
Chợ Lách có thế mạnh về hoa kiểng, cây trái. Ảnh: Thanh Đồng
Du lịch cù lao Minh
Cù lao Minh là 1 trong 3 dải cù lao và là vùng đất có diện tích cây trồng lớn nhất tỉnh, xen lẫn những cánh đồng lúa, những vườn cây ăn trái có cả bờ biển dài 25km còn đậm nét hoang sơ. Thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất cù lao này hai dòng sông lớn là: Hàm Luông và Cổ Chiên để ôm ấp, bao bọc và chở che, vun bồi cho cây trái oằn sai trĩu quả, dừa xanh ngút ngàn.
Về xứ dừa, trải nghiệm hành trình cù lao Minh có thể bắt đầu tại huyện Chợ Lách. Vùng đất này nước ngọt quanh năm, khí hậu ôn hòa, những vườn cây trái, cây giống và hoa kiểng xanh tươi cả 4 mùa. Nơi đây đang thu hút, hấp dẫn mọi người đến với nhiều điểm DL sinh thái miệt vườn, sông nước, homestay… Trong thời gian tới, Chợ Lách tiếp tục thực hiện Đề án phát triển DL huyện giai đoạn 2012 - 2015, tầm nhìn 2020. Theo đó, huyện sẽ tạo môi trường thông thoáng, có cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực DL bằng nhiều hình thức như: ưu đãi về thuế, hỗ trợ lãi suất vay cho cá nhân, doanh nghiệp; chú trọng quy hoạch vùng DL, khu vực DL; phát triển các loại hình DL: tâm linh, tham quan trải nghiệm, ẩm thực, homestay trên cơ sở phát huy các thế mạnh sẵn có. Đặc biệt, tập trung triển khai thực hiện đề án Làng Văn hóa DL huyện Chợ Lách.
Mỏ Cày Bắc có điều kiện phát triển các loại hình DL như: văn hóa - lịch sử, tâm linh và sinh thái. Để phát triển DL trong thời gian tới, Mỏ Cày Bắc tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về DL; tập trung đầu tư, thu hút đầu tư để phát triển DL; xây dựng kết cấu hạ tầng, kỹ thuật bằng các nguồn vốn, đầu tư cơ sở hạ tầng xã hội (giao thông, điện, nước sạch, viễn thông…) đến các vùng quy hoạch phát triển DL, nâng cấp các tuyến đường trong các tuyến phục vụ khai thác DL; hỗ trợ các dự án: Dự án khu nghỉ dưỡng và DL sinh thái Sông Lam, Hoàng Lam; khu ẩm thực, khám phá, xã Thanh Tân; các làng nghề - hoa kiểng; nâng cấp các di tích văn hóa - lịch sử (nhất là Khu ủy Sài Gòn - Gia Định) thành điểm tham quan DL nghiên cứu...
Đến Mỏ Cày Nam, du khách tìm hiểu lịch sử quê hương Đồng Khởi khi đến Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Đồng Khởi, xã Định Thủy; tham quan “Di tích lịch sử chùa Tuyên Linh”; tham quan “Chợ nổi dừa” trên sông Thom, DL sinh thái cồn Thành Long và các cơ sở sản xuất kẹo dừa, chỉ xơ dừa, làng nghề đóng ghe...
Về huyện biển Thạnh Phú, du khách trải nghiệm DL biển với nhiều di tích và phong cảnh đẹp. Nơi đây còn có các điểm đến ý nghĩa như Bia lưu niệm nơi xuất quân của Tiểu đoàn 307 “đánh đâu được đấy - oai hùng biết mấy”; Khu di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà cổ Huỳnh Phủ và Khu mộ được Bộ Văn hóa, Thể thao và DL công nhận là di tích cấp quốc gia vào ngày 14-4-2011; Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam hay còn gọi là “Đường Hồ Chí Minh trên biển”.
