5%/năm.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức nhận định: Qua 10 năm thực hiện, thành công của công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn là đã thu hút được số lượng lớn lao động tham gia học nghề để nâng cao tay nghề cho lao động nông thôn, từng bước thay đổi phương thức sản xuất, thay đổi thói quen lao động theo kinh nghiệm, nhỏ lẻ, mà giờ đây phần lớn đã mạnh dạn làm ăn, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, góp phần tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững của địa phương, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

“Trên cơ sở các lớp đào tạo nghề, nông dân tham gia đã từng bước phát triển thành các tổ hợp tác để thực hiện liên kết trong sản xuất theo từng chuỗi giá trị sản phẩm của tỉnh, tạo nền tảng cho việc phát triển các hợp tác xã trong nông nghiệp cho giai đoạn 2020 - 2025” - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức cho biết thêm. 

Cùng với Đề án số 1956, UBND tỉnh giao Sở Nội vụ tổ chức các lớp bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã. Mục tiêu là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý hành chính, quản lý, điều hành kinh tế - xã hội và thực thi công vụ, góp phần xây dựng nông thôn mới và phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

10 năm qua, tỉnh đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng 4.288 chỉ tiêu đối với cán bộ, công chức cấp xã gồm trung cấp lao động - thương binh và xã hội, trung cấp tin học, trung cấp luật, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã trên 4 ngàn lượt người.

Anh Đào

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN