Dấu ấn đặc biệt của người cầm bút tài năng

09/11/2021 - 11:21

BDK - Trong hoạt động báo chí tỉnh nhà (giai đoạn 1960 - 1995), từng có một cây bút đặc biệt, có tài, nhiệt huyết, là “cây đa, cây đề” của báo chí Bến Tre và báo chí Nam Bộ, một tấm gương mẫu mực cho các thế hệ nhà báo noi theo. Đó là nhà báo Huỳnh Năm Thông. Nhân kỷ niệm 45 năm Ngày Báo Chiến Thắng đổi tên thành Báo Đồng Khởi (11-11-1976 - 11-11-2021), Ban Biên tập Báo Đồng Khởi xin lược ghi những chia sẻ của một số cán bộ cách mạng lão thành từng có thời gian công tác, cùng gắn bó với nhà báo Huỳnh Năm Thông.

Nhà báo Lê Chí Nhân - nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh

Nhà báo Lê Chí Nhân - nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh

Nhà báo lão thành cách mạng Lê Chí Nhân - nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh: “Anh Năm Thông rất tài giỏi”

Tôi là một trong những người có khá nhiều thời gian làm việc chung với cố nhà báo Huỳnh Năm Thông. Tôi với anh Năm Thông hợp nhau ở chỗ nói và làm. Với tôi, anh Năm Thông là người Tổng biên tập xuất sắc, anh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ dù trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn.

Nhà báo Huỳnh Năm Thông là người rất tâm huyết với báo chí và là người luôn có ý chí tiến công. Anh kiên trì thực hiện cho kỳ được sớm có Đài Minh Ngữ. Đài Minh Ngữ đi chiến trường, từ 2 - 3 đài. Nếu đài này bị đạn pháo địch làm hư hoặc bị sự cố kỹ thuật thì cũng có đài khác để liên lạc về Miền và Trung ương. Anh đào tạo hiệu thính viên, cán bộ kỹ thuật và bố trí phóng viên thường trực ở Văn phòng Tỉnh ủy, ở Ban Chỉ huy tiền phương và đi bất cứ nơi nào khi cần. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, làn sóng điện của Đài Minh Ngữ Bến Tre không bao giờ ngưng. Tin tức của đài luôn đảm bảo thông tin chính xác, nhanh chóng, nhanh hơn cả các đài của địch như BBC, AP, UPI. Trong những lúc trao đổi công việc, anh Năm Thông thường nói với tôi: “Trong hoàn cảnh khó khăn, làm gì làm chứ báo của mình không thua tờ báo “Kiến Hòa Ngày Nay” (tờ báo của giặc ở Bến Tre), kể cả về nội dung, hình thức và kỹ thuật in ấn”.

Máy móc in báo được nhà báo Huỳnh Năm Thông rất quan tâm, thường xuyên nhắc nhở anh em chăm sóc, lau chùi cẩn thận. Máy móc và dụng cụ nhà in nặng nề, cồng kềnh và bị địch đánh phá liên tục. Tuy nhiên, nhà in vẫn hoạt động và báo chí vẫn phát hành theo định kỳ với nét chữ sắc nét, nội dung phong phú. Năm 1967, trong một trận càn lớn của Mỹ - ngụy, trái pháo của địch làm cháy kho giấy nhà máy in của ta ở rừng Thừa Đức (Bình Đại). Giặc phát hiện đánh lấy được nhà in, chúng cẩu máy móc đem về thị xã Trúc Giang triển lãm và khoe chiến công, cho rằng đã làm tê liệt máy in của cộng sản. Ít hôm sau, nhà báo Huỳnh Năm Thông cùng tòa soạn báo và nhà in đã tiếp tục xuất bản Báo Chiến Thắng với manchette như cũ và có bài “Nhà in và Báo Chiến Thắng nào đây”. Địch không ngờ ta đã có nhà in dự bị đặt ở nơi khác.

Nhà báo Huỳnh Năm Thông có một bản tố cáo tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ và tay sai ở Bến Tre trong thời gian 12 năm (1954 - 1966) gửi cho Tòa án quốc tế Bertrand Roussel ở Bỉ. Bài này do ông Nguyễn Văn Chim - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Trung Nam Bộ ký tên, ông Chim không sửa một lỗi hay một chữ nào cả. Anh Năm Thông rất tài giỏi.

