Tỷ lệ kiên cố hóa phòng học trên địa bàn tỉnh tăng hàng năm để đáp ứng nhu cầu dạy và học.
Niềm vui trường lớp mới
Trường THPT Nhuận Phú Tân, huyện Mỏ Cày Bắc là ngôi trường gần đây nhất của ngành GD được bàn giao đưa vào sử dụng. Trường rộng 11.985m2, các hạng mục chính, gồm: khối phòng học và khối văn phòng, các phòng chức năng, có quy mô 1 trệt, 2 lầu, xây dựng kiên cố. Cùng các hạng mục phụ trợ như: nhà đa năng, nhà bảo vệ, nhà xe giáo viên, nhà xe học sinh, hồ nước… Trường được trang bị thiết bị phục vụ sinh hoạt, học tập; thiết bị phòng cháy, chữa cháy; thiết bị trạm biến áp; máy lạnh. Tổng mức đầu tư khoảng 60 tỷ đồng.
Trường được bàn giao đưa vào sử dụng từ ngày 25-8-2023 trong niềm vui phấn khởi của đông đảo phụ huynh và học sinh xã Nhuận Phú Tân và các xã lân cận. Hiện trường có 4 lớp 10, với tổng số 168 học sinh.
Tan trường cuối ngày, nhiều học sinh ở lại chơi đánh bóng chuyền, cầu lông, nhóm khác tập văn nghệ... làm đông vui hẳn sân trường. Em Nguyễn Hữu Duy, lớp 10A2, Trường THPT Nhuận Phú Tân cho biết: “Em đi học 10 phút là tới trường. Trường gần, em đủ giờ ăn sáng, không phải thức dậy quá sớm như anh của em hồi trước. Bây giờ đi học trường gần thật là thích, em sẽ quyết học tới lớp 12, học tốt để có nghề nghiệp ổn định trong tương lai”.
Từ điểm Trường THPT Nhuận Phú Tân, trong vòng bán kính 8 - 10km mới có 1 trường THPT khác. Bởi toàn huyện Mỏ Cày Bắc chỉ có 2 trường THPT là THPT Ngô Văn Cấn, ở thị trấn Phước Mỹ Trung và THPT Lê Anh Xuân, ở xã Tân Thành Bình. Biết bao đời nay, học sinh của những xã cánh Nam huyện Mỏ Cày Bắc, gồm: Nhuận Phú Tân, Khánh Thạnh Tân, Tân Thanh Tây và Tân Bình phải đạp xe khoảng 7 - 10km đi học. Trước khi làm Hiệu trưởng Trường THPT Nhuận Phú Tân, cô Võ Thị Nhen là Hiệu trưởng Trường THPT Quản Trọng Hoàng. Cô Nhen cho hay: “Học sinh ở đây phải đi học xa, trưa ăn cơm bụi, nghỉ ở quán nước chờ vào tiết buổi chiều là việc thường xuyên. Nhiều năm làm công tác quản lý, tôi thấy mừng vì càng ngày học sinh thụ hưởng nhiều điều kiện trường lớp tốt hơn. Hiện trường có đủ các thiết bị tương tác nghe nhìn ở hầu hết các phòng học, giúp học sinh học tốt chương trình GD phổ thông 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) mà không cần phải đem điện thoại vào lớp...”.
Theo quyết định đầu tư của UBND tỉnh, một trong những mục tiêu xây dựng Trường THPT Nhuận Phú Tân là nhằm đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập ở bậc THPT của học sinh trên địa bàn các xã thuộc tiểu vùng IV của huyện Mỏ Cày Bắc, góp phần thực hiện tốt mục tiêu phổ cập GD trung học, tạo điều kiện xây dựng đạt xã nông thôn mới; bổ sung đầy đủ cơ sở vật chất các phòng chức năng và các hạng mục phụ nhằm công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.
Phát triển mạng lưới trường lớp
Hiện nay, đi đến đâu trên địa bàn tỉnh, đều thấy các công trình trường học được xây dựng kiên cố, rộng rãi ở nơi thoáng mát, gần trung tâm thị trấn, thị tứ hoặc được xây ven các quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ cho học sinh dễ dàng đến trường.
Học sinh Trường THPT Nhuận Phú Tân (Mỏ Cày Bắc) vui chơi tại sân trường giờ tan học buổi chiều.
Kể cả nơi heo hút gọi là Cồn Đất, xã An Hiệp, huyện Ba Tri, cũng có ngôi trường mới mang tên Trường Tiểu học An Hiệp. Giáo viên từ đất liền muốn đến trường phải qua đò 30 phút. Cho tới nay, giờ vào lớp của học sinh ở cồn Đất là 7 giờ 30 phút. Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học An Hiệp Nguyễn Thị Tú Xuyên cho hay: “Hiện trạng trường cũ chỉ có 4 phòng học, xuống cấp, đường đến trường trơn trợt mùa mưa. Năm 2019, ngôi trường được đầu tư sửa chữa mới 4 phòng học, xây thêm 2 phòng và đầu tư 1 phòng máy vi tính (25 máy). Trường có 4 lớp, đủ 4 khối (mỗi khối 1 lớp), với tổng số 76 học sinh. Riêng khối lớp 5, từ 3 năm nay, học sinh phải sang đất liền học (theo quy định). Thế nên, từ 5 giờ 30 phút, các em đã phải đi đò để tới kịp giờ học ở đất liền 7 giờ. Đường đến trường đã xây dựng bê-tông nhưng còn nhỏ hẹp...”. Được biết, việc sửa chữa, xây dựng mới các phòng học Trường Tiểu học An Hiệp, nằm trong Chương trình kiên cố hóa trường lớp học mầm non, tiểu học cho vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa đối với các phòng học cấp mầm non và tiểu học thuộc các xã theo Quyết định số 539/QĐ-TTg năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu...
Thông tin từ Sở GD&ĐT, những năm gần đây, ngành GD&ĐT tỉnh đã phát triển khá toàn diện, hình thành hệ thống GD hoàn chỉnh từ mầm non đến GD phổ thông, GD chuyên nghiệp và GD thường xuyên. Tính đến đầu năm học 2019-2020, tỉnh có 183 trường mầm non (trong đó có 163 trường mầm non công lập, 20 trường ngoài công lập và 83 nhóm trẻ độc lập). So với năm học 2010-2011, số trường mầm non của tỉnh tăng 15 trường và chủ yếu là tăng số trường mầm non ngoài công lập (12 trường). Số trường THCS là 133 trường, THPT khoảng 36 trường.
Nhìn vào con số tỷ lệ kiên cố hóa phòng học ngày càng tăng, người dân cù lao xứ dừa không khỏi mừng thầm. Cụ thể, cấp học Mầm non - Mẫu giáo, tỷ lệ phòng học kiên cố đến năm 2020 là 83,06% (tăng 9,82% so với năm 2011: 73,24%), số phòng được đầu tư xây dựng kiên cố mới 316 phòng học. Tiểu học, tỷ lệ phòng học kiên cố đến năm 2020 là 70,02% (tăng 14,22% so với năm 2011: 55,8%), số phòng được đầu tư xây dựng kiên cố mới 594 phòng học. THCS, tỷ lệ phòng học kiên cố đến năm 2020 là 86,43% (tăng 13,5% so với năm 2011: 72,93%), số phòng được đầu tư xây dựng kiên cố mới 156 phòng học. THPT, tỷ lệ phòng học kiên cố đến năm 2020 là 97,43% (tăng 3,21% so với năm 2011: 94,21%), số phòng được đầu tư xây dựng kiên cố mới 137 phòng học.
“Tỉnh còn nhiều khó khăn nhưng giáo dục luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm. Cùng với chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, rất nhiều trường học được xây dựng mới và được đầu tư cơ sở vật chất”.
(Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo La Thị Thúy)
|
Bài, ảnh: Thạch Thảo