Hợp tác phát triển du lịch
Để tạo nên sản phẩm chung độc đáo, hấp dẫn và khác biệt, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã đóng góp, đề xuất giải pháp để phát triển sản phẩm DL “Cù lao Minh - Một hành trình, bốn điểm đến”, tại hội nghị “Xúc tiến, quảng bá, kết nối và hợp tác phát triển DL”, diễn ra tại Khu DL Biển - Dừa, cồn Bửng, huyện Thạnh Phú, ngày 10-7-2019.
PGS.TS Đoàn Thị Mỹ Hạnh - Trường Đại học Văn Hiến TP. Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên ở xứ Dừa, bà cũng tâm đắc với ý tưởng liên kết vùng làm DL, trong đó có làm cuộc khảo sát tại Thạnh Phú. “Tôi đã khảo sát ở Thạnh Phong, Thạnh Hải và phát hiện ra Thạnh Phú có tài nguyên DL vô hình là sự thân thiện của người dân. Kết quả khảo sát, nghiên cứu bước đầu đối với 205 khách DL đến Thạnh Phú, sự thân thiện của người dân được du khách đến Thạnh Phú đánh giá hạng cao nhất trong 14 tiêu chí về DL. Phiếu khảo sát cũng đánh giá khách DL ưa thích sử dụng, ăn hải sản tại biển Thạnh Phú. “Khi phát triển DL phải dựa trên sức dân và người dân phải được hưởng lợi. Nếu không bám theo điều này thì tài nguyên về sự thân thiện của người dân sẽ dần bị mất đi”, PGS.TS Đoàn Thị Mỹ Hạnh cho biết.
“Cần có sản phẩm chung khu vực cù lao Minh làm thương hiệu mà khi nhắc đến sản phẩm đó, khách sẽ nhớ đến DL cù lao Minh, tập trung quan tâm bảo vệ môi trường. Thiết kế các tour tiêu biểu của 4 huyện như thế nào”, ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Công ty Du lịch Hàm Luông nêu.
“Trong hành trình, có thể chọn Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc làm trung tâm vì nơi đây có những điểm khác biệt so với cả nước là chợ Dừa nổi sông Thom, tiếp theo là đi Chợ Lách ăn trái cây và về Thạnh Phú. Vấn đề khai thác được bản sắc, văn hóa con người Bến Tre như thế nào. Cần có người hướng dẫn mỗi nơi đến. Mỗi hành trình có 3 - 4 người đại diện để hướng dẫn”, ông Võ Văn Phong - Giám đốc Công ty TNHH MTV Truyền thông và Du lịch C2T đề xuất.
Hiện nay, yếu tố quyết định sự thành công trong quảng bá DL là tạo ra xu hướng DL, vì vậy nên xây dựng các clip hình ảnh DL tour thật đặc sắc để quảng bá. Bên cạnh đó là chú trọng liên kết các đơn vị vừa và nhỏ khai thác các sản phẩm mới. “Sản phẩm rất đặc biệt của Bến Tre là rừng đước. Cần có sản phẩm trên con đê vào rừng đước, có thể cho du khách trồng đước vừa góp phần trồng rừng và chèo xuồng vào rừng đước khám phá. Ngoài ra, cần có điểm dừng chân, các điểm cũng cần có sự liên kết các huyện, bán các sản phẩm đặc trưng với cách trưng bày, quảng bá phải khoa học”, ông Nguyễn Quốc Thệ - Khoa Du lịch Trường Đại học Văn Hiến TP. Hồ Chí Minh nói.
“Các huyện cần khai thác, phát huy giá trị sẵn có của địa phương như vùng biển hoang sơ, kỳ bí, vùng cây lành trái ngọt khó nơi nào sánh bằng. Cần phải chăm chút, vun đắp cho những tài nguyên này trở lên giàu đẹp hơn để chúng thật sự hấp dẫn trong mắt du khách. Mặt khác, địa phương cần vận động, khuyến khích cộng đồng tham gia làm du lịch, hướng tới sự phát triển bền vững”, GS.TS Vũ Gia Hiền nhấn mạnh. |
Cẩm Trúc