Tôi mãi mãi nhớ về người bạn, đồng chí Huỳnh Năm Thông đã có thời gian dài gắn bó. Sau khi anh Năm Thông qua đời thì một ngày nọ, chị Năm Thông đã tìm tới nhà tôi để trao một bao sách và nói: “Đồ xưa nhất của ông nhà, tôi tặng anh. Anh giữ dùm ổng”. Tôi nhận lời  mà không cầm được nước mắt.

Nhà báo Phạm Công Nghiệp (Thanh nhân) - nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh: “Có một cây bút sắc sảo như Huỳnh Năm Thông”

Đối với tôi, anh Năm Thông giống như một người thầy, đã bồi dưỡng, đào tạo nghiệp vụ giúp tôi vững vàng hơn với nghề. Trong nghề báo, tôi là học trò của anh.

Nhà báo Phạm Công Nghiệp - nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh.

Nhà báo Phạm Công Nghiệp - nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh.

Nhớ lại giai đoạn tờ Tin Bến Tre, lúc này tôi còn ở huyện Châu Thành, thường xuyên viết tin, bài hoạt động cơ sở cho tờ tin, cũng chỉ là mới vào nghề viết. Sau đó, tôi được tỉnh rút về, phân công làm phóng viên cho tờ Tin Bến Tre, dưới sự dẫn dắt, chỉ đạo trực tiếp của anh Năm Thông. Thời gian đó, anh Năm Thông hướng dẫn tôi rất nhiều về nghiệp vụ báo chí. Tôi trưởng thành là nhờ công lao rèn luyện, đào tạo của anh Năm Thông.

Trong nghề báo, anh Huỳnh Năm Thông rất giỏi. Suốt quá trình làm báo, tôi chưa thấy anh sai sót gì về chính trị hay nghiệp vụ báo chí. Anh rất nhạy bén chính trị, lĩnh hội sâu sắc và triển khai tuyên truyền hiệu quả các chỉ đạo của Tỉnh ủy khi ấy, đồng thời lãnh đạo cơ quan báo thực hiện công việc rất sát sao. Vì vậy, anh nhận được sự tin tưởng, tín nhiệm của Ban Tuyên huấn và Tỉnh ủy lúc bấy giờ trong công tác tuyên truyền.

Là người trực tiếp làm báo và phụ trách cơ quan báo chí, hội đủ sự lão luyện về nghiệp vụ và nhạy bén chính trị, nắm bắt nhanh chỉ đạo của Tỉnh ủy, anh Huỳnh Năm Thông phụ trách viết xã luận cho báo (phần lõi quan trọng của Báo Chiến Thắng). Những bài xã luận của anh luôn được Tỉnh ủy đánh giá cao.

Có thể nói, giai đoạn báo chí cách mạng Bến Tre có sự hiện diện của anh Năm Thông với những dấu ấn rất đặc biệt. Cùng với sự dẫn dắt của nhà báo Lê Chí Nhân, khi ấy là Ủy viên Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, cùng với tài năng của anh Năm Thông đã góp phần phát triển tờ Tin Bến Tre thành tờ Báo Chiến Thắng. Không có tờ báo nào của Khu 2 vượt qua Báo Chiến Thắng.

Anh Huỳnh Năm Thông là người lãnh đạo báo chí Bến Tre trong suốt một thời gian dài, từ trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho đến sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong thời gian làm việc với anh Năm Thông, tôi tuyệt đối tin tưởng về nghiệp vụ và năng lực làm báo của anh ấy. Tôi nể phục anh Năm Thông trong cách bồi dưỡng, phát triển cấp dưới. Là phóng viên, tôi được anh hướng dẫn, phân công tác nghiệp. Quá trình đó, tôi học hỏi anh rất nhiều. Những bài viết còn hạn chế do nhận thức vấn đề của tôi chưa đủ “độ chín” đã được anh chỉ ra đầy thuyết phục. Anh phân tích và sửa trực tiếp vào bài, không nói chung chung, cân nhắc từ việc dùng từ ngữ cho đến cách tiếp cận như thế nào cho tốt, cho hay. Chính điều đó càng thể hiện cái tầm và sự ưu tú của anh đối với nghề báo.

Tới bây giờ tôi vẫn còn nhớ hình ảnh nhà báo Huỳnh Năm Thông với bộ đồ bà ba đen thường trực. Sau giải phóng một thời gian, anh mới đổi sang đồ sơ-vin, bên ngoài mặc chiếc áo khoác rộng thùng thình. Với tôi, anh là một nhà báo có tác phong làm việc thâm trầm, sâu sắc, đầy sức thuyết phục, thiện cảm với những người xung quanh. Gần anh, tôi nhận ra rằng, người lãnh đạo báo chí không phải chỉ giỏi về nghiệp vụ, mà còn phải là người giỏi về chính trị và có bản lĩnh vững vàng.

Nhà báo Lê Văn Be (Hoàng Lê) - nguyên Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Bến Tre: “Tổng biên tập có tài, có tâm”

Tôi có 15 năm gắn bó với anh Năm Thông. Tháng 4-1964, sau khi học lớp báo chí R do Ban Tuyên huấn Trung ương Cục tổ chức, anh Năm Thông được phân công làm Báo Chiến Thắng ở xã Long Mỹ, huyện Giồng Trôm. Cơ quan lúc này có nhiều người như các anh Nguyễn Hồ, Thanh Phong, Thanh Nhân, Thống Quốc… Lúc bấy giờ, anh Năm Thông lớn tuổi hơn hết và có hiểu biết sâu rộng về chính trị, rành về nghiệp vụ nên được mọi người rất tôn trọng, kính nể. Anh Năm rất thương anh em còn trẻ và thường gần gũi để chỉ bảo. Anh cẩn thận, kỹ lưỡng trong công việc và chủ động dự báo được tình hình. Anh thường quan tâm đến đời sống của anh em, tổ chức cho mọi người cùng lao động sản xuất, trồng tỉa hay bắt tôm, cá để cải thiện đời sống.

Nhà báo Lê Văn Be (Hoàng Lê) - nguyên Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Bến Tre

Nhà báo Lê Văn Be (Hoàng Lê) - nguyên Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Bến Tre

Cơ quan báo mở nhiều lớp đào tạo cán bộ, phóng viên, cộng tác viên ở huyện, xã. Anh Năm Thông có quan hệ rộng, nhiều uy tín nên được nhiều người yêu mến, đã gửi gắm người quen lo việc cơm nước phục vụ cho các lớp đào tạo, tập huấn. Anh cũng có nhiều tài lẻ rất hay. Năm 1967, tôi bị đau khớp chân nên chạy không được, chỉ đi cà nhắc. Anh Năm Thông đã chỉ tôi mua thuốc Tây và tự tay anh tiêm chích cho tôi. Đến nay thì bệnh khớp của tôi đã khỏi hẳn.

Đến bây giờ, tôi vẫn còn khắc sâu hình ảnh của người Tổng biên tập luôn quan tâm và có tinh thần trách nhiệm cao với công tác báo chí. Lúc chuẩn bị đổi tên Báo Chiến Thắng thành Báo Đồng Khởi, anh Năm Thông phân công họa sĩ Lưu Huỳnh Truyền làm manchette. Tôi tới TP. Hồ Chí Minh tìm nhà in Báo Nhân Dân để in tờ Báo Đồng Khởi đầu tiên. Khi xe chở báo về tới, anh Năm Thông đã đi bộ tới trước UBND thị xã Bến Tre (nay là trụ sở Ngân hàng VietinBank) để đón tờ Báo Đồng Khởi đầu tiên - ngày 11-11-1976.

Họa sĩ Lê Dân - nguyên Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu: “Tôi biết làm báo là nhờ anh Năm Thông”

Đầu năm 1964, tôi bắt đầu vào làm việc cho Báo Chiến Thắng, là họa sĩ minh họa, trình bày cho báo (thời gian này, báo chí và văn nghệ ở chung một bộ phận) trực thuộc Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, đóng tại xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm. Khi về làm việc cho Báo Chiến Thắng, tôi đã gặp các nhà báo: Huỳnh Năm Thông, Nguyễn Hồ, Chim Trắng… Khi ấy, anh Năm Thông được phân công phụ trách tờ Báo Chiến Thắng. Tôi trực tiếp làm việc với anh Năm Thông qua việc trình bày, minh họa các nội dung cho báo.

Họa sĩ Lê Dân với kỷ niệm bức họa thời kháng chiến.

Họa sĩ Lê Dân với kỷ niệm bức họa thời kháng chiến.

Đến cuối năm 1966 (khi đã thành lập Tiểu ban Thông tấn Báo chí và Tiểu ban Văn nghệ), tôi được đưa về Tiểu ban Văn nghệ. Tuy vậy, tôi tham gia phụ trách trình bày cho Báo Chiến Thắng cho đến ngày giải phóng. Riêng nhà báo Huỳnh Năm Thông làm việc ở Tiểu ban Thông tấn Báo chí, sau đó được chuyển về công tác Quân khu. Do vậy, tôi có vài năm làm việc chung, cùng ăn ở chung một nhà với nhà báo Huỳnh Năm Thông.

