Đoàn tham lại khu di tích đoàn tàu không số tại Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú. Ảnh: Hữu Hiệp
Tại đây đoàn có dịp đến thắp hương tưởng niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định (xã Lương Hoà, Giồng Trôm), gặp gỡ lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và về thăm lại Khu di tích Đầu cầu tiếp nhận vụ khí Bắc - Nam, tại xã Thạnh Hải, huyện Thạnh phú; thăm Khu di tích Đồng Khởi ở xã Định Thuỷ, huyện Mỏ Cày Nam. Nhiều tình cảm, xúc động và thân thương của 51 CCB đã gây nhiều dấu ấn đáng nhớ cho chuyến hành trình đầy ý nghĩa.
Ký ức hào hùng
Ông Đỗ Văn Phước, bày tỏ niềm xúc động vì trở lại được gặp gỡ các đồng chí đã cùng ông trực tiếp giao, nhận hàng tại bến Cây Dừa năm 1970. “Trong các đồng chí ngồi đây tôi biết rằng, vào tất cả các bến của 962 không vào Bến Tre thì cũng Trà Vinh, Cà Mau, mà nhiều nhất là Cà Mau. Cho nên, hôm nay các đồng chí được về Bến Tre thì là điều vô cùng quý. Gặp lại các đồng chí tôi vô cùng xúc động và hết sức cảm ơn, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, các ban ngành tổ chức buổi họp mặt vô cùng có ý nghĩa này” - ông Đỗ Văn Phước nói.
Cựu chiến binh Đoàn tàu không số gặp lại sau bao năm xa cách. Ảnh: Hữu Hiệp
Tôi là CCB Đoàn tàu không số, trước ở Trung đoàn 963 gần 30 năm và có 10 năm lãnh đạo chỉ huy Trung đoàn này, cho nên Đoàn tàu không số tôi cũng am hiểu khá nhiều. Bến Tre ngoài là thủ phủ của Đoàn tàu không số nơi đây còn là nơi trực tiếp tiếp nhận vũ khí từ Bắc chuyển vào là nơi cất giữ vũ khí từ Cà Mau, Trà Vinh chuyển qua. Từ Cà Mau vô 58 chuyến, Trà Vinh 17 chuyến, tại Bến Tre 28 chuyến. Vũ khí ở đây không phải chỉ phục vụ cho Quân khu 8, Quân khu 9, chủ yếu chiến trường chính là miền Đông Nam Bộ và Sài Gòn. Vì vậy, tất cả đều tập trung từ Trà Vinh, Cà Mau về rừng Thạnh Phú, có lúc phải đưa ra ngoài dân cất giữ như ở Thành Thới bây giờ vẫn còn đấu tích của các hầm chôn vũ khí, mỗi hầm vậy là 5 tấn vũ khí.
Rồi từ đây mới chuyển qua Bình Đại qua Gò Công, tỉnh Tiền Giang, đưa lên miền Đông. Cho nên, vừa phục vụ chiến trường và hình thành các đơn vị chủ lực của Miền, quân khu về đây để huấn luyện, xây dựng lực lượng và tiếp nhận vũ khí. Lúc đó có Đại tướng Lê Văn Dũng nhận vũ khí của tàu không số tại Bình Đại đi lên Miền. Do vậy, chiến trường ở Bến Tre lúc bấy giờ rất ác liệt, dân ở đây chịu đựng bom đạn khá nhiều. B.52, pháo hạm của kẻ thù cũng đánh ở đây trước, rất khốc liệt. “Ngày mai, anh em sẽ về lại căn cứ tôi sẽ hướng dẫn cho các đồng chí một số vị trí tàu về cặp bến, các vùng chứa vũ khí, để ôn lại kỷ niệm một thời khốc liệt nhưng hào hùng và đáng nhớ nhất đối với anh em chúng ta” - - ông Đỗ Văn Phước bộc bạch.
Cựu chiến binh Đoàn tàu không số tham quan hiện vật tại Khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định ở xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm. Ảnh: Hữu Hiệp
Trung tá Lê Chi Mai, Đoàn tàu không số A101, tôi rất vinh dự được đứng trong đội ngũ của Đoàn tàu không số năm xưa, được tham gia trực tiếp vận chuyển vũ khí vào chiến trường miền Nam nói chung và trực tiếp là tháng 9-1964 tôi có chuyến chở hàng vào Bến Tre. Chuyến hàng này chở khoảng 70 tấn, tuy không trọn vẹn thành công những cũng đã để lại ở đây sự quan tâm sâu sắc của miền Bắc đối với miền Nam.
Tôi xúc động, nhưng cũng phấn khởi, tự hào khi thấy quê hương Bến Tre đã đổi thay nhiều khi mỗi lần trở lại. Bộ mặt của TP. Bến Tre cũng như đời sống kinh tế, văn hoá của người dân đã khắc lại trong tôi một thứ tình cảm gần gũi, gắn bó và cũng rất trân trọng đối với sự đóng góp của người dân, các lực lượng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ địa phương. Mỗi lần về, trong tôi lại vô cùng sung sướng, hạnh phúc và tự hào, đặc biệt lần này được vào Khu lưu niệm của cô Ba Định. Qua đây, bản thân tôi hiểu được con người Bến Tre nói chung, cô Ba Định nói riêng, điều này càng làm tôi tự hào hơn về dân tộc, là động lực để chúng ta phấn đấu vươn lên trong sự nghiệp đổi mới của mình. Đây cũng là nét văn hoá cần gìn giữ và phát huy cho cả thế hệ sau này.
Cựu chiến binh Đoàn tàu không số tham quan khu di tích Đồng Khởi ở Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam. Ảnh: Hữu Hiệp
Gửi niềm tin cho thế hệ hôm nay
Chủ tịch Hội CCB Đoàn tàu không số Nguyễn Đình Sin, thay mặt CCB Đoàn tàu không số, gởi đến lãnh đạo tỉnh Bến Tre lời chúc sức khoẻ. Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, trước đây đồng chí Nguyễn Thị Định đã ra Bắc xin vũ khí về giải phóng miền Nam. Những chiếc thuyền Bến Tre do đồng chí Đức, Tiến, Anh hùng lực lượng vũ trang hôm nay, trong 5 chiếc tàu đấy rất vinh dự có chiếc tàu của Bến Tre được gặp đồng chí Lê Duẫn, nguyên Tổng Bí thư. Trong chuyến này, đồng chí Lê Duẫn giao nhiệm vụ cho Bến Tre phải làm đầu tàu gương mẫu. Nhận được chỉ thị đó, có Quyết định 15 của Trung ương Đảng là thành lập Đoàn 759, tiền thân của Đoàn tàu không số, và là 185 ngày nay.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Di tích Đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú. Ảnh: Hữu Hiệp
Theo ông Nguyễn Đình Sin: Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, có thể khẳng định rằng, Cà Mau, Bến Tre là thủ phủ của đoàn tàu không số, nơi đây đã tiếp nhận từ Cà Mau 4.400 tấn vũ khí, Bến Tre trực tiếp giao được 70 tấn vũ khí tận tay cho lực lượng vũ trang và đồng bào nhân dân Bến Tre là 1.400 tấn. Với 1.400 tấn vũ khí này, chúng ta đã xoay chuyển hoàn toàn tình thế, trong cuộc chiến đấu với Mỹ nguỵ. Vì thế mỗi lẫn chúng tôi nghĩ đến Bến Tre là xương của xương, là thịt của thịt, đặc biệt với lực lượng vũ trang Bến Tre, với đặc điểm Đoàn 962, 950 là chúng tôi không bao giờ quên được, vì đồng chí, đồng đội cùng hợp đồng tác chiến, giành được thắng lợi.
“Để nói rằng lúc nào chúng tôi cũng nói rất trân trọng và qúy mến Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh nói chung, Bến Tre, Phú Yên nói riêng. Không có lực lượng của hai địa phương này thì Quảng Ngãi, Phú Yên và Bến Tre có lẽ chúng tôi đã bỏ xác ở đây lâu rồi. Tình cảm máu của máu, thịt của thịt như vậy, cho nên hôm nay quay lại Bến Tre lần thứ 3 nhưng lòng tôi rất triều mến, thương yêu, và rất trân trọng. Đặc biệt, khi đồng chí Hồ Thị Hoàng Yến nhận được điện thoại của tôi và tờ trình thì đồng chí lúc nào cũng hỏi bao giờ các bác vào, sức khoẻ các bác ra sao, tôi rất cảm động” - Chủ tịch Hội CCB Đoàn tàu không số Nguyễn Đình Sin nói.
Ngày 2-7-2022, tại Khách sạn Hùng Vương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có buổi họp mặt chào mừng Đoàn tàu không số thăm lại chiến trường xưa. Tham dự có Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến; Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười; Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Văn Đức, lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy, Tỉnh đoàn.
Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến phát biểu tại buổi họp mặt. Ảnh: Hữu Hiệp
Chia sẻ tại buổi họp mặt, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến cho rằng: Thường trực Tỉnh ủy rất hân hạnh và vui mừng được đoàn CCB Đoàn tàu không số đến thăm Bến Tre, trở lại chiến trường xưa, nơi mà Bến Tre là một trong những Bến của Đoàn tàu không số và cũng là nơi khởi đầu cho Đoàn tàu không số ra đời từ năm 1946.
Nữ tướng Nguyễn Thị Định lúc đó với vai trò là Phó bí thư Tỉnh uỷ, cùng một số đồng chí ra Bắc gặp Bác Hồ để xin vũ khí về miền Nam đánh Pháp. Việc Đoàn tàu không số trở lại Bến Tre trong thời điểm này là vô cùng có ý nghĩa trong dịp tỉnh vừa tổ chức kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và hướng đến kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.
Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh trao quà cho Hội CCB Đoàn tàu không số. Ảnh: Hữu Hiệp
Tại buổi gặp chào mừng, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến đã thăm hỏi, chúc sức khỏe các đồng chí của Đoàn tàu không số đã có chuyến về nguồn tại Bến Tre thật có ý nghĩa. Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng đã thông tin với đoàn về sự phát triển của tỉnh, nhất là những tình hình lãnh đạo, phát triển kinh tế - xã hội, phát huy truyền thống của quê hương Đồng Khởi anh hùng và mong muốn đoàn về nguồn có chuyến trãi nghiệm thăm lại chiến trường xưa có nhiều niềm vui và dấu ấn tốt đẹp.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ tặng hoa chúc mừng Thượng tá Nguyễn Đình Sin, Trưởng đoàn Hội Cựu chiến binh Tàu không số Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hải Phòng về thăm Bến Tre. Ảnh: Thanh Đồng
Chiều 3-7-2022, Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến đến gặp gỡ, thăm hỏi Đoàn Cựu chiến binh Tàu không số về thăm lại chiến trường xưa.
Thượng tá Nguyễn Đình Sin, Trưởng đoàn Hội Cựu chiến binh Tàu không số Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hải Phòng phát biểu tại buổi gặp gỡ. Ảnh: Thanh Đồng
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ bày tỏ sự vui mừng khi đón Đoàn cựu chiến binh Tàu không số về thăm Bến Tre là Đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam, nơi từng ghi dấu của Đoàn tàu không số. Trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc có sự hy sinh, đóng góp của các cựu chiến binh Tàu không số. Bến Tre là cái nôi đồng khởi, là một trong các điểm xuất phát của Tàu không số. Từ phong trào Đồng khởi năm xưa, ngày nay, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bến Tre tiếp tục thực hiện phong trào thi đua “Đồng khởi mới” để xây dựng và phát triển quê hương. Thế hệ ngày nay sẽ luôn ghi nhớ, tri ân sự hy sinh của các cựu chiến binh Tàu không số trong chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc.
Hữu Hiệp - Thanh Đồng