BDK - Di tích Căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định tọa lạc tại ấp Tân Hòa Ngoài, xã Tân Phú Tây (Mỏ Cày Bắc). Đây là di tích ghi dấu nơi các đồng chí lãnh đạo Đảng từng về đây hoạt động cách mạng. Khu ủy Sài Gòn - Gia Định do đồng chí Võ Văn Kiệt làm Bí thư cùng các đồng chí bí mật di chuyển về đóng tại đây từ tháng 7-1969 đến tháng 10-1970. Tuy thời gian đóng tại đây không dài nhưng đã để lại những dấu mốc lịch sử đáng nhớ. Năm 1995, Căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia, là một trong những địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống và phục vụ tham quan du lịch.
Du khách đến tham quan tìm hiểu tại Di tích lịch sử cấp quốc gia Khu ủy Sài Gòn - Gia Định.
Nơi hoạt động cách mạng
Căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định còn có mật danh là Y4, hay T4, là cơ quan đầu não chỉ huy cuộc kháng chiến chống Mỹ ở khu vực Sài Gòn - Gia Định. Theo tài liệu Di tích lịch sử văn hóa Bến Tre, năm 1969, Thường vụ Trung ương cục miền Nam lãnh đạo trực tiếp Khu ủy Sài Gòn - Gia Định quyết định phải đưa cơ quan khu ủy về đồng bằng sông Cửu Long để tránh sự thiệt hại và đảm bảo sự chỉ đạo bên trong nội đô.
Vào tháng 7-1969, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định do đồng chí Võ Văn Kiệt làm Bí thư, hai đồng chí Trần Bạch Đằng và Mai Chí Thọ làm Phó bí thư đã lãnh đạo, chia thành nhiều bộ phận nhỏ, bằng nhiều hình thức bí mật di chuyển về đóng tại xã Tân Phú Tây và Thành An. Đây là vùng mới giải phóng, nhân dân kiên cường, có trình độ giác ngộ chính trị cao, địa hình lại rất hiểm trở, nhiều kênh rạch chia cắt, có nhiều vườn dừa liên tiếp che chắn, địch không thể đổ quân bằng xe cơ giới, thiết giáp, kể cả việc dùng trực thăng đổ quân cũng gặp nhiều hạn chế.
Chỉ bằng những vật liệu thô sơ, chủ yếu là sử dụng những thứ có sẵn tại chỗ, các du kích địa phương đã xây dựng 16 hầm nối và 14 hầm bí mật (phân bố ở hai xã liên hoàn: Tân Phú Tây và Thành An), tất cả được bố trí chặt chẽ để có thể chỉ viện cho nhau lúc cần thiết. Các hầm nổi là nơi ở, làm việc, hội họp của các đồng chí lãnh đạo khu ủy, ban y tế, bộ phận điện đài cơ yếu; ngoài ra, còn có 1 hầm được đặt tên là “Nhà hạnh phúc” là nơi ở đêm tuyên hôn của các chiến sĩ Y4.
Đến tháng 10-1970, địch đã phát hiện lãnh đạo Khu ủy hoạt động tại xã Tân Phú Tây, chúng nhiều lần đổ quân đánh phá nơi đây và các xã lân cận. Trước tình hình đó, đồng chí Võ Văn Kiệt đã họp lãnh đạo Khu ủy, quyết định rút khỏi vùng căn cứ. Thời gian đóng tại khu căn cứ, lãnh đạo Khu ủy Sài Gòn - Gia Định đã nhận được sự cưu mang đầy nghĩa tình của quân và dân trong vùng.
Lịch sử đấu tranh cách mạng xã Tân Phú Tây còn ghi lại, tháng 11-1969, Trung đoàn 11, Sư đoàn 7 ngụy cùng Trung đoàn Biệt động quân mang phiên hiệu Cọp đen đổ quân đánh vào các xã Thạnh Ngãi, Tân Thành Bình, Tân Phú Tây và Thành An với ý đồ thăm dò căn cứ Y4 và tìm hiểu về căn cứ này. Du kích các xã đã cùng lực lượng bảo vệ Y4 bám sát địch, đánh trả quyết liệt, diệt 45 tên, thu 30 súng, bắn rơi 4 trực thăng…
Sau chiến tranh, vùng căn cứ gần như bị phá hủy hoàn toàn. Để nhắc nhớ sự kiện ấy, tháng 11-1997, Đảng bộ và nhân dân tỉnh đã phục chế lại 2 hầm nổi: hầm điện đài cơ yếu và hầm làm nơi ở và làm việc của đồng chí Võ Văn Kiệt. Khu trưng bày còn lưu giữ nhiều hình ảnh, hiện vật về thời gian hoạt động cách mạng tại đây.
Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống
Trong thời gian hoạt động cách mạng tại đây, các đồng chí lãnh đạo và tất cả cán bộ, chiến sĩ đã vượt qua bao gian khó, hy sinh ở vùng căn cứ. Không chỉ phải đổ công sức bằng mồ hôi, nước mắt để xây dựng hầm hố công sự chống pháo bom B52, hầm bí mật kiên cố mà đổ cả xương máu chống càn, chống địch phục kích. Đặc biệt, cấp ủy đi đến đâu đều được sự giúp đỡ của địa phương, hơn nữa còn phải triển khai đường dây giao liên bảo đảm sự chỉ đạo của cấp ủy được thông suốt.
Ngày nay, di tích là dấu ấn cho một sự kiện lịch sử quan trọng trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, là chứng nhân lịch sử, là bài học cho hôm nay và thế hệ mai sau. Năm 2010, di tích được khởi công trùng tu và khánh thành đưa vào phục vụ năm 2012. Di tích có tổng diện tích khoảng 2ha. Trong đó phục chế 7 hầm nổi: Nơi ở và làm việc của đồng chí Võ Văn Kiệt, Hầm cứu thương, Hầm cơ yếu, Nơi ở và làm việc của đồng chí Mai Chí Thọ, Hầm hội họp, Nơi ở và làm việc của đồng chí Trần Bạch Đằng, Hầm hạnh phúc và 3 hầm bí mật là nơi trú ẩn của đồng chí Võ Văn Kiệt, Trần Bạch Đằng và Mai Chí Thọ.
Anh Hồ Hoàng Sơn - Tổ phó Tổ di tích Căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định cho biết, Tổ di tích luôn bố trí cán bộ thuyết minh trực 7/7 ngày trong tuần để phục vụ khách đến tham quan, tìm hiểu. Từ đầu năm 2025 đến nay, di tích đã đón hơn 4,9 ngàn lượt khách tham quan; trong đó, khách trong tỉnh là 15 đoàn, ngoài tỉnh 30 đoàn.
Khu di tích nằm giữa không gian xanh yên bình, vẫn ngày ngày đón tiếp nhiều lượt khách để cùng nhắc nhớ về một thời kỳ lịch sử mang tên Y4 và những bài học về lòng yêu nước có giá trị mãi về sau.
Nhiều đại biểu, du khách đã bày tỏ cảm xúc khi đến tham quan di tích. Cuối tháng 3-2025, đoàn cán bộ, chiến sĩ Ban Thông tin Vô tuyến Khu ủy Sài Gòn - Gia Định đã về thăm di tích. Ông Đoàn Hoàng Hải - nguyên Trưởng ban Thông tin Vô tuyến Khu ủy Sài Gòn - Gia Định chia sẻ: Cách đây 55 năm, chúng tôi phục vụ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định tại mảnh đất này, được nhân dân yêu thương, đùm bọc, che chở, chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thông tin liên lạc cho cấp ủy.