Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh tham gia thảo luận các dự thảo luật

28/05/2019 - 19:32

Chiều 28-5-2019, tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội (QH) nghe Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên (DBĐV); Bộ trưởng Bộ Công an, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Lực lượng DBĐV; Báo cáo thẩm tra dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Sau đó, QH thảo luận ở Tổ về Dự án Luật Lực lượng DBĐV; Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Các vị đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre đã tham gia thảo luận:

Đối với Dự án Luật Lực lượng DBĐV

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, dự án Luật đã được chuẩn bị rất chu đáo. Việc ban hành Luật ngoài các ý nghĩa mà Tờ trình của Chính phủ đã nêu thì còn có ý nghĩa góp phần xây dựng nền quốc phòng vững mạnh, kết hợp quốc phòng với an ninh, nâng cao kỷ luật kỷ cương trong lực lượng DBĐV trong thực hiện nhiệm vụ cũng như trong lao động sản xuất. Đại biểu đề nghị bổ sung vào Điều 11 nội dung đăng ký DBĐV phải dựa vào chuyên môn, quân chủng, binh chủng để bố trí phù hợp với chuyên môn, sở trường.

Về độ tuổi DBĐV, đại biểu Nhưỡng tán thành với quy định tại Điều 16 dự thảo Luật. Tuy nhiên, nếu có trường hợp người có tuổi cao hơn, vẫn còn đủ sức khỏe, có tinh thần, muốn tham gia lực lượng này thì có được tham gia hay không. Vì đây chính là quyền tham gia bảo vệ Tổ quốc, đóng góp cho Tổ quốc, cho quốc phòng.

Khoản 2, Điều 14 quy định: Đơn vị DBĐV phải được duy trì đủ quân số, có số lượng dự phòng 10 - 15%; dự trữ vũ khí, trang bị kỹ thuật theo phân cấp. Đại biểu Nhưỡng đề nghị cần làm rõ quy định này. Vì đây là lực lượng nằm trong độ tuổi lao động, do yêu cầu làm ăn kinh tế phải đi xa, vậy có cần quy định có bao nhiêu người phải ở tại chỗ, vậy giải quyết như thế nào, cơ chế nào đảm bảo quân số 10 - 15%.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy góp ý Dự án Luật Lực lượng dự bị động viên.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy góp ý Dự án Luật Lực lượng dự bị động viên.

Liên quan đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy cho rằng không cần thiết phải quy định nội dung này, vì đây là lực lượng dự bị, lại quy định thêm số lượng dự phòng trong lực lượng dự bị thì không hợp lý. Bên cạnh đó, đại biểu Thủy cũng đề nghị ban soạn thảo rà soát, nghiên cứu các khái niệm liên quan đến sĩ quan dự bị, quân nhân chuyên nghiệp dự bị... với Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Công an nhân dân và các luật khác có liên quan để quy định thống nhất, trong trường hợp các luật khác đã có quy định thì quy định dẫn chiếu sang mà không quy định lại để tránh trùng lặp.

Về đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật (Điều 12), đại biểu Thủy cho rằng quyền có tài sản là quyền của công dân được Hiến định, việc bắt buộc công dân phải đăng ký quyền sở hữu tài sản lại phải đăng ký đưa vào phương tiện kỹ thuật DBĐV thì có phù hợp hay không. Nên chăng cơ quan có thẩm quyền phải lập danh sách thống kê để quản lý. Bên cạnh đó, đại biểu Thủy cũng đề nghị xem xét đối với các tài sản pháp luật không buộc phải đăng ký quyền sở hữu thì việc buộc tổ chức, cá nhân phải đăng ký để quản lý thì thực hiện như thế nào.

Về sắp xếp phương tiện kỹ thuật vào đơn vị DBĐV Điều 17 quy định phải sắp xếp phương tiện kỹ thuật vào đơn vị DBĐV có tính năng đúng yêu cầu sử dụng trong biên chế của từng đơn vị Quân đội nhân dân. Khoản 2, Điều 17 lại quy định: Trường hợp không có phương tiện kỹ thuật theo quy định tại Khoản 1 Điều này thì sắp xếp phương tiện kỹ thuật có tính năng tương ứng. Đại biểu Thủy đề nghị cần phải làm rõ phương tiện kỹ thuật có tính năng tương ứng là như thế nào để dễ thực hiện và cũng tránh lạm dụng, nhằm bảo vệ quyền sở hữu tài sản của công dân.

Đối với Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị phải quy định rõ tiêu chuẩn, chế độ cụ thể cũng như trường hợp sử dụng hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ và hộ chiếu phổ thông để thuận lợi trong công tác quản lý cũng như tránh lạm dụng trong quá trình sử dụng.

Đại biểu Nhưỡng cũng đề nghị bổ sung vào quy định tạm hoãn xuất cảnh đối với các trường hợp đối tượng có liên quan trong các vụ án đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Vì thời gian qua, nhiều trường hợp bỏ trốn ra nước ngoài ảnh hưởng xấu đến dư luận, gây khó khăn cho công tác điều tra, đặc biệt tốn nhiều công sức của cơ quan có thẩm quyền khi phải truy bắt dẫn độ đối tượng về nước khi chứng minh được đối tượng phạm tội.

Tin, ảnh: Nguyễn Văn Tân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN