Công tác xử lý rác thải, nước thải trên địa bàn TP. Bến Tre

31/07/2024 - 06:46

BDK - TP. Bến Tre có hệ thống kênh rạch khá chằng chịt nên vẫn còn đảm bảo được vấn đề tiêu thoát nước mặt. Tuy nhiên, nguồn nước mặt đang tiếp tục có dấu hiệu bị ô nhiễm. Quá trình phát triển đô thị và dân số tăng, diện tích đất sản xuất nông nghiệp giảm nhiều qua từng năm, đất chuyên dùng và đất phi nông nghiệp tăng cao. Hệ thống thoát nước khu vực trung tâm thành phố xuống cấp cùng với triển khai nhiều công trình, dự án đã làm giảm dần khả năng thoát nước tự nhiên của một số khu dân cư trên địa bàn thành phố.

Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Bến Tre thực hiện nhiều mô hình xử lý rác tại nguồn.

Thực trạng ô nhiễm môi trường

TP. Bến Tre hiện có trên 7.000 hộ sản xuất, kinh doanh; trong đó có trên 500 cơ sở sản xuất, kinh doanh các ngành nghề có khả năng gây ô nhiễm môi trường. Chủ yếu các cơ sở sản xuất các sản phẩm từ dừa, các cơ sở phế liệu, hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, tập trung ở các xã. Qua kiểm tra thực tế, đa số các cơ sở, doanh nghiệp đã có thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường; thu gom và xử lý chất thải. Tuy nhiên, việc vận hành công trình xử lý nước thải không đảm bảo thường xuyên, có trường hợp lén lút xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước.

TP. Bến Tre có 2 làng nghề dệt chiếu ở xã Nhơn Thạnh, kẹo dừa Phường 7 nhưng không tác động môi trường đáng kể và giảm dần số lượng hộ kinh doanh, cơ sở hoạt động hàng năm. Các doanh nghiệp có hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải công nghiệp theo quy định. Tuy nhiên, với lượng rác thải công nghiệp thông thường phát sinh trên 8 - 10 tấn/ngày ở các cơ sở, hộ kinh doanh, chủ yếu là rác thạch dừa, TP. Bến Tre chưa có đơn vị có chức năng thu gom, xử lý, trong khi bãi rác An Hiệp, huyện Ba Tri không tiếp nhận nguồn rác thải công nghiệp thông thường nên các cơ sở buộc phải tạm thời ép khô để chôn lấp, bón cho cây trồng hoặc đốt ở các lò nấu hoặc lò hơi trong khuôn viên cơ sở sản xuất. TP. Bến Tre hiện có 3 bệnh viện lớn là Nguyễn Đình Chiểu, Minh Đức, Y học cổ truyền, 2 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Trung tâm Y tế thành phố, 14 trạm y tế xã, phường và 225 phòng khám có thực hiện xử lý nước thải, rác thải theo quy định. Rác thải nguy hại từ các bệnh viện được xử lý bằng phương pháp đốt; các cơ sở y tế, trạm y tế trên địa bàn đã hợp đồng với Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu hoặc Trung tâm Y tế thành phố để được xử lý, đốt.

Trên địa bàn thành phố hiện có 11/14 xã, phường có hộ chăn nuôi thuộc diện di dời, có 4 xã được phép chăn nuôi thuộc các xã Phú Hưng, Sơn Đông, Phú Nhuận, Nhơn Thạnh. Cuối năm 2023, thành phố đã hỗ trợ di dời và chấm dứt chăn nuôi 56 hộ, với tổng số tiền hỗ trợ 998 triệu đồng.

Nâng cao ý thức người dân

Công tác quản lý rác thải được quan tâm, chỉ đạo thực hiện xuyên suốt. Trong đó, công tác tuyên truyền mang lại hiệu quả, kết hợp với xây dựng nhiều mô hình phân loại rác tại nguồn, thu gom rác được duy trì và mở rộng, giảm rác thải nhựa được người dân tham gia hưởng ứng, từ đó nâng dần ý thức của người dân, khối lượng đăng ký giao rác, thu gom, xử lý rác hàng năm tăng dần. Cuối năm 2022 là 82,2 tấn/ngày và năm 2023 là 116 tấn/ngày, nên giảm dần các điểm đen về rác thải, tình trạng để rác không đúng giờ, không đúng quy định vẫn còn diễn ra nhưng có chiều hướng giảm dần.

Việc xử lý sơ bộ nước thải sinh hoạt của hộ gia đình cũng được quan tâm. Trong đó, có 37.851 hộ có hố xí tự hoại, đạt 99,86%, hộ có xử lý nước thải sinh hoạt bằng hình thức phù hợp như hầm lắng lọc, ao sinh học đạt 46%; các khu dân cư mới hình thành đã từng bước đầu tư hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung cụm dân cư, góp phần giảm thiểu ô nhiễm cục bộ tại khu dân cư.

UBND TP. Bến Tre đang phối hợp với Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường tiến hành triển khai các nội dung nghiên cứu của đề tài Nghiên cứu, áp dụng thí điểm công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt phân tán giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho các khu dân cư trên địa bàn thành phố. Đến nay, đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải công suất 50m3/ngày trên kênh Chín Tế - đoạn gần Sở Giao thông vận tải. Đồng thời, thành phố cũng đang phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) thực hiện Dự án thí điểm thoát nước bền vững (SUDS) để xử lý ngập cục bộ khu vực đường 30-4, dự kiến hoàn thành trong năm 2024.

(Còn tiếp)

Bài, ảnh: Thu Huyền

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN