Đẩy mạnh công tác chống khai thác IUU

24/01/2024 - 05:58

BDK - Bến Tre là một trong những tỉnh có ngành thủy sản phát triển mạnh, đóng góp lớn vào kinh tế và đời sống của người dân. Tuy nhiên, việc khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU) của một số tàu cá đã gây ảnh hưởng xấu đến nguồn lợi thủy sản và hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Để khắc phục tình trạng này, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, nhất quán để gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU do Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo từ năm 2017.

Cảnh sát biển Việt Nam tuyên truyền chống khai thác IUU cho ngư dân tỉnh Bến Tre. Ảnh: Bảo Duy

Cảnh sát biển Việt Nam tuyên truyền chống khai thác IUU cho ngư dân tỉnh Bến Tre. Ảnh: Bảo Duy

Thực hiện đợt cao điểm chống khai thác IUU của theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã thành lập đoàn kiểm tra chống khai thác IUU trên vùng biển phía Nam Việt Nam, đặc biệt là khu vực biển giáp ranh Malaysia và Thái Lan. Kết quả sau chuyến công tác kéo dài 7 ngày bắt đầu từ ngày 15 đến ngày 21-1-2024, đoàn kiểm tra của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã kiểm tra hơn 15 tàu cá thuộc các tỉnh Bến Tre, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau. Kết quả xử phạt 5 tàu, trong đó Bến Tre có đến 3 tàu vi phạm. Lỗi vi phạm của các tàu cá Bến Tre là lỗi không có đầy đủ bằng thuyền trưởng, danh sách thuyền viên không đầy đủ, không mang theo giấy tờ tùy thân… Đoàn công tác đã tiến hành lập biên bản và phạt đối với các tàu vi phạm theo quy định. Đợt cao điểm chống khai thác IUU của Cảnh sát biển Việt Nam phối hợp cùng các lực lượng chức năng sẽ kéo dài đến hết ngày 30-4-2024.

Đây là một trong những hoạt động nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong việc chấm dứt IUU, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Buội, hiện nay, toàn tỉnh có 3.780 tàu đánh bắt thủy sản trên biển, chủ yếu tập trung tại ba huyện: Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú. Trong đó, có khoảng 2.000 tàu đánh bắt xa bờ. Tính từ thời điểm Nghị định số 42/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản có hiệu lực thi hành đến nay, tỉnh có 28 tàu vi phạm vùng biển nước ngoài. Tất cả chủ tàu đều bị xử phạt vi phạm hành chính, với số tiền hơn 20 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Buội, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho ngư dân, chủ tàu cá về những quy định, nghĩa vụ và trách nhiệm khi tham gia khai thác hải sản. Đồng thời, sẽ kiểm tra, rà soát, cấp lại giấy phép hoạt động cho các tàu cá, đảm bảo có đầy đủ thiết bị giám sát, theo dõi, báo cáo tình hình khai thác. Ngoài ra, sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để ngăn chặn, xử lý nghiêm các tàu cá xâm phạm vùng biển nước ngoài, đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu về khai thác, nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản. Bên cạnh đó, sẽ hỗ trợ ngư dân phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững, áp dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Bảo Duy

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN