Bức tượng đồng tạc cụ Đồ Chiểu. Ảnh: Nguyễn Sự
1. Tôi nhớ lần đầu tiên về xã An Đức, huyện Ba Tri để viếng cụ Đồ vào những ngày cuối năm 1977. Là sinh viên Khoa Ngữ văn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I, trên giảng đường, tôi đã được học về nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu ở học kỳ 1 của năm thứ 3, qua bài giảng hấp dẫn và sâu sắc của thầy Nguyễn Đình Chú. Về Bến Tre từ cuối tháng 9-1977, làm cán bộ giảng dạy của Trường Cao đẳng Sư phạm Bến Tre, nhưng cuối năm tôi mới về Ba Tri để viếng mộ cụ Đồ.
Ngồi trên xe ô tô từ thị xã Bến Tre về huyện Ba Tri, tôi tự suy ngẫm: Hơn một trăm năm trước, cụ Đồ cùng vợ con từ Cần Giuộc, Long An về đây chắc vất vả hơn tôi và bạn bè bây giờ. Qua kính ô tô, tôi thấy hai bên đường cơ man là dừa nước. Đến xã An Ngãi Trung gần thị trấn Ba Tri, tôi càng thấy nhiều dừa ăn trái. Tôi nghĩ, khi chọn Ba Tri làm nơi lánh giặc xâm lược Pháp, chắc cụ nghĩ đây là đất lành, khi ấy chưa bị người Pháp xâm chiếm, chứ không nghĩ đây là xứ Dừa. Danh xưng xứ Dừa xuất hiện sau này. Tại đây, cụ mở trường dạy học, làm thuốc, bốc thuốc, chữa bệnh cứu người và sáng tác văn chương. Gắn bó thân thiết với Phan Công Tòng, người hương giáo làng An Bình Đông:… Người ngọc ở Bình Đông/ Biết đạo khác bầy con mắt tục/ Dạy dân nắm giữ tấm lòng công.
Khi giặc Pháp đến Ba Tri xâm lược, Phan Công Tòng đứng ra lãnh đạo dân làng đánh giặc rồi “Anh hùng thà thác chẳng đầu Tây”. Mười bài thơ điếu Phan Công Tòng của Nguyễn Đình Chiểu là sự kính trọng người anh hùng tự đáy lòng. Xa các lãnh tụ nghĩa quân chống Pháp như Trương Công Định, Thủ Khoa Huân vì họ ở bên kia sông Tiền Giang, cụ vẫn biết tin và trao đổi với họ. Biết Trương Công Định ngã xuống khi người Pháp tấn công căn cứ, cụ viết Thơ điếu, Văn tế Trương Công Định thật bi ai nhưng khí phách. Rồi cụ viết Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh vừa bi ai, trầm buồn nhưng hùng tráng về những anh hùng hy sinh vì nước là những nghĩa sĩ ở Nam Kỳ lục tỉnh, vốn là dân ấp dân lân. Cũng thời gian ở Bến Tre, cụ viết Ngư tiều y thuật vấn đáp, truyện thơ thể hiện triết lý văn hóa của một nhà văn hóa.
Ba năm sau, năm 1980, trên báo và đài, tôi biết Nguyễn Trãi được UNESCO vinh danh là Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất. Tự hào với danh nhân đầu tiên của nước ta được UNESCO vinh danh là Nguyễn Trãi, tôi thầm nghĩ nước ta còn nhiều danh nhân…!
2. Đầu năm 1982, tôi lại cùng bạn bè về huyện Ba Tri nghiên cứu, lấy tư liệu để viết tham luận cho hội thảo của Trường Cao đẳng Sư phạm Bến Tre kỷ niệm 160 năm Ngày sinh của cụ Nguyễn Đình Chiểu. Rồi Viện Khoa học xã hội tại TP. Hồ Chí Minh (Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam) về Bến Tre tổ chức hội thảo khoa học về Nguyễn Đình Chiểu. Lần đầu tiên, các nhà khoa học trong Nam, ngoài Bắc về Bến Tre tham gia hội thảo, trong hoàn cảnh đất nước thống nhất. Gần 120 tham luận của các tác giả ở các trường đại học, các viện nghiên cứu, các địa phương gửi đến ban tổ chức.
Trong hai ngày 29 và 30-6-1982, tại Hội trường Tỉnh ủy, tôi nghe các tham luận của các nhà khoa học trong cả nước ca ngợi, đánh giá cao Nguyễn Đình Chiểu. Câu hỏi từng xuất hiện trong tôi liệu có thể trình hồ sơ danh nhân Nguyễn Đình Chiểu để UNESCO vinh danh như Anh hùng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất Nguyễn Trãi không? Tôi lại tự chất vấn mình: Cụ Đồ gắn bó với xứ Dừa… liệu thế giới đã biết nhiều về cụ chưa? Mở lại cuốn sách tuyển các tiểu luận nghiên cứu về cụ in năm 1973 bởi Nhà xuất bản Khoa học xã hội (Nguyễn Đình Chiểu, tấm gương yêu nước và lao động nghệ thuật), tôi biết chỉ có hai nhà nghiên cứu nước ngoài viết về cụ: một người Nga là GS Niculin, một người Trung Quốc là GS Hoàng Giật Cầu. Tôi chợt nhớ, ngay khi người Pháp đến xâm lược, rồi cai trị Nam Bộ, họ đã dịch Lục Vân Tiên của cụ Đồ ra tiếng Pháp và xuất bản vào các năm 1864, 1867, 1883, 1885. Nghĩa là bạn đọc người Pháp đã biết truyện thơ Lục Vân Tiên của cụ Đồ hơn một trăm năm rồi. Ít nhất, truyện thơ Lục Vân Tiên của cụ đã xuất ngoại và đến nước Pháp hơn cả trăm năm nay.
3. Giữa năm 2020, tôi được Tỉnh ủy Bến Tre mời làm tư vấn xây dựng báo cáo khoa học trình UNESCO để tổ chức này cùng kỷ niệm lần thứ 200 năm sinh của cụ. Tôi nhớ các anh lãnh đạo tỉnh bảo: “Chúng tôi biết anh có nhiều trải nghiệm làm hồ sơ trình UNESCO, anh coi Bến Tre là quê hương thứ hai, nên cùng với tỉnh làm hồ sơ để trình UNESCO vinh danh cụ Đồ”. Suy nghĩ ít ngày, tôi nhận lời. Qua bạn bè ở Ủy ban Quốc gia UNESCO, tôi đọc văn bản hướng dẫn của UNESCO và biết Trung tâm Văn Miếu - Quốc Tử giám của TP. Hà Nội đã làm hồ sơ về nhà giáo Chu Văn An trình UNESCO thành công. Hẹn anh Tú - Phó giám đốc là người quen, bởi anh ấy là nghiên cứu sinh của Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam. Bên bàn nước, anh ấy bảo: “Thầy dự định làm hồ sơ về cụ Nguyễn Đình Chiểu? Em hỏi thật, thầy và anh em Bến Tre nghiên cứu kỹ văn bản của UNESCO chưa? Dù em biết thầy đã làm giám đốc các hồ sơ di sản phi vật thể thành công”.
Câu hỏi thật tình nhưng nghiêm khắc của anh Tú khiến tôi không khỏi băn khoăn. Tôi nhớ trong văn bản của UNESCO ghi rõ các nhân vật do các quốc gia đề cử phải là những nhân vật thực sự có tầm ảnh hưởng rộng rãi, được đề cử chỉ sau khi chết và các sự kiện có phạm vi quốc tế hoặc ít nhất là có ý nghĩa khu vực. Được biết đến cả ở bên ngoài quốc gia đề cử, nhằm phản ánh lý tưởng, giá trị, sự đa dạng văn hóa và tính phổ quát của tổ chức này. Ở xứ Dừa và ở trong nước, từ học trò phổ thông trung học đến sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh tiến sĩ đều biết bài viết sâu sắc của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng “Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc”. Ở các làng quê, từ Nam ra Bắc, những người chị, người mẹ, người bà khi ru cháu, ru con, ru em ngủ đều hát: “Trai thời trung hiếu làm đầu/ Gái thời tiết hạnh là câu trau mình”.
Nhưng còn ở các quốc gia khác?
Theo kế hoạch, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bến Tre mở hội thảo khoa học quốc gia mời các nhà khoa học trong nước về Bến Tre thảo luận, góp ý cho hồ sơ danh nhân Nguyễn Đình Chiểu mà tôi chấp bút. Người góp ý thẳng thắn, sâu sắc cho tôi là PGS.TS Đoàn Lê Giang - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Ông đưa quyển Lục Vân Tiên do một GS Nhật Bản dịch và xuất bản ở Nhật cho mọi người trong hội thảo xem. Tôi không biết tiếng Nhật, nhưng tin rằng tác phẩm của cụ Đồ ngoài việc đến Pháp còn đến Nhật Bản. Ngoài người đọc Pháp, còn người đọc Nhật Bản biết cụ Đồ. Nhưng lại vẫn băn khoăn, liệu cụ Đồ đã là nhân vật có tầm ảnh hưởng quốc tế rộng rãi chưa?
