Nhớ về bến cảng anh hùng

27/10/2021 - 06:25

BDK - Dưới những vạt rừng phòng hộ xanh thẳm, con sóng hiền hòa vỗ về cuộc sống yên bình của người dân vùng biển Bến Tre hôm nay, chúng ta tự hào nhắc nhớ về một bến cảng đã từng tồn tại nơi đây trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Những con “tàu không số” huyền thoại đã cặp bến để chi viện nhân lực, vật lực cho miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Đó là Bến A101 - Bến Tre.

Khách tham quan Di tích đường Hồ Chí Minh trên biển tại Bến Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú. Ảnh: Ánh Nguyệt

Khách tham quan Di tích đường Hồ Chí Minh trên biển tại Bến Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú. Ảnh: Ánh Nguyệt

Tiếp nhận “tàu không số”

Mang phiên hiệu Bến A101, ra đời ngày 19-9-1962, đây là một đơn vị đặc biệt, tương đương cấp trung đoàn, hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương và Quân khu 8 (Quân khu 9 ngày nay). Địa bàn hoạt động của Bến A101 từ duyên hải Thạnh Phú đến Bình Đại. Nhiệm vụ chính của bến là tổ chức tiếp nhận tàu từ miền Bắc chi viện cho miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; trung chuyển vũ khí, vật chất (tiền, vàng, thuốc trị bệnh, tài liệu mật) từ Bến Tre đến các Quân khu 7, 8, 9 và 10 tỉnh, thành ở miền Nam. Ngoài ra còn làm nhiệm vụ đặc biệt là đưa đón cán bộ cao cấp và những đồng chí từ Trung ương về miền Nam theo đường Hồ Chí Minh trên biển.

Ngày đầu thành lập, bến gồm 1 đội vận tải có 2 ghe trọng tải, mỗi chiếc từ 5 - 7 tấn, 1 đội kho; 2 trung đội bảo vệ, 1 bộ phận công tác đảng, công tác chính trị; 2 đài vô tuyến, bộ phận tài vụ, quân y... Do tính chất nhiệm vụ đặc biệt, yêu cầu bảo đảm bí mật nên hệ thống kho, bến đều được bố trí rải rác nằm sâu trong rừng cấm thuộc các xã Thạnh Phong, Giao Thạnh, An Nhơn, An Qui (Thạnh Phú), Thới Thuận, Thừa Đức (Bình Đại) và một số xã ven sông Ba Lai huyện Ba Tri. Nhờ sự ủng hộ, giúp sức của nhân dân, chỉ sau 4 tháng ra đời hàng trăm hầm lớn nhỏ khác nhau xây bằng xi-măng; hàng trăm lu, mái chứa nước được chôn sâu trong lòng đất; hàng chục bến phụ nằm ẩn mình kín đáo dưới những tán cây to cạnh bên những con rạch thuận lợi cho việc bốc xếp, vận chuyển vũ khí, hàng hóa. Đến đầu năm 1963, đội kho, đội vận tải phát triển đến cấp đại đội; lực lượng bảo vệ phát triển thành tiểu đoàn; phương tiện vận tải có 20 chiếc ghe được trang bị khá mạnh, sẵn sàng đón những chuyến tàu từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam đúng theo chủ trương của Đảng.

Ngày 17-6-1963, Bến A101 tổ chức đón chuyến tàu đầu tiên đưa vũ khí từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam vào vàm Khâu Băng. Chỉ sau 2 đêm, lực lượng ta chuyển toàn bộ 100 tấn vũ khí trên tàu vào các kho cất giấu, bảo quản. Giải phóng hàng nhanh và tàu đã trở về miền Bắc an toàn. Từ chuyến tàu đầu tiên đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bến A101 tiếp nhận thành công 27 chuyến tàu chở trên 1.000 tấn vũ khí, đạn dược của miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam đánh giặc; đưa rước hàng trăm cán bộ cao cấp của Đảng và Quân đội, trong đó có các đồng chí Võ Văn Kiệt (nguyên Thủ tướng Chính phủ), Lê Đức Anh (nguyên Chủ tịch nước), Nguyễn Trọng Xuyên (nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng). Tuy nhiên, cũng có 1 chuyến tàu bị địch phát hiện và cuộc chiến đấu không cân sức đã diễn ra, 11 chiến sĩ anh dũng hy sinh cùng với tàu.

Những trận chiến đấu

Trong quá trình hoạt động, Bến A101 đã hứng chịu hàng ngàn tấn bom đạn các loại của kẻ thù, kể cả bom na-pan và chất độc hóa học. Lực lượng bến đã phối hợp cùng các lực lượng đánh trả hàng chục trận càn quy mô lớn, đánh hàng trăm trận lớn, nhỏ; tiêu diệt trên 1.000 quân địch, bắn rơi và hư hỏng hàng trăm trực thăng, bắn cháy 2 xe M113, thu trên 300 súng các loại, hàng chục máy thông tin; gọi hàng, bắt sống 1 tàu hải quân với 150 sĩ quan, binh sĩ địch. Tiêu biểu như các trận “Phượng hoàng TG-1” ngày 31-12-1963. đánh bại cuộc hành quân “Phượng hoàng” ngày 14-2-1966 do tướng Lê Văn Kim - Tổng tham mưu trưởng ngụy Sài Gòn trực tiếp chỉ huy. Đánh bại cuộc càn “Sóng thần 5” ngày 6-1-1967, đây là cuộc càn mà Mỹ - ngụy sử dụng nhiều tàu chiến, máy bay, xe thiết giáp, các loại hỏa lực mạnh. Mở đầu cuộc hành quân, địch dùng B52 ném bom rải thảm, tiếp theo là các loại pháo hạng nặng cùng nhiều tốp máy bay ném bom, bắn phá để dọn bãi. Sau đợt chế áp dữ dội, hủy diệt địa bàn, quân Mỹ được tàu đổ bộ vào bờ biển và các rạch dọc sông Cổ Chiên, Hàm Luông bao vây các xã An Quy, An Nhơn, Giao Thạnh, Thạnh Phong quyết tâm lấy cho được kho vũ khí của ta. Lực lượng chiến đấu của Bến A101, dân quân du kích, cơ quan dân chính Đảng địa phương dựa vào nhân dân phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp đánh địch, đã chặn đánh các mũi tiến công của địch bằng súng trường, bãi mìn, lựu đạn gài, ong vò vẽ… làm chết và bị thương 25 tên Mỹ. Nhờ chuẩn bị trước tinh thần đấu tranh cho quần chúng nên sau khi chịu đựng bom đạn của địch, nhân dân các xã trên bình tĩnh tập hợp lại cứu chữa thương binh, mai táng người chết và trực tiếp đấu tranh chính trị với địch. Sau 15 ngày chiến đấu, địch bị thiệt hại nặng nề, buộc phải rút quân, kho tàng của Bến A101 được bảo vệ an toàn.

Trải qua gần 15 năm xây dựng và chiến đấu, Bến A101- Bến Tre đã tiếp nhận, trung chuyển một số lượng lớn vũ khí, khí tài, đạn dược, hàng hóa chi viện cho các chiến trường miền Nam đánh giặc, góp phần giải phóng quê hương, thống nhất đất nước. Do yêu cầu nhiệm vụ đặc biệt nên về tổ chức, biên chế và các hoạt động đều hết sức bí mật, vì thế nhiều người chưa hiểu hết ý nghĩa, tầm vóc của một “Bến cảng” đã từng tồn tại trên 3 dải cù lao anh hùng. Để có được thành quả đó, 204 cán bộ, chiến sĩ của bến đã anh dũng hy sinh, máu xương của nhiều anh hùng liệt sĩ và nhân dân nơi đây đã hòa cùng biển cả để bảo vệ những “con tàu không số” huyền thoại trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển.

Thành tích và chiến công oanh liệt của Bến A101- Bến Tre đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Di tích lịch sử Đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc Nam ở Thạnh Phú được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Đại tá Võ Thanh Sơn - Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN