Kế hoạch nhằm cụ thể hóa chủ trương chung thành các mục tiêu, quy hoạch, chiến lược, đề án, dự án cụ thể phù hợp với điều kiện của tỉnh để KHCN, ĐMST và CĐS là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.
Đồng thời, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, dựa trên lợi thế là nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch…, thúc đẩy các đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, nhân tài, công nghệ. Tạo bước chuyển mạnh mẽ về hạ tầng số, nhân lực số, hệ sinh thái KHCN, ĐMST, từng bước xây dựng chính quyền số, thúc đẩy kinh tế số, xã hội số, thiết lập hệ sinh thái khởi nghiệp, cơ sở đào tạo, nghiên cứu Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia phù hợp với thực tiễn tại địa phương.
Mục tiêu phát triển toàn diện và đồng bộ tiềm lực KHCN, ĐMST và CĐS thành nền tảng quan trọng để nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của kinh tế địa phương thông qua đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng KHCN, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng trong các ngành, lĩnh vực chủ lực, nâng cao tỷ trọng đóng góp của chỉ số TFP trong tăng trưởng GRDP của địa phương. Thúc đẩy hoạt động ĐMST hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D), kết nối chặt chẽ với viện, trường, doanh nghiệp, khơi dậy tinh thần sáng tạo và thu hút nguồn lực chất lượng cao từ trong và ngoài nước.
Một số mục tiêu cụ thể đến hết năm 2025 như: Chi trên 1% ngân sách địa phương cho KHCN, ĐMST. Tỷ lệ chi cho KHCN, ĐMST và CĐS đạt 2% GRDP. Có 80% cán bộ, công chức cấp xã, 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh được bồi dưỡng kỹ năng số cơ bản. 30% doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn, trên 40% kết quả KH&CN được ứng dụng thực tiễn sau 12 tháng nghiệm thu. Trên 10% doanh nghiệp sử dụng kết quả nghiên cứu từ viện, trường trong sản xuất, kinh doanh. Trên 30% doanh nghiệp KH&CN, trên 50% doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Chỉ số CĐS cấp tỉnh trên 0.60. Trên 70% thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết phi địa giới hành chính giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền. 100% thủ tục hành chính liên quan đến đào tạo, nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh phải được thực hiện trực tuyến. Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử. Quy mô kinh tế số đạt 15% GRDP… Kế hoạch đặt mục tiêu cụ thể đến từng mốc năm 2030, 2035, 2040 và 2045.
Để thực hiện các mục tiêu trên, kế hoạch đề ra các nhiệm vụ và giải pháp về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao nhận thức và quyết tâm chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, điều hành. Đẩy mạnh truyền thông về KHCN, ĐMST và CĐS trên các phương tiện thông tin đại chúng. Phổ cập, nâng cao tri thức số, tri thức về KHCN, ĐMST và CĐS trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân. Xây dựng văn hóa số, đạo đức nghề nghiệp trong môi trường số. Đồng thời, hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo đột phá, đảm bảo nguồn lực, xây dựng chiến lược phát triển hạ tầng số đồng bộ, hiện đại. Xây dựng chiến lược phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển. Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực KHCN, ĐMST và CĐS, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Xây dựng chiến lược CĐS, kinh tế số cấp tỉnh. Đồng thời, bảo đảm an ninh mạng và chủ quyền số, đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng, quốc tế.
Thanh Đồng