Tôi có nhiều kỷ niệm với anh Năm Thông. Anh là một người rất vững về nghề nghiệp báo chí, vì anh từng làm báo ở những năm kháng chiến chống Pháp, có thâm niên và nhiều kinh nghiệm làm báo, cũng như am hiểu rất sâu về hoạt động báo chí. Do đó, anh Năm Thông đã đóng góp rất nhiều cho Báo Chiến Thắng, từ việc sắp xếp nội dung, đến định hướng minh họa, trình bày làm cho tờ báo đẹp mắt, thu hút. Phải nói rằng, tôi biết làm báo là nhờ anh Năm Thông. Với tôi, anh như là người thầy đầu tiên để chỉ dẫn cho tôi làm quen với báo chí, vì trước đó tôi chỉ làm họa sĩ chứ chưa tham gia làm báo. Anh là một người anh rất giản dị, hiền lành, gần gũi và sống tình cảm với anh em.

Đời thường, anh Năm Thông có sở thích dùng dầu cù là nên được anh em làm báo dí dỏm gọi vui là ông “Năm Cù Là”. Khi được gọi vậy, anh không hề trách mà vẫn vui vẻ với mọi người. Anh với chúng tôi khi ấy như là anh em một nhà, cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc, gắn bó tình cảm với nhau. Tuy là người đi trước, có nhiều am hiểu về nghề báo nhưng anh rất khiêm tốn, hòa đồng với anh em và hết lòng với công việc.

Tôi không chỉ có những kỷ niệm ở thời làm Báo Chiến Thắng mà còn làm họa sĩ cộng tác cho Báo Đồng Khởi sau này và là độc giả dõi theo những bước phát triển của báo. Báo Đồng Khởi hiện có nhiều điều kiện thuận lợi hơn xưa. Báo đã phát huy các điều kiện, nguồn nhân lực để ngày càng phát triển tốt hơn, theo nhịp phát triển chung của tỉnh. Tôi mong dịch Covid-19 được kiểm soát tốt thì Hội Nhà báo tỉnh, Báo Đồng Khởi tổ chức cuộc họp mặt các nhà báo thời kỳ kháng chiến, để các thế hệ làm báo có dịp gặp gỡ, giao lưu, ôn lại truyền thống của báo chí tỉnh nhà.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trị - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: “Tác phẩm của nhà báo Huỳnh Năm Thông luôn tươi mới”

Tuy không phải là người làm việc chung với anh Huỳnh Năm Thông nhưng tôi có những kỷ niệm với anh. Thời điểm khoảng tháng 10-1975, khi ấy tôi công tác ở Ban Tuyên huấn huyện Ba Tri. Tôi được anh Năm Thông đề xuất về làm Ủy viên Ban biên tập cho báo. Trước đó, tôi đã có quá trình làm ủy viên tuyên truyền, phụ trách thông tin báo chí, phụ trách tờ tin của huyện, gửi bài cộng tác về Báo Chiến Thắng. Nhưng vì huyện muốn tôi ở lại nên tôi không đi.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trị hiện là Chủ tịch Hội Di sản văn hóa tỉnh.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trị hiện là Chủ tịch Hội Di sản văn hóa tỉnh.

Sau này, khi đảm nhiệm Trưởng ban Tuyên huấn huyện Ba Tri, tôi có thời gian gặp gỡ nhà báo Huỳnh Năm Thông - Tổng biên tập Báo Đồng Khởi kiêm Phó trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy. Tôi trao đổi công việc và trò chuyện đời thường cùng anh Năm Thông. Đồng thời, cũng có dự một số hội nghị và nghe nhà báo Huỳnh Năm Thông phát biểu. Từ đó, tôi cảm nhận nhiều hơn anh Năm Thông là một người giản dị nhưng trí tuệ rất uyên bác.

Qua tìm hiểu, tôi biết nhà báo Huỳnh Năm Thông giỏi từ khi còn trẻ. Mới 20 tuổi đã làm Trưởng ty Giáo dục của tỉnh Long Châu Hà (Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên gom lại), tương đương Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo bây giờ. Sau đó, anh được rút về làm Tổng biên tập Báo Giải Phóng khu Trung Nam Bộ (Khu 8) và sau về Bến Tre. Vì thế, Huỳnh Năm Thông không chỉ là nhà báo của Bến Tre mà của cả Nam Bộ, của cả nước, được nhiều cán bộ Trung ương kính nể, quý trọng.

Anh Năm Thông là nhà báo có bản lĩnh của người chiến sĩ cầm bút. Qua quá trình tiếp xúc với anh, đọc bài của anh, nghe anh nói chuyện và nghe mọi người nói về anh, tôi thấy rằng bút lực của anh rất trẻ trung, trong sáng, sôi nổi và bút pháp rất già dặn. Nghĩa là khi viết, anh đi vào ngóc ngách vấn đề, phân tích từ đầu đến cuối và đến cùng vấn đề chứ không viết nửa vời. Phía người đọc cũng cảm thấy có lòng tin vào bài viết của anh. Thể tài trong các bài viết của anh cũng rất phong phú.

Nhà báo Huỳnh Năm Thông có nhiều bút danh như: Diệp Hà (tùy bút), Trần Nguyên (bút ký), Lê Thị Thảo Ngân (truyện ngắn), Trần Bá Tân, TBT (chính luận, xã luận…), Lưu Ly (theo dòng thời sự), Học Tân (dạng ngẫm nghĩ)… Thể tài nào anh  viết cũng rất hay, không hề khô khan mà rất tươi mới. Những bài viết qua ngòi bút của anh đều lung linh sắc màu. Còn một đặc điểm đáng quý nữa ở anh Năm Thông là rất chu đáo, từ tốn và tế nhị trong xử lý các vấn đề, không dùng lời lẽ “dao to búa lớn” với anh em. Chính vì cách xử lý có chiều sâu nên anh em rất cảm mến anh. Anh còn là người có công đào tạo cán bộ báo chí, nhiều thế hệ nhà báo kỳ cựu đóng góp cho tỉnh nhà.

Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường tỉnh Trịnh Văn Y - nguyên Phó chủ tịch ubnd tỉnh: “Tôi ấn tượng với những bài xã luận”

Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường tỉnh Trịnh Văn Y

Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường tỉnh Trịnh Văn Y

Nhắc đến anh Năm Thông, điều tôi ấn tượng nhất là những bài xã luận của anh đăng trên Báo Chiến Thắng.

Tôi được biết anh Năm Thông qua những bài xã luận trên Báo Chiến Thắng trong thời gian kháng chiến chống Mỹ, vào những năm đầu 1970 khi tôi công tác tại xã Lương Phú (Giồng Trôm). Trong lúc chiến tranh ác liệt thì việc có tờ báo trên tay là rất quý, có thể nắm được thông tin của tổ chức, nắm được tình hình chung trên địa bàn tỉnh, từ đó có chiến thuật đánh giặc phù hợp. Trên Báo Chiến Thắng lúc bấy giờ, bài xã luận mà anh Năm Thông viết tôi rất quan tâm, nói rất thực tế tình hình địa phương, thể hiện được tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, thẳng thắn chỉ ra mặt được và vấn đề cần xem xét để rút kinh nghiệm. Đặc biệt, trong các bài xã luận đó luôn có những gợi ý, tháo gỡ những vướng mắc hiện tại. Tôi cho rằng, những bài xã luận của anh Năm Thông rất có giá trị, gợi mở cho bản thân tôi rất nhiều vấn đề trong thời gian công tác ở cơ sở cũng như ở tỉnh.

Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Trần Công Ngữ - nguyên Phó chủ tịch ubnd tỉnh: “Người anh sống chan hòa với anh em, gắn bó với nhân dân”

Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Trần Công Ngữ

Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Trần Công Ngữ

Trong thời gian kháng chiến, tôi không có dịp tiếp xúc nhiều với anh Năm Thông, bởi anh là Trưởng tiểu ban Báo chí (thuộc Ban Tuyên - Văn giáo), còn tôi thì tham gia Đoàn Văn công giải phóng Bến Tre. Tôi rất cảm kích những người làm báo lúc bấy giờ, bởi khi tác nghiệp họ phải lăn xả, không màng vất vả hay nguy hiểm tới tính mạng, có khi trực tiếp ra chiến trường để có những thước phim, những tấm hình phản ánh hào khí của người cộng sản, hay lột tả về tội ác của giặc khi giày xéo trên quê hương chúng ta.

Có thể nói, anh Năm Thông là một cây bút chủ lực của tờ Báo Chiến Thắng lúc bấy giờ. Ngòi bút của anh Năm Thông rất sâu sắc và chặt chẽ. Hình ảnh của anh Năm Thông trong tâm trí tôi là người anh điềm đạm, sống chan hòa với đồng chí, đồng đội và là người gắn kết chặt chẽ với nhân dân, với cơ sở.

Đ. Chính - A. Nguyệt - T. Đồng - Q. Hùng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN