
Cần lựa chọn món ăn đảm bảo an toàn thực phẩm để bảo vệ sức khỏe. Ảnh: PH. Hân
“Thực khách thông thái”
Thạc sĩ Nguyễn Hải Nguyên - giảng viên Khoa Đô thị học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh chia sẻ về những trải nghiệm của bản thân đối với việc ăn uống lành mạnh. Xuất phát từ khoảng thời gian chăm sóc mẹ bị bệnh dạ dày, cô có quá trình tìm hiểu về vấn đề dinh dưỡng. Từ đó, cô nhận ra thói quen ăn uống lâu nay gây ra tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng. Cô Nguyên tham gia khóa học về ăn uống cân bằng dinh dưỡng để thay đổi thói quen, cải thiện sức khỏe. Sự thay đổi ngoạn mục về chất lượng sức khỏe của bản thân cô đã tạo sự lan tỏa, quan tâm của nhiều bạn bè, đồng nghiệp quen biết.
Chia sẻ việc lựa chọn thức ăn hàng ngày, chị Huỳnh Thị Thùy Dương (28 tuổi) nhân viên văn phòng ở TP. Bến Tre cho biết: “Không chỉ đáp ứng yếu tố ngon mà còn phải đảm bảo được sức khỏe và ngoại hình”. Hàng ngày, chị Dương thường phân bố 3 buổi ăn: sáng, trưa và chiều. Trong đó, bữa ăn sáng được xem là quan trọng nhất. Chị Dương chọn món ăn giàu chất dinh dưỡng để cung cấp năng lượng cho một ngày làm việc.
Ngoài các chất dinh dưỡng có trong thịt, cá, trứng, sữa…, chị Dương thường bổ sung thêm rau, củ, quả. “Các loại rau xanh, rau sạch theo tiêu chuẩn GAP được tôi ưu tiên hàng đầu để đảm bảo sức khỏe cho bản thân. Tôi không có thói quen ăn vặt các loại như snack, bánh, kẹo vì sợ sử dụng nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, gây mắc các bệnh như viêm họng, viêm amidan, tiểu đường, mỡ máu, béo phì…”, chị Huỳnh Thị Thùy Dương nói.
Để đảm bảo sức khỏe, vệ sinh trong ăn uống, việc dành thời gian để tự tay chế biến món ăn mình yêu thích là tốt nhất. Các bạn trẻ hãy lựa chọn cho mình một cách ăn uống thông minh vì sức khỏe, không tiếp tay cho những kẻ đầu độc chính mình bằng những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Dấu hiệu nhận biết
Thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) luôn được sự quan tâm của các cấp chính quyền, ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Công tác kiểm tra được tăng cường từ tỉnh đến 9 huyện, thành phố. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm triển khai đồng bộ các công tác: thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATVSTP; phòng chống ngộ độc thực phẩm; kiểm nghiệm thực phẩm; cấp giấy chứng nhận ATVSTP tại các cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Cao Thanh Diễm Thúy cho biết, cảm quan chung, thực phẩm tươi có kết cấu chắc, không quá rắn hoặc quá mềm, không có mùi, màu lạ. Thực phẩm khô phải không mốc, không mùi lạ, màu sắc tươi, không bị ruồi nhặng bám. Các thực phẩm trông ngon chưa chắc đã “lành”. Do đó, người tiêu dùng không nên chỉ dựa vào các giác quan nhìn, sờ mà cần những kiến thức cơ bản về từng loại thực phẩm.
Cụ thể, khi mua thịt heo hoặc thịt bò, nên chọn khối thịt rắn chắc, có độ đàn hồi, ấn tay vào thấy thịt mềm, có độ dính, màng ngoài thịt khô, không bị nhớt. Thịt lợn màu hồng tươi, thịt bò màu đỏ sẫm, cắt thịt không thấy có nước, chỗ vết cắt có màu sáng, khô. Đối với cá, tốt nhất là chọn cá còn đang quẩy nước. Nếu cá chết, cần chọn cá còn nhớt bóng, mắt cá trong, vảy cá không bị rời, mang cá hồng, ấn ngón tay vào thịt cá không để lại vết lõm. Người tiêu dùng khi chọn mua rau quả muốn đảm bảo ít bị nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật cần chọn: rau quả còn tươi, có màu sắc và trạng thái tự nhiên, không bị dập nát, không bị úa, không có vết màu lạ. Đặc biệt, không mua rau quả đã bị thâm hoặc nhũn ở đầu dù phần vỏ còn đẹp và nhìn vẫn tươi. Tất cả các hiện tượng bất thường như: rau non, xanh, quả chín quá đều, quá đẹp, đẹp không bình thường là dễ có hóa chất bảo vệ thực vật.
“Bất cứ loại rau quả nào đều phải rửa thật kỹ, gọt vỏ sạch sẽ trước khi dùng.Đa phần các loại rau hữu cơ đều có màu xanh hơi vàng, không xanh đậm như các loại rau trồng bằng phân bón hóa học, gây hại sức khỏe người tiêu dùng vì dư lượng nitrat. Khi chế biến thức ăn, tốt nhất nên sử dụng phẩm màu tự nhiên. Nếu sử dụng phẩm màu tổng hợp thì cần biết rõ đó là phẩm màu gì, có được phép sử dụng trong thực phẩm hay không. Không mua và không sử dụng các loại phẩm màu đóng gói lẻ không có nhãn mác, nguồn gốc không rõ ràng”, bà Cao Thanh Diễm Thúy lưu ý.
Từ ngày 5 đến 15-4-2021, Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) các cấp trong tỉnh triển khai chiến dịch tuyên truyền “Tháng hành động vì ATTP” năm 2021. Với chủ đề “Đảm bảo ATTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong tình hình bình thường mới”, tháng hành động năm nay tập trung tăng cường công tác thông tin, truyền thông các vấn đề liên quan đến ATTP. |
T. Đồng - Ph. Hân - A. Nguyệt