
Nhiều cụm dân cư mọc lên, buôn bán dọc hai bên tuyến đường Cồn Rừng ở xã Mỹ An (Thạnh Phú).
Hoàn chỉnh hệ thống cầu đường
Hạ tầng giao thông luôn được tỉnh xác định là nền tảng để tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đầu năm 2018, tại lễ thông xe 3 cầu trên quốc lộ (QL) 57, 5 cầu trên đường tỉnh (ĐT) 887, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng tuyên bố tỉnh đã hoàn thành mục tiêu xóa cầu yếu các tuyến QL và ĐT; đồng thời, phát động phong trào xây dựng giao thông nông thôn trong toàn tỉnh dưới mọi hình thức và kêu gọi cả hệ thống chính trị cùng toàn thể nhân dân nhiệt tình hưởng ứng và tích cực tham gia thực hiện phong trào để hệ thống giao thông tỉnh nhà ngày thêm thông suốt và bao phủ, đáp ứng kịp nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.
Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh, Bến Tre đã đưa vào sử dụng nhiều công trình hạ tầng giao thông quan trọng theo quy hoạch, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đó là các công trình, đường từ cảng Giao Long đến đường Nguyễn Thị Định; giai đoạn 1 của dự án nâng cấp ĐT.883 đoạn từ đường vào cầu Rạch Miễu - cầu An Hóa; nâng cấp thượng tầng cầu An Hóa; xây dựng ĐH.173 đoạn từ đường vào K20 đến cầu Thầy Thông; đưa vào hoạt động bến phà Bình Tân - Cửa Đại nối liền huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang và huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre; đường vào trung tâm xã Mỹ An - An Điền - Thạnh Hải; xây dựng các cầu Tân Huề, An Quy, Mương Điều, Ranh Tổng, Hương Mỹ trên QL.57; xây dựng các cầu Hương Điểm, Nguyễn Tấn Ngãi, Đỏ, Ba Lạt và Lương Ngang trên ĐT.887.
Đối với hệ thống đường QL, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành quyết định về việc chuyển đoạn ĐT.884 và ĐT.883 thành QL.57B, chuyển đoạn ĐT.884 và ĐT.885, ĐT.887 thành QL.57C; hoàn chỉnh các bước thủ tục của dự án đầu tư nâng cấp QL.57. Phối hợp với Ban Quản lý dự án 7 tiếp tục triển khai dự án nâng cấp, mở rộng 4 đoạn tuyến nối cầu Rạch Miễu đến cầu Cổ Chiên, đang thi công đồng loạt 8/8 gói thầu; hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng cầu Rạch Miễu 2 và thực hiện các bước thủ tục tiếp theo của dự án. Đối với ĐT, đã từng bước nâng cấp, hoàn thiện hệ thống ĐT theo cấp kỹ thuật, ưu tiên các tuyến có tính kết nối và có nhu cầu vận tải cao. Hiện các tuyến đường huyện và đường giao thông nông thôn cấp xã, liên xã cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân. Đến nay, tỉnh có 24 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới.
Hoàn thiện đường nông thôn
Xã Mỹ An, huyện Thạnh Phú một thời từng được gọi là cù lao Quốc tế, với địa hình cô lập, tứ bề là sông lớn, nơi đây từng che chở cách mạng mỗi khi có lính càn quét. Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Trịnh Văn Y - nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường tỉnh nhớ lại: “Cù lao Quốc tế là nơi tá túc của cách mạng, sông Băng Cung nhiều cá sấu, mỗi khi qua lại, cá sấu cứ táp cảng cảng trên cù lao là rừng ráng bạt ngàn. Mỗi khi bị càn quét, ban ngày anh em cán bộ từ trong, ngoài huyện Thạnh Phú đến ngoài tỉnh đều tập trung ở đó hết, ban đêm lại đi ra hoạt động”. Đến năm 2001, xã Mỹ An thành lập, ông Trịnh Văn Y và một vài cán bộ tỉnh muốn qua phải lụy đò, thời điểm này Mỹ An chưa có gì hết, đoàn công tác phải nhắm hướng mà đi, muỗi bay vù vù sau lưng, trên địa bàn xã có 28 con sông, rạch chia cắt và 100 cầu khỉ.

Đường xã nông thôn mới Bình Thành (Giồng Trôm). Ảnh: H.Hiệp
Năm 2016, đường ô tô đến trung tâm các xã: An Điền, Thạnh Hải, Mỹ An (đường Cồn Rừng) chính thức được thông xe, có tổng chiều dài 34,3km, từ ngã ba xã Thạnh Hải, đi qua xã An Điền, Mỹ An và kết thúc tại xã Quới Điền, giao với QL.57. Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn cấp 6, nền đường rộng 7m, mặt đường rộng 6m, đáp ứng cho 2 làn xe lưu thông. Nằm trên tuyến đường Cồn Rừng có 6 cây cầu: Vàm Rỗng, Đại Đội 3, Chợ An Điền, Rạch Cừ, Băng Cung và Chín Thước, được thiết kế với tải trọng 20 tấn, mặt cầu rộng 6m. Tổng vốn đầu tư 376 tỷ đồng từ vốn trái phiếu Chính phủ. Tuyến đường qua Mỹ An dài hơn 11km, băng qua toàn bộ 6 ấp, đánh dấu bước ngoặt mới cho xã Mỹ An. Trên cù lao Mỹ An, nơi rừng ráng rậm rạp nhất ngày xưa bây giờ là trung tâm xã. Con đường phá thế cô lập đất cù lao Mỹ An, dọc hai bên tuyến đường, nhiều cụm dân cư mới mọc lên, dù chưa có đèn đường nhưng quán xá, nhà dân cũng thắp đèn sáng trưng vào mỗi chiều tối. Nhiều mạnh thường quân, chính quyền địa phương và người dân đã chung sức xóa cầu khỉ ở Mỹ An, nhịp độ “bê-tông hóa” ở đây ngày một sinh động hơn khi xã có đường nhựa lớn đi qua, xây dựng tiêu chí giao thông cũng được Mỹ An xác định là tiêu chí tạo bước đột phá của xã.
Nhờ có tuyến đường mới này mà kinh tế Mỹ An vực dậy, đời sống kinh tế, tinh thần người dân phấn khởi hẳn lên. Anh Trần Văn Nguyệt, ngụ ấp An Khương trước đây là hộ nghèo, nhờ chăm chỉ làm ăn mà anh thoát nghèo, giờ còn xây được nhà mới khang trang. Anh Nguyệt nói: “Có lộ lớn tôi mừng lắm, bây giờ muốn bán bò thì xe Hoa lâm đến tận nhà chở, không như trước đây tôi phải dắt bò đi bộ mấy cây số dù trời nắng hay mưa, để xuống ghe đi. Đường đi thuận lợi, gia đình tôi cứ làm một vụ lúa, một vụ tôm, nuôi bò mà thoát nghèo”.
Bí thư Chi bộ ấp An Khương Võ Văn Kịp cho biết: “Nào giờ bà con xứ này không dám mơ tới đường điện, nay thì điện, đường, trường, trạm Mỹ An có hết, bà con mua đất mặt lộ cất nhà, buôn bán nhộn nhịp, giá cả các mặt hàng cũng nhích lên do đường sá thuận tiện”. Thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 21,5 triệu đồng/năm, tăng 3 triệu đồng so với nhiệm kỳ trước (2010 - 2015). Đến cuối nhiệm kỳ, xã Mỹ An đề ra chỉ tiêu là 36 triệu đồng/người/năm. Bí thư Đảng ủy xã Mỹ An Trần Văn Tây phấn khởi: “Hai năm qua, từ khi xây dựng đường Cồn Rừng, nay là Huyện lộ 92, đời sống người dân Mỹ An phát triển rõ rệt, hàng hóa vận chuyển dễ dàng, nửa nhiệm kỳ còn lại Mỹ An phấn đấu phát triển các tổ hợp tác nông nghiệp nuôi tôm, cua, trồng lúa, đồng thời tập trung thực hiện đề án sinh kế, dồn sức cho giảm nghèo. Mỹ An đã đề xuất với phía huyện thành lập cụm công nghiệp để giải quyết việc làm cho người dân tốt hơn.
Đường Cồn Rừng đưa vào sử dụng đã làm tươi hẳn lên một vùng quê từng hẻo lánh, khơi dậy sức sống mới cho một vùng quê nghèo, đó là một trong những công trình có ý nghĩa mà tỉnh nhà đã thực hiện được trong nhiệm kỳ qua cho người dân. Theo đánh giá của ngành giao thông vận tải, nửa nhiệm kỳ qua, hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ có trọng tâm, trọng điểm, kết nối lan tỏa tạo động lực cho kinh tế phát triển, đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa.
Bài, ảnh: Thạch Thảo