
Đại biểu trí thức trẻ trao đổi tại phiên thảo luận chuyên đề ở tổ nội dung về quy hoạch.
Nhiều đề xuất thiết thực
Với chủ đề “TTT thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, góp phần phục hồi phát triển kinh tế đất nước sau đại dịch”, Ban tổ chức đã tập trung thảo luận sâu tại từng tổ, với 4 nội dung chính, gồm: Đề xuất mô hình tăng trưởng, gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững. Quy hoạch và giải pháp sử dụng hiệu quả, đồng bộ các quy hoạch địa phương, vùng, quốc gia. Phát huy vai trò của TTT Việt Nam trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh, gắn với đổi mới hệ thống y tế. Đây là các nhóm chủ đề mang tính thời sự, cấp thiết trong bối cảnh đất nước ta đang trong quá trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19.
Phiên thảo luận của 4 nhóm chuyên đề diễn ra đồng thời, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đã phát huy được tiềm năng, chất xám, trí tuệ của các đại biểu TTT tham dự; tập trung thảo luận, đưa ra các giải pháp và đề xuất, khuyến nghị. Tổng cộng đã có 27 tham luận, 155 ý kiến phát biểu, 51 đề xuất, khuyến nghị và 3 dự án được đăng ký triển khai. Bên cạnh đó, trước thềm diễn đàn, các đại biểu cũng đã tổ chức 15 hội thảo khoa học, diễn đàn nhánh theo nhiều chủ đề, lĩnh vực chuyên môn.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam Nguyễn Ngọc Lương đánh giá: “Các đại biểu đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, sự sáng tạo, hiệu quả trong nghiên cứu khoa học, thể hiện sự tâm huyết thông qua các ý kiến góp ý, các đề xuất, khuyến nghị cụ thể. Đồng thời, đại biểu trao đổi, chia sẻ về những kỹ năng, kiến thức, kết quả nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo cập nhật của Việt Nam và thế giới, góp phần nâng cao hiệu quả quản trị công, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước. Đại biểu đã đề xuất được các giải pháp, biến các ý tưởng, sáng kiến, nghiên cứu về chuyển đổi số (CĐS) thành các dự án, sản phẩm thực tế, hướng đến phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong thời kỳ mới; hình thành các định hướng ưu tiên trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn”. Kết thúc diễn đàn, Ban tổ chức sẽ tổng hợp các ý kiến của đại biểu, xây dựng thành bản báo cáo gửi các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các cơ quan chức năng có liên quan.
Cơ hội của Bến Tre
Với góc độ đại diện đơn vị đăng cai sự kiện, Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ cho biết: Diễn đàn lần này được tổ chức tại Bến Tre chính là cơ hội tốt để các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh Bến Tre nói riêng có thêm nhiều điều kiện kết nối với mạng lưới TTT Việt Nam trong và ngoài nước, phát huy một cách tốt nhất thế mạnh, tiềm năng của từng địa phương và cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Tham gia thảo luận tại 4 tổ chuyên đề, các đại biểu TTT của Bến Tre cũng đã đóng góp các nội dung tham luận có giá trị như: Thạc sĩ Nguyễn Võ Nhất Duy với tham luận “Phát huy hiệu quả tiềm năng kinh tế biển, góp phần phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long”, Thạc sĩ Bùi Hữu Nghĩa với tham luận “Khai thác các giá trị văn hóa trong hoạt động du lịch ở Bến Tre”, Bác sĩ Trần Diệp Phong (Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu) với tham luận “Vai trò của CĐS trong hoàn thiện hệ thống y tế cơ sở”. Hơn 50 đại biểu TTT trong tỉnh tham gia trực tiếp tại 4 tổ thảo luận đóng góp các ý kiến trao đổi có giá trị, góp phần làm rõ nội dung đề ra.
Một điểm ấn tượng tại diễn đàn là sự góp mặt của hàng loạt các giải pháp công nghệ, hỗ trợ CĐS trên các lĩnh vực đã được các doanh nghiệp số cũng như đại biểu TTT giới thiệu. Nổi bật, gian hàng trưng bày máy bay không người lái AgriDrone phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tại đây, đại biểu tham dự cũng đã được trải nghiệm sàn thương mại điện tử thực tế ảo AgriVerse, là giải pháp giúp thanh niên tiếp cận với công nghệ mới. Các gian hàng AgriVerse được trang bị công nghệ thực tế ảo VR (đeo kính) trải nghiệm gian hàng 3D với hình ảnh sản phẩm, video, hội chợ ảo; xem thông tin, tương tác với các sản phẩm nông nghiệp, trò chuyện, tư vấn, mua bán với các chủ mô hình trực tiếp trên nền tảng Metaverse.
Bên cạnh đó, khu vực trưng bày mô tô bay siêu nhẹ Airlios One cũng tạo được sức hút lớn. Thiết bị làm từ hợp kim nhôm kết hợp với các-bon được điều khiển tự động, sải cánh 2m, trọng lượng 220kg với tải trọng 100kg, thời gian bay khoảng 20 phút, tốc độ 100km/h, định hướng phục vụ di chuyển cá nhân và du lịch. Được biết, phương tiện đã được thử nghiệm với hơn 100 giờ bay và 1 ngàn km đường bay và dự kiến được thương mại hóa vào năm 2024.
Các doanh nghiệp công nghệ tại Bến Tre trưng bày các giải pháp công nghệ, hỗ trợ CĐS như: hệ thống trải nghiệm thực tế ảo phục vụ du lịch, học tập, truyền thông (Viettel), mô hình nhà thông minh Smarthome, ứng dụng mobiAgri (Mobifone) phục vụ CĐS nông nghiệp, các giải pháp CĐS của VNPT...
Những kiến thức, kinh nghiệm được chia sẻ tại diễn đàn cũng như môi trường thảo luận khoa học từ chính các TTT đã mang đến cho Bến Tre mà cụ thể là những TTT cũng như đoàn viên, thanh niên Bến Tre cơ hội học tập thiết thực. Với tinh thần học hỏi, từng đại biểu đúc kết cho mình những bài học thiết thực. Từ đó, tiếp tục trau dồi chuyên môn, càng thêm tâm huyết, cống hiến cho quê hương.
Tại diễn đàn, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ một lần nữa khẳng định: Bến Tre đang và sẽ tập trung các giải pháp xây dựng, thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng tốt, huy động các nguồn lực phát triển tỉnh theo chiến lược và quy hoạch, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Đồng thời, đổi mới tác phong, phong cách, lề lối làm việc cũng như có cơ chế, giải pháp để xây dựng và phát triển đội ngũ TTT tiêu biểu, trở thành hạt nhân trong xây dựng và phát triển con người Bến Tre toàn diện, thúc đẩy hợp tác nghiên cứu khoa học, tăng cường truyền thông xây dựng và quảng bá hình ảnh Bến Tre với bạn bè trong và ngoài nước.
Thông điệp dành cho trí thức trẻ
Đến tham dự Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần V tại Bến Tre, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đã đặc biệt nhấn mạnh 3 thông điệp dành cho trí thức trẻ.
Thứ nhất là “tinh thần học tập, sáng tạo”. Trí thức trẻ cần phát huy lợi thế tuổi trẻ để học tập được nhiều nhất, cập nhật những kiến thức mới nhất, lựa chọn những phương pháp tối ưu nhất, tiếp thu và làm chủ được những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến nhất, để nâng cao tri thức, năng lực, giá trị bản thân và đóng góp có hiệu quả nhất cho sự phát triển của đất nước.
Thứ hai, trí thức trẻ cần có “ý chí dấn thân lập nghiệp”. Có trí tuệ lựa chọn đúng con đường, đặt niềm tin đúng chỗ và đóng góp thiết thực cho xã hội. Có bản lĩnh, niềm tin và đức hy sinh để vượt qua mọi khó khăn, thử thách, vượt qua được những thất bại tạm thời để đi đến đích thành công trên con đường đã chọn. Trí thức trẻ Việt Nam, dù ở trong nước hay ngoài nước, dù công tác ở bất kỳ lĩnh vực nào cần tiếp tục phát huy thật tốt vai trò nòng cốt của mình trong cung cấp luận cứ khoa học, góp phần hoạch định, xây dựng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Chính thông qua lao động sáng tạo, tham gia giải quyết những vấn đề thực tiễn, người trí thức trẻ vừa làm giàu thêm tri thức của mình, vừa làm giàu thêm kho tàng tri thức của đất nước, đem những tri thức của mình phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; qua đó tự khẳng định mình, tích lũy nhiều trải nghiệm thực tế và trưởng thành, lớn mạnh vững vàng hơn.
Thứ ba là khát vọng cống hiến cho đất nước. Với trình độ chuyên môn, tâm huyết và nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của mình, cho dù cuộc sống còn đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả nhưng trí thức đã, đang và sẽ hết lòng, hết sức cống hiến cho dân tộc và đất nước.
|
Bài, ảnh: Thanh Đồng