Thắc mắc của bà được luật sư Võ Tấn Thành (Ðoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:
- Chồng của bà phải có trách nhiệm đối với người con riêng của ông.
Pháp luật không quy định cha, mẹ phải chia tài sản cho con (con trong giá thú và ngoài giá thú) trong trường hợp cha, mẹ còn sống. Do vậy, chồng của bà không phải chia tài sản cho người con riêng, trừ trường hợp ông ấy có thỏa thuận khác.
Theo quy định tại Ðiều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014: “Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Ðiều 40 luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung”.
Khi vợ chồng còn sống, pháp luật không quy định phải phân chia tài sản chung cho các con.
Khi vợ hoặc chồng chết thì tài sản chung của vợ chồng được chia làm hai phần: một phần thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người chết đem chia thừa kế; phần còn lại thuộc quyền sở hữu, sử dụng của vợ hoặc chồng còn sống.
Theo quy định Ðiều 651 Bộ luật Dân sự, người thừa kế theo pháp luật thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi (kể cả con riêng của người chết), mỗi người được một phần di sản ngang nhau.
Trong trường hợp chẳng may chồng bà qua đời, nếu ông ấy không có di chúc, khi phân chia di sản thừa kế của chồng bà thì người con riêng của chồng bà sẽ được hưởng một suất thừa kế theo pháp luật như những người khác cùng hàng thừa kế.
H.Trâm (thực hiện)