Là một nhà thơ với những câu thơ tràn đầy tính nhân văn về trẻ con trong thời loạn lạc: “Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy” hay câu văn tế tê tái nhưng đầy ắp tình thương người của cụ Đồ trong bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc: “Đau đớn bấy, mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều; Não nùng thay, vợ yếu chạy tìm chồng, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ”.
Nhưng cụ Đồ cũng là người dựng tượng đài bằng ngôn từ cho những anh hùng chân đất chống giặc Tây xâm lược quê hương, bởi họ là nông dân “Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy tay vốn quen làm… Chi nhọc quan quản trống kỳ, trống giục, đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không…” nhưng là những anh hùng “Thà thác mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh… Thác mà trả nước non rồi nợ, danh thơm đồn sáu tỉnh chúng đều khen… Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh, muôn kiếp nguyện được trả thù kia”.
Tôi nhớ Phó giáo sư họ Đoàn gốc Hải Phòng bảo cụ Đồ Chiểu là một trong những người đứng đầu phong trào phi thực dân hóa của thế giới thế kỷ XIX, liệu có đúng không, nên vẫn còn băn khoăn do dự! Cụ Đồ Chiểu chống thực dân Pháp nửa cuối thế kỷ XIX ở nước ta thì đúng rồi, nhưng ở toàn cầu thì sao?
4. Xem xét hồ sơ của các quốc gia đệ trình về sự kiện hay danh nhân, UNESCO không theo Công ước 2003 mà tôi có nhiều trải nghiệm. Điều kiện để nộp được hồ sơ là các quốc gia đề cử phải nhận được đề cử của hai quốc gia khác nữa. Hồ sơ về cụ Đồ do UBND tỉnh Bến Tre nộp cho Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam. Bản tiếng Anh được gửi cho 5 quốc gia, để xin ý kiến cùng đề cử của họ. Cả tháng 11-2020 và mấy ngày đầu tháng 12-2020 là những ngày tôi và các anh trong Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bến Tre chờ đợi, thấp thỏm.
Đầu tiên là Hàn Quốc, rồi Thái Lan đồng thuận đề cử hồ sơ về cụ Đồ Chiểu của Việt Nam. Nhận được tin, tôi thở phào nhẹ nhõm, rồi mừng hơn vì Nhật Bản, Ấn Độ đồng thuận. Bốn quốc gia đề cử cùng Việt Nam. Ngày 14-12-2020, đại sứ Lê Thị Thanh Vân - Trưởng phái đoàn đại diện Việt Nam tại UNESCO nộp hồ sơ danh nhân Nguyễn Đình Chiểu cho Ban Thư ký của UNESCO ở Paris (Pháp). Lại tiếp tục chờ đợi sự thẩm định và xem xét của Ban Thư ký rồi Hội đồng chấp hành, với tôi là lo âu, băn khoăn? Liệu hồ sơ danh nhân Nguyễn Đình Chiểu có đáp ứng các yêu cầu nội dung và hình thức như quy định của họ và Đại hội đồng UNESCO họp để thông qua nghị quyết cùng kỷ niệm với các quốc gia về sự kiện và danh nhân.
Trong tháng 11-2021, tôi sống trong tâm trạng chờ đợi, thắc thỏm. Đến 16 giờ 36 phút ngày 23-11-2021, tôi nhận được tin nhắn điện thoại của Đại sứ Lê Thị Thanh Vân từ Paris: “Đại hội đồng UNESCO đã thông qua Nghị quyết 41C/15, cùng kỷ niệm lần thứ 200 năm sinh của Nguyễn Đình Chiểu”.
Tôi vỡ òa trong sung sướng vì cụ Đồ Chiểu là danh nhân đầu tiên của Nam Bộ được vinh danh, cùng Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh, Chu Văn An, Hồ Xuân Hương. Từ xứ Dừa, cụ Đồ đến với nhân loại, là người của nhân loại.
Tôi lại nhớ một câu trong bài Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh của cụ: “Man mác trăm chiều tâm sự, sống những lo trả nợ cho đời”. Vâng, 26 năm cụ Đồ sống ở Bến Tre, ở xứ Dừa với trăm chiều tâm sự, để lại cho đời hình ảnh một nhà thơ như một ngôi sao sáng, một nhà văn hóa lớn, một con người luôn vượt qua những trắc trở của số phận. Bây giờ, nhà thơ mù lòa từ xứ Dừa đã gia nhập những danh nhân của nhân loại mà UNESCO cùng kỷ niệm. Như vậy, nước ta có 6 danh nhân được UNESCO vinh danh, trong đó có nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888).
Cuối năm 2021