Chuyển đổi số hướng tới phát triển nông nghiệp xanh, bền vững

26/08/2024 - 05:30

BDK - Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã tập trung cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyển đổi số phát triển nông nghiệp xanh, bền vững. Những kết quả rõ rệt đã được thể hiện trong các lĩnh vực. Nổi bật, nuôi tôm công nghệ cao (CNC), hợp tác xã (HTX) ứng dụng CNC trong kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, bảo quản, truy xuất nguồn gốc và nghiên cứu, phát triển cây giống, hoa kiểng.

Trung tâm Giống và Hoa kiểng tỉnh đã sưu tập và bảo tồn 22 chủng loại cây ăn trái đặc sản của địa phương đã được công nhận cây đầu dòng.

Ứng dụng công nghệ cao

Đến tháng 6-2024, diện tích nuôi tôm nước lợ ứng dụng CNC ở 3 huyện biển phát triển tăng thêm 320,2ha, lũy kế đến nay đạt 3.430/4 ngàn ha, đạt 85,76% so với Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy (ngày 29-1-2021). Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Văn Buội cho biết: Công tác đầu tư hạ tầng để phát triển cho nuôi tôm nước lợ ứng dụng CNC tiếp tục được thực hiện phần lớn sử dụng từ hệ thống công trình giao thông, thủy lợi, điện đã đầu tư cho vùng nuôi tôm nước lợ thâm canh tập trung trước đây. Hiện tỉnh đang triển khai 3 dự án lớn, gồm: Xây dựng công trình hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản huyện Bình Đại (đã hoàn thành và đưa vào sử dụng). Dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật vùng nuôi tôm nước lợ ứng dụng CNC huyện Bình Đại. Dự án hạ tầng vùng nuôi tôm nước lợ ứng dụng CNC huyện Ba Tri, với tổng mức đầu tư 327 tỷ đồng.

Đến tháng 6-2024, toàn tỉnh có 160 HTX nông nghiệp và 1 liên hiệp HTX nông nghiệp, tổng số thành viên 35.967 thành viên, với vốn điều lệ 75,121 tỷ đồng. Trong đó, có khoảng 51 HTX ứng dụng CNC (chiếm 31,9%). Đa số các HTX ứng dụng CNC trong kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, bảo quản như: công nghệ thông tin trong sản xuất và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông lâm sản, công nghệ sản xuất cây trồng vật nuôi, thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm, GAP, hữu cơ...

Các HTX có sản phẩm sản xuất theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt đã được các ban ngành trong tỉnh hỗ trợ xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ, triển lãm tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số hội chợ OCOP. Qua đó, tạo điều kiện kết nối giữa HTX, doanh nghiệp, chia sẻ những cơ hội hợp tác, ký kết các hợp đồng kinh tế; xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh, sản phẩm hàng hóa, tiếp cận thị trường trong và ngoài nước; giới thiệu đến người tiêu dùng hình ảnh, mẫu mã, dịch vụ của các HTX. Đây cũng là cơ hội để các HTX giao lưu, gặp gỡ các chuyên gia, nhà khoa học, các bộ, ngành, đối tác, nhằm thu hút được nhiều nguồn lực hỗ trợ cho sự phát triển của kinh tế hợp tác, HTX.

Bên cạnh đó, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong năm 2023, ngành nông nghiệp đã hỗ trợ 40 ngàn tem truy xuất nguồn gốc cho nhiều HTX nông nghiệp như: HTX Nông nghiệp Hương Mỹ, HTX Dịch vụ nông nghiệp Người giữ dừa, HTX Bưởi da xanh Giồng Trôm… Đồng thời, hỗ trợ chứng nhận HACCP cho HTX Bưởi da xanh Bến Tre, với tổng kinh phí 95 triệu đồng.

Nhiều hoạt động hỗ trợ

Giám đốc Sở NN&PTNT Đoàn Văn Đảnh cho biết: Hướng tới tiếp tục triển khai và thực hiện các chính sách hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là việc ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp. Tăng cường phối hợp với các ngành, các cấp để tuyên truyền cho người dân các HTX về ứng dụng CNC trong sản xuất và tiêu thụ trong các lớp tập huấn, tuyên truyền về kinh tế hợp tác.

Đồng thời, tổ chức và quản lý sản xuất theo chuỗi giá trị, thực hiện gắn kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ, đảm bảo ổn định sản xuất, nông sản ứng dụng CNC được tiêu thụ thông suốt, giá cả ổn định, đảm bảo nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm, hạn chế dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Ứng dụng các nghiên cứu khoa học và thực nghiệm các giống mới thích ứng biến đổi khí hậu, thích ứng điều kiện địa phương để đa dạng nguồn nguyên liệu và giống cho hoạt động sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC.

Các hoạt động hỗ trợ, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX nông nghiệp sẽ được tập trung như: Hướng dẫn, hỗ trợ các HTX xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Trong đó, có đa dạng hóa các khâu dịch vụ, chú trọng sản xuất hàng hóa, đưa giống mới có năng suất, chất lượng tốt vào sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để sản xuất theo theo tiêu chuẩn an toàn và kết nối sản xuất gắn với tiêu thụ ổn định. Tập trung công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản trị, sản xuất cho cán bộ quản lý và thành viên cho các HTX nhất là đối với các HTX ứng dụng CNC. Bên cạnh đó, địa phương còn kiến nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục hỗ trợ nguồn kinh phí để đầu tư hạ tầng về giao thông, thủy lợi, điện cho vùng nuôi tôm ứng dụng CNC của địa phương.

“Đơn vị đang thực hiện Đề án Phát triển cây giống và hoa kiểng Chợ Lách mang tầm quốc gia. Trung tâm phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Sở NN&PTNT thẩm định và công nhận 163 cây đầu dòng các loại và 834 vườn cây đầu dòng đủ cung cấp cho các cơ sở sản xuất giống trong tỉnh. Trung tâm đã sưu tập và trồng bảo tồn các cây ăn trái đặc sản của địa phương đã được công nhận cây đầu dòng, với 22 chủng loại (280 cây) như: chôm chôm, mít, xoài, bưởi, cam sành, cam xoàn, vú sữa... tại cơ sở 2 của trung tâm (Khu sinh học Cái Mơn)”.

(Giám đốc Trung tâm Giống và Hoa kiểng tỉnh Nguyễn Quốc Trung)

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN