Đảm bảo an toàn thực phẩm trong phòng chống dịch Covid-19

04/05/2020 - 06:53

BDK - Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương cùng sự tham gia tích cực của toàn dân, công tác phòng chống dịch Covid-19 bước đầu được kiểm soát tốt. Để phòng chống dịch Covid-19, ngoài thực hiện đầy đủ các khuyến cáo của Bộ Y tế, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, người dân cần thực hiện một số biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm và chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Rau xanh có đặc tính kháng vi-rút giúp ngăn ngừa, phòng chống bệnh tật. Ảnh: Thư Kỳ

Rau xanh có đặc tính kháng vi-rút giúp ngăn ngừa, phòng chống bệnh tật. Ảnh: Thư Kỳ

Thực phẩm an toàn

Đối với công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, người chế biến thức ăn, tiếp xúc trực tiếp với thức ăn, phục vụ ăn uống phải đeo khẩu trang khi chế biến; giữ khoảng cách tiếp xúc giữa nhân viên chế biến, phục vụ và người sử dụng thực phẩm theo hướng dẫn của Bộ Y tế; những người có ít nhất một trong các triệu chứng ho, sốt, khó thở không được bố trí làm việc tại cơ sở. Khu vực chế biến thức ăn phải có nơi rửa tay, đủ nước sạch và xà phòng để rửa tay và có thể trang bị thêm dung dịch khử khuẩn bàn tay cho người sơ chế, chế biến thực phẩm.

Đối với các suất ăn sẵn, thực phẩm chuyển đi phải được bao gói trong hộp/túi kín, an toàn và bảo quản theo quy định trong suốt quá trình vận chuyển. Khu vực ăn uống phải có nơi rửa tay, có đủ nước sạch và xà phòng để rửa tay sạch và có thể trang bị thêm dung dịch khử khuẩn bàn tay. Khu vực này phải đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát, đủ bàn ghế và bố trí khoảng cách giữa những người ăn uống; có đủ dụng cụ ăn uống đảm bảo riêng biệt cho từng người ăn uống và được vệ sinh sạch sẽ, khử khuẩn trước và sau khi sử dụng.

Cần hết sức cẩn trọng bởi những mối nguy hại về việc phát tán dịch bệnh mà thức ăn sống có thể gây ra. Vi-rút Corona không chịu được nhiệt, nó chết ở nhiệt độ 56oC trong vòng 30 phút. Vì thế, chúng ta nên tráng nước sôi bát đĩa trước khi ăn uống và chỉ ăn đồ nấu chín. Với nhiều người có thói quen ăn trứng lòng đào, cần chế biến trứng cho đến khi cả lòng trắng và lòng đỏ đều đông lại. Cắt giảm thực đơn các món chiên, nướng. Những loại thực phẩm này có thể gây viêm trong cơ thể và làm suy yếu hệ thống miễn dịch.

Bên cạnh đó, cần lưu ý uống nhiều nước, giữ ấm cơ thể, nghỉ ngơi đầy đủ để tăng cường đề kháng chống lại dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Dinh dưỡng hợp lý

Dinh dưỡng hợp lý nhằm nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Người tiêu dùng nên chọn mua thực phẩm chế biến sẵn ở những nơi có uy tín và bảo quản hợp vệ sinh. Chọn mua nguyên liệu thực phẩm để chế biến, nấu ăn phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; các loại thực phẩm bao gói sẵn ăn ngay cần chú ý hạn sử dụng còn dài, ghi rõ nơi sản xuất, nhà phân phối. Sử dụng những loại thực phẩm để tăng cường hệ miễn dịch như:

Tỏi, hành và hẹ: Tỏi không chỉ là gia vị không thể thiếu trong gian bếp của mỗi gia đình, nó còn là kháng sinh tự nhiên - vũ khí hữu hiệu chống lại rất nhiều bệnh như cảm cúm và viêm đường hô hấp; chữa tăng huyết áp, mỡ máu, giảm đường huyết, phòng chống ung thư... Tỏi có chứa nhiều i-ốt và tinh dầu (giàu glucogen và chất kháng sinh allicin, fitonxit có công dụng diệt khuẩn, sát trùng, chống viêm nhiễm)... Cách tốt nhất là ăn tỏi tươi. Nên ăn 3 - 5 tép tỏi tươi hoặc khô mỗi ngày hoặc chế biến thành dấm tỏi, rượu tỏi...

Hành và hẹ đã được chứng minh là làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng cảm lạnh và cúm bằng cách tăng hoạt động của các tế bào miễn dịch tự nhiên của cơ thể người. Tương tự, hành tây có đặc tính làm tăng số lượng bạch cầu, rất cần thiết trong việc chống lại mầm bệnh.

Vitamin C: Vitamin C là chất dinh dưỡng tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể bởi dưỡng chất này giúp làm tăng khả năng sản sinh của bạch cầu trong máu. Tuy nhiên, cơ thể con người lại không thể tự sản sinh hoặc tổng hợp vitamin C mà cần phải được cung cấp thông qua các loại thực phẩm. Các loại trái cây họ cam quýt như bưởi, cam, chanh... là những nguồn rất giàu vitamin C. Uống thêm các loại nước ép khác cũng giúp bạn tăng cường sức đề kháng trong mùa dịch.

Nấm: Các bằng chứng khoa học cho thấy, nấm có đặc tính kháng vi-rút tự nhiên giúp cơ thể bạn chống lại bệnh cúm. Nấm thúc đẩy quá trình sản sinh ra cytokine giúp chống lại vi-rút cúm. Nấm cũng có chứa polysaccharides - loại hợp chất hỗ trợ hệ miễn dịch. Tối ưu hóa hệ miễn dịch của bạn bằng cách phối hợp các loại nấm tốt với nhau trong bữa ăn, như nấm hương, nấm khiêu vũ (maitake) và nấm linh chi.

Rau xanh: Rau xanh chứa nhiều vitamin, nhất là vitamin C, E và chất chống oxy hóa hữu hiệu. Súp lơ, rau bó xôi, rau cải giúp tăng cường hệ thống miễn dịch khi bạn bị cúm hoặc các bệnh viêm nhiễm khác. Bí đỏ chứa nhiều dưỡng chất có ích như vitamin, muối khoáng, sắt và hàm lượng axit hữu cơ. Mặc dù không mang lại lợi ích ngay lập tức, rau xanh hay các loại thực phẩm khác vẫn có đặc tính kháng vi-rút giúp ngăn ngừa, phòng chống bệnh tật.

Sữa chua nguyên chất: Ăn sữa chua không chỉ giúp bạn có thân hình cân đối mà còn giúp cơ thể tăng cường khả năng phòng vệ chống lại các vi-rút. Thực phẩm lên men như sữa chua đã được chứng minh là thúc đẩy hoạt động của các kháng khuẩn trong cơ thể. Nên chọn loại sữa chua không đường, hoặc thay thế bằng các loại thực phẩm lên men tự nhiên khác như kim chi, dưa cải muối...

Mỹ Ngọc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích