Đẩy mạnh nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” cấp tỉnh giai đoạn 2025 – 2030 và năm 2025

24/02/2025 - 21:22

BDK.VN - Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ và phong trào thi đua “Dân vận khéo” ban hành Kế hoạch số 10 -KH/BCĐ, ngày 3-2-2025 về xây dựng và nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” cấp tỉnh giai đoạn 2025 - 2030 và năm 2025.

Kiểm tra thẩm định mô hình “Dân vận khéo” tại các Họ đạo Cao Đài huyện Bình Đại.

Giải quyết nhiều vấn đề khó, bức xúc

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” ngày càng đi vào chiều sâu, giải quyết những vấn đề khó, bức xúc trong Nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Nhân rộng những mô hình “Dân vận khéo” có hiệu quả gắn với thực tiễn tại các địa phương, đơn vị trong thời gian qua trên phạm vi lớn hơn, tạo sự lan tỏa của các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Việc nhân rộng được thực hiện đúng thực chất, không chạy theo số lượng, chỉ tiêu, bảo đảm hiệu quả thiết thực, sức lan tỏa của mô hình.

Trong giai đoạn 2025 - 2030, căn cứ vào Nghị quyết Đại hội XII Đảng bộ tỉnh, những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá; yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong từng thời điểm để xây dựng mô hình, điển hình trên một số lĩnh vực, nhiệm vụ. Chú ý định hướng, chỉ đạo xây dựng, phát hiện các mô hình, điển hình trong các lĩnh vực: xây dựng Đảng và hệ thống chính trị (sự đổi mới, sáng tạo; chuyển đổi số,…); phát triển kinh tế - xã hội (năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển về hướng Đông; xây dựng “Bến Tre xanh”; trong công tác xử lý rác thải, bảo vệ môi trường; trong phòng, chống IUU;…); củng cố quốc phòng, an ninh (phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, cháy, nổ; đảm bảo trật tự an toàn giao thông,…).

Trong năm 2025, xác định 4 mô hình đã được công nhận mô hình “Dân vận khéo” cấp tỉnh có hiệu quả, gắn với yêu cầu thực tiễn tại các địa phương, đơn vị cần tập trung phổ biến, nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh, đó là: Mô hình “Vận động nhân dân đồng thuận giao đất giải phóng mặt bằng thực hiện các công trình, dự án” của Ban Dân vận Ban Dân vận Huyện ủy Châu Thành, Bình Đại, Ba Tri,…; Mô hình “Họ đạo liên giao tự quản về an ninh, trật tự” tại các họ đạo Cao Đài trên địa bàn huyện Bình Đại” của Công an huyện Bình Đại; Mô hình “Tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân chấp hành đúng quy định của pháp luật về hụi, họ, biêu, phường” của Ban Dân vận Huyện ủy Thạnh Phú; Mô hình “Vận động nhân dân tham gia phân loại, xử lý rác tại nguồn” của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thành Thới B, huyện Mỏ Cày Nam, đã góp phần thực hiện tốt Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Giải pháp nhân rộng các mô hình ‘Dân vận khéo”

Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ và phong trào thi đua “Dân vận khéo” (Ban Chỉ đạo 441) cũng đã đề ra 3 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai để triển khai thực hiện đạt hiệu quả.

Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội: Kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Xác định việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” là trách nhiệm của hệ thống chính trị các cấp và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh, là giải pháp quan trọng góp phần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công tác dân vận trong tình hình mới. Triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với cao điểm thi đua “Đồng khởi mới” trong 2 năm 2024 - 2025 theo phương châm “Hai chân - Ba mũi” và phương thức “Xây dựng điển hình, học tập điển hình, bắt kịp điển hình, vượt qua điển hình” với tinh thần “Ngành ngành thi đua, nhà nhà thi đua, người người thi đua”.

Đa dạng hóa nội dung, lĩnh vực xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”. Cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác định hướng nội dung xây dựng và nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” để có sự chỉ đạo thống nhất, tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải; phát huy vai trò của người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị trong thực hiện phong trào thi đua. Việc xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” phải hướng vào các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung vào những việc mới, việc khó, giải quyết những vấn đề bức thiết của địa phương, đơn vị mà cấp ủy, chính quyền đang tập trung chỉ đạo và đặc biệt phải đem lại lợi ích thiết thực, giải quyết được nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân

Chú trọng việc xây dựng, phát hiện và nhân rộng các tập thể, cá nhân điển hình “Dân vận khéo” gắn với điển hình phong trào thi đua “Đồng Khởi mới”; quan tâm xây dựng và nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh đối với các mô hình đã được chọn. Đồng thời chủ động, sáng tạo trong xây dựng mới và nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội bảo đảm phù hợp, thiết thực đối với từng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Tập trung xây dựng, ưu tiên biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” vào các vấn đề khó, vấn đề nảy sinh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay như: Cải cách hành chính, thực hiện dân chủ ở cơ sở; vận động Nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về họ, hụi, biêu phường; công tác phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); công tác quản lý, xử lý rác thải góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng “Bến Tre xanh; việc thực hiện các biện pháp phòng, chống, ứng phó xâm nhập mặn mùa khô; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội,... nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ và phong trào thi đua “Dân vận khéo” các cấp. Tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ và phong trào thi đua “Dân vận khéo” các cấp trong việc hướng dẫn, thẩm định các mô hình, điển hình đảm bảo các nội dung theo 4 quy trình, 5 biểu mẫu của Bộ thủ tục hành chính về xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Hướng dẫn số 02-HD/BCĐ, ngày 4-3-2024 của Ban Chỉ đạo tỉnh; tập trung chủ yếu vào “tính mới”, “tính khéo”, “tính thiết thực”, “tính hiệu quả” của từng mô hình; khắc phục triệt để tình trạng lựa chọn xây dựng những mô hình đã cũ, mô hình “dễ xây dựng, dễ thực hiện, dễ công nhận” nhưng không thể nhân rộng, lan tỏa vì không mang lại hiệu quả thiết thực, chưa tạo được sự đồng thuận cao trong Nhân dân; đồng thời đảm bảo phong trào thi đua “Dân vận khéo” phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, gắn với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của các ban, ngành, địa phương, đơn vị.

Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác dân vận theo hướng gần dân, trọng dân và có trách nhiệm với dân. Công tác dân vận trong xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” hướng mạnh về cơ sở, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.

Tổ chức các hội nghị nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu nhân rộng những mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả, các gương tập thể, cá nhân điển hình để biểu dương, lan tỏa, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực.

Bài, ảnh: Huỳnh Long

Chia sẻ bài viết
Từ khóa Dân vận khéo

BÌNH LUẬN