Đẩy mạnh công tác tư vấn phân luồng học sinh

06/05/2024 - 05:35

BDK - Để giúp học sinh (HS) có hướng đi phù hợp và bảo đảm hiệu quả công tác phân luồng học sinh (PLHS) sau tốt nghiệp THCS, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục hướng nghiệp cho HS cuối cấp THCS.

Trường THCS Vang Quới (Bình Đại) lồng ghép nội dung tư vấn, hướng nghiệp, phân luồng học sinh.

Trường THCS Vang Quới (Bình Đại) lồng ghép nội dung tư vấn, hướng nghiệp, phân luồng học sinh.

Đẩy mạnh tư vấn

Năm học 2023-2024 là năm thứ 4 Trường THCS Vang Quới (Bình Đại) thực hiện PLHS sau THCS. Hàng năm, có trên 85% HS lớp 9 tham gia tuyển sinh vào lớp 10, gần 15% HS tham gia thị trường lao động. Trong số HS tham gia tuyển sinh lớp 10, gần 22% HS đăng ký vào Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX), số còn lại tham gia tuyển sinh vào lớp 10 công lập chuyên và không chuyên trong tỉnh.

Để công tác PLHS đạt hiệu quả, nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền, vận động phụ huynh thông qua cuộc họp với Ban đại diện cha mẹ HS. Từ đó, tạo sự đồng thuận của phụ huynh HS trong công tác phân luồng. Năm học 2023-2024, qua tuyên truyền, 100% HS trường nhận thức đúng đắn về công tác tư vấn PLHS. Trong tổng số 135 HS lớp 9 của trường, có 3 HS đăng ký vào Trường THPT Chuyên Bến Tre, 129 HS đăng ký tuyển sinh vào lớp 10 công lập trên địa bàn huyện, 3 HS đăng ký tham gia học nghề.

Em Huỳnh Thị Duy Ca - HS lớp 92, Trường THCS Vang Quới cho hay: “Được thầy cô tư vấn, em hiểu và xác định được khả năng, sở trường, đam mê. Từ đó, em có lựa chọn thích hợp cho bản thân. Sau tốt nghiệp THCS, em sẽ chọn nghề, vừa học nghề, vừa học văn hóa để có thể sớm thành thạo nghề. Sau đó, em đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình”.

Hiệu trưởng Trường THCS Vang Quới Lê Phạm Thanh Huy cho biết: PLHS sau THCS là vấn đề nhà trường hết sức quan tâm, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho HS. Công tác PLHS được giáo viên (GV) bộ môn và GV chủ nhiệm thực hiện ngay từ đầu năm học thông qua việc dạy lồng ghép vào nội dung, chương trình từng bộ môn phù hợp. GV bộ môn và chủ nhiệm tìm hiểu hoàn cảnh HS và gia đình để thực hiện phân luồng hiệu quả.

GV bộ môn đã định hướng, tuyên truyền từ sớm và phân kỳ vào đầu năm học, cuối học kỳ 1, giữa học kỳ 2 sâu rộng đến HS để các em nắm được ý nghĩa của việc phân luồng. Định kỳ 1 tiết/tháng trường sẽ tuyên truyền thông qua sinh hoạt dưới cờ, hoạt động ngoại khóa, tiết hướng nghiệp, dạy nghề.

Xác định ý nghĩa của công tác PLHS, Trường THCS Nguyễn Thị Hai (Mỏ Cày Bắc) truy cập các nội dung trên hệ thống thông tin nhằm kết nối với các trung tâm đào tạo để giới thiệu các ngành nghề thiết thực, phù hợp nhu cầu thị trường lao động cũng như học văn hóa phù hợp năng lực bản thân. Qua khảo sát của nhà trường, có 25 HS tham gia đăng ký các trường nghề, trung tâm GDNN-GDTX trong năm học 2023-2024.

Theo Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thị Hai Nguyễn Văn Vui, công tác PLHS đạt hiệu quả sẽ hạn chế tối đa việc lãng phí thời gian của HS khi học không đúng năng lực, sở trường và tốn kém tiền của gia đình. Khi được tư vấn, hướng nghiệp sớm, giúp các em lựa chọn luồng phù hợp năng lực, sở trường của bản thân.

Chủ động thực hiện

Mục tiêu PLHS trong giai đoạn 2018 - 2025 của tỉnh theo Kế hoạch số 4620/KH-UBND ngày 17-9-2019 về triển khai thực hiện đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng PLHS trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”, đề ra mục tiêu có ít nhất 30% HS tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp trong tỉnh.

Để thực hiện đạt mục tiêu này, ngành GD&ĐT quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các trường tăng cường định hướng, PLHS, đặc biệt HS lớp 9. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành, tỷ lệ PLHS còn thấp do tâm lý của một số phụ huynh mong muốn và tập trung cho con em mình học tiếp văn hóa để đạt được bằng tốt nghiệp THPT vào các trường đại học dù có những trường hợp năng lực HS chưa đáp ứng. Khảo sát thực tế một số phụ huynh, hầu hết họ đều không muốn con em mình vào học các trường thuộc hệ thống GDNN hay trường nghề.

Chia sẻ vấn đề này, chuyên viên Phòng GDNN-GDTX, Sở GD&ĐT Lê Thanh Thông cho hay: Văn hóa “khoa bảng”, “bằng cấp” đã ăn sâu vào tiềm thức của mọi người dân. Phụ huynh HS đều mong muốn con, em mình vào học để có tấm bằng đại học, thậm chí muốn có bằng cấp cao hơn nữa. Văn hóa đó không dễ để một sớm một chiều có thể thay đổi mà đòi hỏi phải có thời gian.

Mặt khác, các cơ sở GDNN kém hấp dẫn và khó thu hút HS vào học, dẫn đến khó khăn trong việc PLHS sau THCS. Chất lượng và hiệu quả GDNN thấp, còn một tỷ lệ không nhỏ HS tốt nghiệp cơ sở GDNN chưa đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, thất nghiệp, không tìm được việc làm, hoặc làm việc không đúng với ngành nghề và trình độ được đào tạo.

Để công tác này đạt hiệu quả, Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường luôn đổi mới, đa dạng hóa, vận dụng linh hoạt các hình thức tư vấn hướng nghiệp phù hợp với lứa tuổi HS. Phó giám đốc Sở GD&ĐT Võ Văn Bé Hai lưu ý: PLHS hiệu quả sẽ tạo điều kiện cho người học dễ dàng chuyển đổi giữa các chương trình giáo dục, học thường xuyên, học tập suốt đời, góp phần từng bước xây dựng xã hội học tập. Nhà trường chủ động thực hiện công tác tư vấn, tuyên truyền. Dựa vào đặc trưng của bộ môn, đổi mới nội dung dạy học trong chương trình theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi. Tăng cường thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn, bổ sung, cập nhật các nội dung giáo dục hướng nghiệp trong các môn học và hoạt động giáo dục phù hợp với thực tiễn.

Năm học 2023-2024, toàn tỉnh có 17.648 HS đang học lớp 9. Theo kế hoạch, tỷ lệ tuyển sinh lớp 10 THPT công lập không quá 70% HS đăng ký dự thi, số còn lại đăng ký học tại trung tâm GDNN-GDTX hoặc tại các trường nghề trong tỉnh. Để các em nhận ra được năng lực, sở trường, đam mê và tìm ra cho mình con đường đi, nhà trường, gia đình và xã hội cùng đồng hành, tư vấn, định hướng đúng để giúp các em chọn con đường đi phù hợp nhất.

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN