Cựu Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anders Rasmussen. Ảnh: AFP
Theo đài Sputnik (Nga), ông Rasmussen cảnh báo nếu NATO không thể nhất trí về con đường rõ ràng cho Ukraine, thì nhiều khả năng một số quốc gia sẽ hành động riêng lẻ.
“Chúng tôi biết rằng Ba Lan rất tích cực trong hỗ trợ cụ thể cho Ukraine. Và tôi không loại trừ khả năng Ba Lan sẽ tham gia mạnh mẽ hơn nữa, và các quốc gia Batic sẽ theo sau. Họ có thể triển khai quân đội trên bộ. Tôi nghĩ người Ba Lan sẽ cân nhắc nghiêm túc việc tham gia và tập hợp một liên minh thiện chí nếu cam kết đảm bảo an ninh cho Ukraine bị loại khỏi chương trình nghị sự tại Vilnius”, ông Rasmussen nói.
Ông Rasmussen cho rằng Ukraine cần có các đảm bảo an ninh - bao gồm chia sẻ thông tin tình báo, huấn luyện quân sự chung, khả năng tương tác của NATO, tăng cường sản xuất đạn dược và cung cấp vũ khí.
Cựu quan chức NATO cũng nói rằng một số đồng minh có thể ủng hộ các đảm bảo an ninh cho Ukraine, để tránh thảo luận về nguyện vọng gia nhập liên minh của nước này.
“Họ hy vọng rằng bằng cách đảm bảo an ninh cho Ukraine, họ có thể né được câu hỏi này”, ông cho biết. “Tôi không nghĩ rằng điều đó là có thể. Tôi nghĩ vấn đề NATO sẽ được nêu ra tại hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius. Tôi đã nói chuyện với một số nhà lãnh đạo Đông Âu, và có một nhóm các đồng minh cứng rắn ở Đông Âu muốn một con đường rõ ràng cho Ukraine trở thành thành viên NATO”, ông nói.
Theo ông Rasmussen, ngay cả khi Ukraine không nhận được lời mời gia nhập NATO ở Vilnius, thì lời mời đó cũng có thể được gia hạn ở Washington vào năm tới. Ông lưu ý Ukraine sẽ thất vọng nếu không đạt được cam kết đó.
Hôm 6-6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bày tỏ ông hy vọng sẽ nhận được đảm bảo an ninh cho Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius, dự kiến diễn ra từ ngày 11 – 12-7, và một lời mời gia nhập liên minh một cách rõ ràng. Ông cho biết quân đội Ukraine thất vọng vì Kiev vẫn chưa nhận được quyết định rõ ràng về việc gia nhập NATO và Liên minh châu Âu (EU).
Về phần mình, Điện Kremlin nhiều lần tuyên bố rằng ngăn Ukraine gia nhập NATO là một trong những mục tiêu chính của Nga. Moskva coi việc NATO mở rộng sang hướng đông là một trong những mối đe dọa an ninh nghiêm trọng, buộc Nga phải phát động chiến dịch ở Ukraine.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin cuối tháng 5 nhắc lại các điều kiện chấm dứt xung đột, một trong số đó là Ukraine “phải trở lại tình trạng trung lập, không liên kết” và “từ chối gia nhập NATO, EU”. Ukraine đã bác bỏ những yêu cầu này.
Nguồn: TTXVN