Tiến tới kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23-10-1961 - 23-10-2021)

Cựu chiến binh “tàu không số” Huỳnh Phước Hải tích cực đóng góp xây dựng quê hương

18/10/2021 - 06:31

BDK - Ông Huỳnh Phước Hải (81 tuổi, thường gọi Sáu Phát) là người đã từng tham gia “tàu không số” vận chuyển vũ khí Bắc - Nam. Khi đất nước hòa bình thống nhất, ông là Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú. Hiện tại, ông Hải vui vầy bên con cháu với công việc trồng hoa màu, chăn nuôi bò tại quê nhà.

Cựu chiến binh “tàu không số” Huỳnh Phước Hải.

Cựu chiến binh “tàu không số” Huỳnh Phước Hải.

Đến bây giờ, ông Hải vẫn nhớ mãi chuyến vượt biển ra Bắc đầu tiên ngày 1-6-1961. Ông cùng với 6 đồng đội đi trên tàu Đội 2 do ông Lê Công Cẩn (Năm Công) là Bí thư Chi bộ Đội 2 kiêm thuyền trưởng chỉ huy, xuất phát từ cồn Tra, xã Thạnh Phong (nay là xã Thạnh Hải), trong đó ông Hải là người nhỏ tuổi nhất đội (21 tuổi). Dọc đường tàu Đội 2 (thuyền buồm có trang bị máy nổ) nhờ kinh nghiệm đi biển dày dặn và mưu trí của thuyền trưởng Năm Công nên tránh được tàu tuần tra của địch.

Sau 9 ngày đêm trên biển, Đội 2 đã ra tới đảo Cồn Cỏ, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Tại đây, Đội 2 bị bộ đội ta vây bắt vì nghi ngờ là tàu do thám của địch. Sau khi khám xét và trao đổi mật khẩu, Đội 2 được Công an tỉnh rước về trụ sở và đưa ra Hà Nội. Tại đây, cả đội được dự tiệc chiêu đãi và vinh dự được gặp ông Lê Duẩn (Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng). Sau đó, Đội 2 được tham gia học tập các lớp nghiệp vụ về hải quân, để chuẩn bị cho những chuyến vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam, chi viện cho chiến trường miền Nam.

Năm 1963 - 1964, ông Hải tham gia 4 chuyến tàu gỗ (mỗi tàu trọng tải khoảng 30 tấn) chở vũ khí từ miền Bắc về Vàm Lũng, Cà Mau (nay là thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau). Sau đó, khoảng thời gian 1965 - 1967, ông Hải tham gia vận chuyển 6 chuyến tàu sắt (mỗi tàu trọng tải khoảng 100 tấn) về các bến Khâu Băng (Thạnh Phú, Bến Tre), Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh) và Vũng Rô (Phú Yên).

Ông Hải kể, trong những lần ra khơi chở vũ khí, có chuyến đi trót lọt, có chuyến bị địch phát hiện. Toàn bộ lực lượng thủy thủ và thuyền trưởng trên tàu đều cùng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ “đưa vũ khí về bến an toàn” và “sẵn sàng hy sinh nếu bị địch phát hiện”. Năm 1965, tàu chở vũ khí bị địch phát hiện ở biển Phú Yên. Sau khi hủy tài liệu, hải đồ và cài bom hẹn giờ, thuyền trưởng Phan Vinh cùng thủy thủ đoàn xuống biển rời cách xa tàu khoảng 500m thì tàu nổ. Mọi người bị hất tung lên cao, có người mất tích, người thì bị thương nhưng vẫn cố gắng nhắm hướng bơi vào bờ và sẵn sàng chiến đấu. Trận này, nhiều người đã hy sinh, ông Hải bị thương ở đùi trái. Sau khi được bộ đội cứu chữa và điều trị lành vết thương, 2 tháng sau, ông Hải cùng với nhiều đồng đội theo đường Trường Sơn ra Bắc để tiếp tục nhận nhiệm vụ mới…

Kể về đồng đội mình, ông Hải nhớ nhiều đồng chí đã hy sinh như ông Hoàng Xuân Loan (lái tàu) bị giặc bắt và hy sinh ở trận Vàm Lũng. Hoặc ông Phạm Hải Hồ bị thương gãy chân, đã dùng dao cắt đứt phần còn dính ở chân để không bị vướng và tiếp tục cầm súng chiến đấu. Còn rất nhiều đồng đội, đồng chí của ông đã mưu trí đánh giặc, kiên cường chiến đấu và anh dũng hy sinh…

Đất nước thống nhất. Năm 1975, Đại úy Huỳnh Phước Hải là Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thạnh Hải cho đến cuối năm 1980. Hiện tại, mặc dù tuổi đã 81 nhưng ông vẫn nhiệt tình tham gia các hoạt động tại địa phương. Ông được tín nhiệm bầu là Tổ trưởng Tổ vay vốn và là đảng viên phụ trách Tổ nhân dân tự quản số 12, ấp Thạnh Thới B.

“Ông Huỳnh Phước Hải là đảng viên, hội viên cựu chiến binh gương mẫu của Hội Cựu chiến binh xã. Ông rất tích cực trong các hoạt động của hội, nhiệt tình đóng góp và vận động nhân dân hưởng ứng xây dựng nông thôn mới”, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thạnh Hải Nguyễn Trí Hùng cho biết.

Bài, ảnh: Huỳnh Đức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN