Đẩy mạnh đào tạo nghề cho người lao động

13/05/2020 - 07:31

BDK - Tập trung đào tạo các ngành nghề để phát triển công nghiệp phụ trợ, đào tạo theo vị trí làm việc tại doanh nghiệp, làng nghề truyền thống, khu công nghiệp là những mũi nhọn trong công tác đào tạo nghề năm 2020 của tỉnh.

Nghề sản xuất than BBQ tại xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam.

Nghề sản xuất than BBQ tại xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam.

Thực trạng đào tạo nghề

Tỉnh đang có những bước phấn đấu để tăng nhịp độ phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh những ngành nghề cần số lượng lao động lớn phải vào khu - cụm công nghiệp, tỉnh cũng cần nhân lực cho những dự án sử dụng công nghệ ở mức cao hơn. Do đó, công tác đào tạo nghề của tỉnh đã đưa ra những giải pháp nhằm bắt kịp xu thế phát triển tỉnh nhà.

Về công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp năm 2018 và 2019, toàn tỉnh tuyển sinh 20.949 người, trong đó, cao đẳng 1.436 người, trung cấp 1.661 người, sơ cấp và thường xuyên 17.852 người.

Trường Cao đẳng Bến Tre đào tạo đa ngành, đa cấp; đào tạo các nhóm ngành kinh tế, kỹ thuật, khoa học xã hội nhân văn, du lịch, y tế, giáo viên tiểu học, giáo viên mầm non. Trường Cao đẳng Đồng Khởi đào tạo các ngành nghề kỹ thuật và kinh tế như: quản trị khách sạn, cơ khí cắt gọt kim loại, công nghệ ô tô, may thời trang... Trường Trung cấp Công nghệ Bến Tre đào tạo các ngành nghề kỹ thuật công nghệ như: điện công nghiệp, kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí... Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên đào tạo kỹ thuật cho nông dân về chăn nuôi, thú y, trồng trọt cho các sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Các nghề phi nông nghiệp phổ biến như may công nghiệp, đan dây nhựa trên khung sắt, nấu ăn, điện dân dụng.

Đối với đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956, trong 2 năm 2018 và 2019, toàn tỉnh đã tổ chức 294 lớp (7.899 học viên), trong đó: học nghề phi nông nghiệp 5.158 học viên, học nghề nông nghiệp 2.741 học viên. Sau đào tạo nghề, đa số người lao động có khả năng tìm được việc làm tại doanh nghiệp, nhận hàng về gia công hoặc tự tạo việc làm tại hộ gia đình (đạt trên 85%).

Các trường đào tạo tại tỉnh quan tâm đến công tác tư vấn và giới thiệu việc làm sau khi tốt nghiệp, tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp cao. Cụ thể, Cao đẳng Đồng Khởi 94,7%, Cao đẳng Bến Tre và Trung cấp Công nghệ Bến Tre trên 80%. Riêng các ngành nghề như sư phạm giáo dục mầm non, cơ khí, điện, may công nghiệp, tỷ lệ sinh viên có việc làm 100%.

Bên cạnh kết quả, hoạt động đào tạo nghề còn mang tính chất tự phát, chưa có sự ràng buộc và khung pháp lý để doanh nghiệp và nhà trường gắn kết chặt chẽ hơn.

Đẩy mạnh hoạt động

Xác định đào tạo nghề là một trong những lĩnh vực còn nhiều hạn chế của ngành lao động - thương binh và xã hội (LĐTB&XH), năm 2020, Sở LĐTB&XH đã ban hành kế hoạch ngay từ đầu năm về công tác đào tạo nghề.

Theo đó, đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn phải xác định nhu cầu và đối tượng đào tạo theo 3 nhóm đối tượng: đào tạo cho các lao động làm trong các doanh nghiệp, lao động làm trong các vùng sản xuất hàng hóa, vùng nguyên liệu của các doanh nghiệp có liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ; đào tạo cho lao động là thành viên các hợp tác xã, trang trại; đào tạo cho lao động để an sinh xã hội với cơ cấu đào tạo hợp lý.

Chỉ tiêu năm 2020, tỉnh sẽ đào tạo cho 11 ngàn người, trong đó trình độ cao đẳng 800 người, trung cấp 1.200 người, sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên 9 ngàn người (trong đó dạy nghề cho lao động nông thôn 4.500 người).

Không tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn khi chưa dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập của người lao động sau khi học. Căn cứ vào số liệu thống kê của các huyện, thành phố, năm 2020 toàn tỉnh dự kiến đào tạo nghề lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho 4.500 lao động, với tổng kinh phí 6,5 tỷ đồng, gồm: đào tạo nghề phi nông nghiệp và nông nghiệp, đào tạo nghề cho các đối tượng đặc thù 10 lớp với 300 lao động.

Đối tượng lao động nông thôn được hỗ trợ dạy nghề thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật...

Trong bối cảnh Đề án số 1956 kết thúc vào năm 2020, ngành LĐTB&XH đã kiến nghị tỉnh, Chính phủ ban hành đề án mới để tiếp tục thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn còn nhu cầu, nhất là trang bị kỹ năng nghề ở mức độ cao hơn. Sớm thành lập các trung tâm đánh giá, sát hạch kỹ năng nghề quốc gia ở một số ngành thuộc lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, thú y, kinh tế, y tế, du lịch nhằm tạo điều kiện để nhà giáo tham gia sát hạch theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Để thuận lợi trong tuyển sinh cao đẳng, trung cấp, phải có sự phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS và THPT, phải quy định tỷ lệ thích hợp trong công tác phân bổ chỉ tiêu giữa đại học, cao đẳng và trung cấp. Điều này làm cơ sở cho việc hình thành cơ cấu lao động theo các cấp trình độ hợp lý, nhằm tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN